Quy định luôn tạo ra chi phí, một điều khoản thôi có thể là gánh nặng cực lớn về chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Hiệu quả có thể chưa thấy đâu nhưng có thể đẩy một ngành, lĩnh vực lụị bại.
Mấy hôm nay nhận mấy thư từ doanh nghiệp, thấy thấm thía.
1. Tổng Công ty Gas Petrolimex kêu về một quy định trong Nghị định 87/2018 về kinh doanh khí. Nghị định này quy định việc “lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng”. Cơ sở dữ liệu này phải có thông tin về chủ sở hữu, loại chai, seri chai, hạn kiểm định trên chai, tên và địa chỉ thương nhân mua LPG chai, khách hàng sử dụng, ngày giao nhận.
Với quy định này thôi thì tại các trạm nạp LPG của Petrolimex đã phải đầu tư mở rộng nhà xưởng gấp đôi diện tích nhà xưởng hiện tại để thực hiện tập kết LPG chai thành phẩm và vỏ chai rỗng quay về để…. tiến hành ghi chép. Phải tuyển thêm 50% lao động hiện có để thực hiện việc ghi chép. Không chỉ trạm nạp, hệ thống 2.000 cửa hàng bán LPG chai của Petrolimex và 15.000 cửa hàng bán chai khác cũng phải đầu tư thêm thời gian, chi phí, tăng người… thậm chí gây ùn tắc giao thông tại cửa hàng gas do xe ô tô phải dừng đỗ lâu để giao nhận, đối chiếu số series, ngày kiểm định thay vì chỉ kiểm số lượng và tình trạng niêm màng co như trước.
Còn ứng dụng công nghệ thông tin thì thường có hai giải pháp: sử dụng gắn chip (nhận dạng bằng sóng radio) và in mã vạch hoặc in số hiệu trên vỏ chai LPG (nhận dạng bằng máy quét mã vạch hoặc smart phone). Giải pháp này cũng phát sinh thêm 50% số lao động hiện có để quét dữ liệu, phải mở rộng mặt bằng sản xuất, đầu tư bổ sung đầu đọc nhận dạng. Đặc thù của chai LPG là định kỳ 6 tháng đến 1 năm đều phải bảo dưỡng và sơn lại, mỗi lần như vậy sau khi bắn bi thép và phun cát làm sạch lại phải in lại mã vạch, số hiệu mới cho từng chai, chưa kể luôn bị bong tróc, trầy xước khi bốc xếp, vận chuyển phải in lại…
Gắn chip điện tử thì trông có vẻ hiện đại nhưng riêng Petrolimex nếu áp dụng, chi phí bèo nhất khoảng 20.000 đồng/chip thì tổng chi phí đầu tư ban đầu với 2 triệu chai LPG của Petrolimex sẽ ước tính là 40 tỷ đồng, chưa kể hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu, hàng trăm máy quét sóng radio. Tổng toàn bộ các doanh nghiệp ngành này nếu gắn chip thì ước tính chi phí xấp xỉ 400 tỷ đồng. Và cứ 6 tháng – 1 năm thì cần phải thay lại khi bảo dưỡng bình….
Nhưng điều đáng nói hơn là những giải pháp này không hề có hiệu quả gì về quản lý cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Vì việc truy tìm vỏ chai LPG không thể thực hiện và không có ý nghĩa với cơ chế mua đổi linh hoạt hiện nay (người dùng nay có thể dùng hãng này, mai chuyển sang hãng khác). Các vi phạm chính trên thị trường vẫn là chiếm dụng chai để làm hàng giả, cắt quai, mài logo, chiết nạp không đủ điều kiện... mà những vi phạm này không liên quan đến giải pháp quản lý ở trên.
Một doanh nghiệp nhà nước lớn cũng ngán ngẩm kêu như trên sau khi họ cho biết đã phải hoàn thành hơn 70 thủ tục giấy tờ khác nhau để được kinh doanh trong ngành này!
2. Mấy doanh nghiệp nguyên liệu giấy thì kêu về quy định thuế xuất khẩu 2% đối với dăm gỗ, có hiệu lực từ 1/1/2016 mà hiện nay đang có đề xuất tăng lên 5%. Trong cái thư gửi VCCI ngôn ngữ mộc mạc, doanh nghiệp cho biết là áp thuế 2% với dăm gỗ xuất khẩu thực ra chả ai được lợi mà đi ngược lại chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo với người dân trồng rừng mà đại đa số ở miền núi và trung du.
Bởi vì Nhà nước áp thuế xuất khẩu thì doanh nghiệp thu mua lại đẩy ngay bài toán chi phí về cho người trồng rừng. Cụ thể giá mua gỗ lóng trước đây thu mua tại nhà máy là 1.150.000 đồng/1 tấn thì hiện nay giảm còn 1.050.000 đồng/tấn. Lưu ý là chi phí khai thác và vận chuyển đã chiếm 50% giá thành vì từ rừng đến nhà máy xa xôi. Hệ quả đã nhìn thấy là sau gần 5 năm thực hiện áp thuế xuất khẩu dăm gỗ, người dân trồng rừng đã quay lưng với nghề trồng rừng. Suy cho cùng thì chính sách tăng thuế này lại đang đánh vào bà con trồng rừng để thoát nghèo.
Mục tiêu của chính sách như giải trình ban đầu là để hạn chế xuất thô, bảo vệ nguồn gỗ cho doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, nhưng gỗ keo cho đồ gỗ (mà chủ yếu dùng ghép thanh và đồ gỗ ngoài trời) nhu cầu hàng năm trong nước tối đa chỉ 10 triệu tấn nguyên liệu, trong khi cả nước khai thác trên 30 triệu tấn gỗ keo. Ngay cả trong 10 triệu tấn gỗ dùng cho đồ gỗ thì cưa xẻ cũng chỉ đạt tỷ lệ 50-60%, còn lại vẫn phần lớn vẫn nguyên liệu cho gỗ dăm…
Có thể bạn quan tâm
11:00, 10/04/2020
06:30, 09/01/2019
09:19, 14/08/2018
Dịch COVID-19 này đang tác động lớn đến nhóm doanh nghiệp làm dăm gỗ xuất khẩu này, họ kêu là đã tạm ngừng hoạt động khi thị trường nhập khẩu đã ngừng nhập và các công ty sản xuất giấy, bột giấy nghỉ. Nhưng doanh nghiệp vẫn lo nhất là mất nguồn nguyên liêu khi bà con đang bỏ không trồng rừng nữa.
3. Mình để ý là sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ khi làm đề tài luận án hay các đề tài khoa học hay đưa vào nhóm kiến nghị ở chương cuối là cần ban hành thêm quy định này, quy định nọ. Có lẽ ở Việt Nam hiện nay ưu tiên không phải là ban hành thêm quy định mà làm sao dọn dẹp được cái “rừng quy định” đang tạo quá nhiều rào cản và chi phí như hiện tại.