Chỉ số thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng 19% trong năm 2024

DIỄM NGỌC 24/02/2024 04:50

Theo chuyên gia tại HSC, sự hồi phục của nền tảng kinh tế vĩ mô trên diện rộng sẽ hỗ trợ cho hoạt động đầu tư trở nên sôi động hơn. Chỉ số TTCK có tiềm năng tăng trưởng lên tới 19% trong năm 2024.

>>VinaCapital: Tiền sẽ rót vào chứng khoán nhiều hơn trong quý I

Triển vọng nền kinh tế tích cực

Nền kinh tế Việt Nam mặc dù trải qua năm 2023 đầy thách thức, nhưng đã kết thúc năm với số liệu kinh tế khả quan hơn khi kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại và thị trường bất động sản hồi phục từ đáy.

Tiêu dùng và đầu tư sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế, nhờ các chính sách tài chính tiền tệ mở rộng trong môi trường lãi suất thấp

Tiêu dùng và đầu tư sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế năm nay, nhờ các chính sách tài chính tiền tệ mở rộng trong môi trường lãi suất thấp

Bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng phân tích CTCK HSC nhìn nhận, triển vọng nền kinh tế tích cực hơn trong năm nay được kỳ vọng nhờ lạm phát dần được kiểm soát và môi trường lãi suất thấp hơn, sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng ở các nền kinh tế lớn, duy trì đà hồi phục của kim ngạch xuất khẩu ở Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc.

Có thể thấy, Việt Nam đã vượt qua năm Quý Mão đầy thách thức với GDP tăng trưởng 5,05%, giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm (không bao gồm giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi Covid-19). Nhưng đáng chú ý là GDP bình quân đầu người đã tăng 1,8 lần, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao và trở thành nền kinh tế lớn thứ 35 thế giới.

“Chúng ta đạt được bước nhảy vọt này là nhờ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực ASEAN. Trên thực tế, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm điện tử lớn thứ 7 trên thế giới.  Theo IMF's World Economic Outlook, bước sang năm 2024, Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì vị thế là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực”, bà Minh phân tích.

Trong tháng 11/2023, Quốc hội đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đầy tham vọng ở mức 6 - 6,5%, cũng là mức thách thức rất lớn khi các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản đều dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng thấp hoặc chậm lại. Những nền kinh tế này chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Vị chuyên gia tại CTCK HSC dự báo, GDP của Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 6% trong 6 tháng đầu năm từ mức nền thấp, sau đó, động lực tăng trưởng được dự báo sẽ dần bình thường hóa trở lại trong 6 tháng cuối năm. Về nhu cầu của nền kinh tế, tiêu dùng và đầu tư sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế, nhờ các chính sách tài chính tiền tệ mở rộng trong môi trường lãi suất thấp.

“Mặc dù còn tồn tại nhiều bất ổn liên quan đến thương mại toàn cầu, chúng tôi dự đoán kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt là 9% và 11% trong năm 2024. Theo đó, thặng dư thương mại đạt 24 tỷ USD trước khi tăng trưởng 12% trở lại trong năm 2025. Hoạt động thương mại sẽ dần khôi phục vai trò là một trong ba động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, chúng tôi kỳ vọng thương mại song phương của Việt Nam vào cuối năm 2024 sẽ hồi phục trở lại mức gần 750 tỷ USD trong năm 2022”, bà Bùi Hoàng Minh cho biết.

Ngoài ra, HSC cũng kỳ vọng vào việc dòng vốn FDI sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong những năm tới, với dự báo vốn FDI đăng ký sẽ tăng trưởng 9% trong khi vốn FDI giải ngân sẽ tăng trưởng lần lượt là 6% và 12% trong năm 2024-2025. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn đối với tăng trưởng, trong đó tình trạng thiếu điện sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực đầu tư và sản xuất khiến Chính phủ đưa ra các giải pháp như thanh tra các sai phạm trước đây trong ngành năng lượng và phê duyệt xây dựng mạng lưới truyền tải điện mới.

Đặc biệt, thị trường bất động sản phục hồi chậm với số lượng giao dịch bất động sản và tài sản bất động sản giảm có thể tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng. Trong năm nay, thị trường đều kỳ vọng việc sửa đổi Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai sẽ tác động tích cực lên thị trường bất động sản, nhờ đó thị trường có thể hồi phục trở lại thành động lực thúc đẩy kinh tế bền vững trong tương lai.

>>Những nhóm ngành hưởng lợi và bất lợi trên thị trường chứng khoán năm 2024

Thị trường chứng khoán sẽ sôi động hơn

Một rủi ro khác khó tránh đó là tỷ giá USD/VND và áp lực lạm phát sẽ làm phức tạp thêm bức tranh kinh tế trong năm 2024. Theo bà Bùi Hoàng Minh, có thể VND sẽ tiếp tục mất giá trong năm thứ ba liên tiếp, tương tự xu hướng trong giai đoạn nợ xấu gia tăng sau năm 2012, hoặc hậu khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009.

Sự hồi phục của nền tảng kinh tế vĩ mô trên diện rộng sẽ hỗ trợ cho hoạt động đầu tư trở nên sôi động hơn

Sự hồi phục của nền tảng kinh tế vĩ mô trên diện rộng sẽ hỗ trợ cho hoạt động đầu tư trên TTCK trở nên sôi động hơn

Trong nửa đầu năm 2024, áp lực sẽ gia tăng lên tỷ giá USD/VND tại một số thời điểm, có thể vượt dự báo cuối năm 2024 của HSC ở mức 24.600 đồng, chừng nào ngân hàng trung ương Mỹ và khu vực đồng Euro chưa tiến hành giảm lãi suất chính sách.

“Năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ tiếp tục thận trọng trước rủi ro lạm phát và đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4 - 4,5%. Chúng tôi cũng dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,5% so với mức tăng 3,25% trong năm trước đó nhờ vào các điều kiện vĩ mô cải thiện, nhưng khó khăn vẫn cần thời gian dài để tháo gỡ và do Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua việc duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp và dự kiến đồng bộ hơn đối với các nền kinh tế lớn được cho là sẽ tiến hành giảm lãi suất trước xu hướng lạm phát hạ nhiệt.

Trên phương diện đầu tư chứng khoán, chúng tôi cho rằng sự hồi phục của nền tảng kinh tế vĩ mô trên diện rộng sẽ hỗ trợ cho hoạt động đầu tư trở nên sôi động hơn trong môi trường lãi suất thấp kéo dài và sự hồi phục lợi nhuận cốt lõi của nhiều ngành nghề là điểm sáng. Trong kịch bản tích cực, chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam có thể có tiềm năng tăng trưởng lên tới 19% trong năm 2024”, chuyên gia tại HSC kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm

  • Chứng khoán Mỹ vượt đỉnh, cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam

    05:18, 17/02/2024

  • Những nhóm ngành sẽ “thăng hoa” trên thị trường chứng khoán

    04:30, 15/02/2024

  • Đầu tư chứng khoán vẫn hấp dẫn trong năm 2024

    05:10, 14/02/2024

  • Sớm hoàn tất "làm sạch" dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán

    17:45, 11/02/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chỉ số thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng 19% trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO