VCCI

“Chìa khoá” cải thiện PCI Bà Rịa - Vũng Tàu

Nguyễn Minh 20/09/2024 12:04

Năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, Kế hoạch thực hiện cải thiện chỉ số PCI năm 2024 được xem như “chìa khoá” góp phần giúp tỉnh duy trì mục tiêu Top 10 PCI cả nước.

BRVT 76
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (trái) nhận chứng nhận TOP 10 Chỉ số PCI do Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trao tại lễ Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (trái) nhận chứng nhận TOP 10 Chỉ số PCI do Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trao tại lễ Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023

Theo bảng xếp hạng của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số PCI của Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ 6 nằm trong Top 10 tỉnh, thành có điểm PCI cao nhất năm 2023. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây (2021-2023), Bà Rịa -Vũng Tàu luôn đứng trong Top 10 PCI cả nước.

“Bắt mạch” để “trị bệnh”

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu cho biết, mặc dù thời gian qua tỉnh đạt được kết quả tích cực, nhưng qua phân tích các chỉ số PCI năm 2023, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong năm 2024. Vì vậy, ngày 16/7 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND để cải thiện Chỉ số PCI năm 2024 với mục tiêu tiếp tục “phấn đấu chỉ số PCI nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước”.

Bên cạnh các giải pháp tiếp tục duy trì, cải thiện những chỉ số tăng điểm, thì với 04 chỉ số giảm điểm, giảm bậc năm 2023 gồm: Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động và tiên phong của chính quyền; Tiếp cận đất đai; Chi phí không chính thức, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực thi nhiệm vụ; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, thực hiện Đề án văn hoá công vụ; khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó có kế hoạch, giải pháp cải thiện các chỉ số con thuộc lĩnh vực phụ trách được đánh giá chưa tốt.

Cụ thể: Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh"; "Chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh"...

Ngoài ra, xử lý dứt điểm hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; doanh nghiệp trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện; chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra; số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch, thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định.

Đáng chú ý, đối với 03 chỉ số tăng điểm, giảm bậc, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; gia nhập thị trường; chi phí thời gian tỉnh giao các sở ngành, phối hợp sở, ngành liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì và tập trung cải thiện các chỉ số con về tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục chính thức hoạt động; doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục sửa đổi đăng ký doanh nghiệp…

“Tăng cường thực hiện TTHC trực tuyến; rà soát lại số giờ thanh, kiểm tra thuế; thông báo cụ thể nội dung làm việc của các đoàn thanh, kiểm tra và không được thanh, kiểm tra doanh nghiệp quá 01 lần/năm; kịp thời phát hiện những TTHC không phù hợp để kiến nghị các Bộ, ngành TƯ bổ sung hoặc bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền; thống kê, rà soát, phân loại hồ sơ, làm rõ xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình tham mưu giải quyết chậm trễ hồ sơ”, ông Khánh cho hay.

Hiệu quả từ nhận thức, trách nhiệm cán bộ

Để triển khai hiệu quả Kế hoạch, bám sát các nhiệm vụ đã được giao trong Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh về việc cải thiện chỉ số PCI giai đoạn 2020 – 2025, ông Khánh yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao làm đầu mối theo dõi, thực hiện các chỉ số PCI và các chỉ số thành phần được giao chủ động xây dựng kế hoạch cải thiện chỉ số PCI và chịu trách nhiệm nghiên cứu đề ra các giải pháp để thực hiện đối với từng chỉ số thành phần thuộc thẩm quyền phân công.

“Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế địa phương và các nội dung của kế hoạch này”, ông Khánh khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Khánh cũng đề nghị VCCI chi nhánh Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền định kỳ hàng năm đến các sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thực hiện các giải pháp nâng cao PCI, DDCI, PGI.

“Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch đến các đơn vị trực thuộc để thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả về Sở KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh tổ chức giao ban với các cấp, các ngành để nắm tiến độ, kết quả, qua đó kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt”, ông Khánh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Chìa khoá” cải thiện PCI Bà Rịa - Vũng Tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO