CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ: Sửa đổi quy định nhập cảnh đối với khách du lịch

BBT 15/03/2022 06:30

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 25/NQ-CP.

>>MỞ CỬA DU LỊCH: Sẵn sàng đón các chuyến bay quốc tế

Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở cửa lại hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, tại văn bản số 1576/VPCP-KGVX, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 7/3/2022; gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15/3/2022 để tổng hợp, hoàn thiện và công bố theo thẩm quyền Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức triển khai các hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho khách du lịch.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ giao Bộ Y tế tại Nghị quyết số 25/NQ-CP là chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 3 năm 2022.

Khẩn trương tiếp nhận vaccine và chỉ đạo thực hiện tiêm cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi; tập trung nghiên cứu, tham mưu việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 4, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Rà soát, đánh giá lại các tiêu chí cấp độ dịch, các quy định về quản lý người nhiễm SARS-CoV-2, người tiếp xúc gần với người nhiễm để kịp thời điều chỉnh phù hợp, sát thực tế; đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ đó có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Sửa đổi ngay các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo đúng các nội dung đã thống nhất tại cuộc họp ngày 15/2/2022 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022.

Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 11/03/2022.

Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 11/03/2022.

8 lưu ý khi mở cửa du lịch 

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 11/03/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề trên mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Đến nay, sau hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch COVID-19, từ “không COVID-19” chuyển sang “thích ứng, chung sống với COVID-19” nhằm tái khởi động, sớm đưa cuộc sống quay trở lại bình thường trong bối cảnh mới. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép đón khách du lịch quốc tế, Liên minh Châu Âu mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có các điều kiện.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Để tạo “luồng xanh’’ cho Du lịch Việt Nam, một số vấn đề đặt ra được xác định như sau:

Thứ nhất, để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch. 

Thứ hai, làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh.

Thứ ba, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến: chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch COVID-19.

Thứ tư, ngành Du lịch sẽ tiếp tục đề nghị ngành Ngoại giao phối hợp với ngành Y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam.

Thứ năm, doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch.

Thứ sáu, về vấn đề cạnh tranh điểm đến, bằng nhiều chính sách hỗ trợ ngành Du lịch, các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã có những chuẩn bị sẵn sàng thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại ngay khi điều kiện cho phép. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu.

Thứ bảy, chúng ta sẽ tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam’’ đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Các địa phương xem xét ban hành các chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.

Thứ tám, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên.

Nới lỏng nhưng không buông lỏng

Cho ý kiến về vấn đề mở cửa du lịch PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng,  chúng ta nới lỏng nhưng không buông lỏng, mở cửa an toàn, nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ. 

PGS GS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

PGS GS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Theo ông Phu, ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (ngoài trời, phòng kín…). Đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ khác nhau, liên quan tới nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều địa phương.

Do đó, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. “Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ. Chỉ đạo hướng dẫn đồng bộ nếu mỗi địa phương làm một kiểu du khách không biết thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế khẳng định.

Trên cơ sở đó, ông Phu cho rằng, không phải áp dụng tất cả các K mọi lúc, mọi nơi, nhưng cần linh hoạt, xác định khi nào, K nào áp dụng được, K nào chủ đạo, K nào hỗ trợ.

Khẩu trang cần áp dụng tối đa có thể, khử khuẩn là quan trọng, khoảng cách tùy theo nhóm, theo đoàn, hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn, các nhóm đồng thời khai báo y tế là vô cùng quan trọng để biết nguy cơ lây nhiễm ở đâu, giúp xử lý gọn.

Về cách xử lý, nguyên Cục trưởng Cục Y tế nhấn mạnh cần sự phối hợp giữa quản lý tour, địa phương, quản lý địa điểm du lịch, y tế, chính quyền địa phương. Không lạm dụng đánh giá F1, ccách ly theo quy định. Cùng với đó, cần có hướng dẫn chung toàn ngành, toàn quốc, tránh mỗi nơi làm một kiểu, truyền thông phổ biến cho khách nắm được quy định, biên soạn cẩm nang, tờ rơi hướng dẫn.

“"Dĩ bất biến ứng vạn biến", tuỳ theo tình hình xử lý linh hoạt và nới lỏng nhưng vẫn dự phòng đồng bộ, bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro. Mong rằng trên cơ sở khoa học và thực tiễn này để thống nhất cách làm thông thoáng hơn. Chúng ta cũng mạnh dạn mở cửa ngày 15/3 tới đây”, PGS TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Hai yếu tố cản trở ngành du lịch "cất cánh"

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam khẳng định, du lịch gắn liền với khách, có khách là du lịch phát triển và khách mang lại mọi thứ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện đang có 2 yếu tố cản trở.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam

Thứ nhất, về vấn đề visa, chúng ta đã quy định dừng lại tất cả các việc cấp visa cho khách khi bắt đầu có dịch bệnh, điều đó là rất đúng, rất cần thiết. Nhưng như phân tích của tiến sĩ Trần Đắc Phu, đôi khi hơi quá chặt chẽ, quá nặng nề, có trường hợp không cần thiết. Vậy bây giờ chúng ta đã có đầy đủ cơ hội, thì phải mở cửa, mà đã mở cửa thì phải mở visa cho khách vào Việt Nam.

Thứ hai, về vấn đề cách ly y tế, đây là một vấn đề rất nặng nề. Các chuyên gia đã đưa ra quan điểm rõ ràng rằng, dịch bệnh lây bệnh đến đâu xử lý đến đó, làm phạm vi hẹp nhất có thể để đảm bảo không ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội.

“Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng đã kiến nghị đến việc mở cửa một cách mạnh mẽ hơn, nhưng nếu chúng ta không dùng tiêu chuẩn là những người đã tiêm vaccine mới đưa vào Việt Nam, coi như không quan tâm đến việc đã tiêm hay không tiêm, đôi khi cũng là hơi quá... Cả thế giới vẫn đang dùng hộ chiếu vaccine mà Việt Nam lại mạnh dạn bỏ hết đi thì chúng ta kiểm soát như thế nào?”, vị Phó chủ tịch Hiếp hội Du lịch Việt Nam băn khoăn.

Thực tế, ngành du lịch muốn mở cửa, muốn đẩy nhanh các vấn đề hồi phục, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, đảm bảo việc phát triển bền vững chứ không vội vàng đến mức sẵn sàng mở toang tất cả.

Trước nội dung dư luận đang quan tâm, tối 14/3, Bộ Y tế nêu rõ: Người mắc COVID-19 (F0) cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà.

Tại mục 5.4 về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm có nêu rõ: Người mắc COVID-19 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người mắc COVID-19 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau: "Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác",

Hướng dẫn mới nhất này của Bộ Y tế thay thế Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế: số 261 ngày 31/01/2022 ban hành Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà và số 528 ngày 03/03/2022 ban hành Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19.

Hướng dẫn mới nhất này quy định các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 như: Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0; Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.

Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn; Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.

Về chế độ ăn uống, sinh hoạt: Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả... Không bỏ bữa. Người bệnh ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.

Nên nghỉ ngơi. Đối với người lớn nên vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe), tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, suy nghĩ tích cực và duy trì tâm lý thoải mái.

Có thể bạn quan tâm

  • MỞ CỬA DU LỊCH: Cầu toàn sẽ là trở lực

    MỞ CỬA DU LỊCH: Cầu toàn sẽ là trở lực

    11:00, 14/03/2022

  • Crystal Holidays sẵn sàng đón du khách quốc tế khi Việt Nam mở cửa du lịch

    Crystal Holidays sẵn sàng đón du khách quốc tế khi Việt Nam mở cửa du lịch

    07:57, 14/03/2022

  • MỞ CỬA DU LỊCH: Doanh nghiệp

    MỞ CỬA DU LỊCH: Doanh nghiệp "ngóng" hướng dẫn chính thức

    04:00, 14/03/2022

  • MỞ CỬA DU LỊCH: Đồng thời và đồng bộ cả quốc tế và nội địa

    MỞ CỬA DU LỊCH: Đồng thời và đồng bộ cả quốc tế và nội địa

    00:00, 14/03/2022

  • Quảng Nam phát triển “du lịch sâm”

    Quảng Nam phát triển “du lịch sâm”

    08:58, 13/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ: Sửa đổi quy định nhập cảnh đối với khách du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO