Không chỉ tập trung cho những chiến dịch quảng bá, tỉnh Quảng Ninh còn đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ để mở rộng không gian, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tạo “sợi dây” kết nối
Là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, ngành Du lịch Quảng Ninh có mức tăng trưởng khá ấn tượng trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, để có được kết quả đó, bên cạnh việc tập trung cho những chiến dịch quảng bá, tỉnh Quảng Ninh còn dành nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ để mở rộng không gian, tạo thuận lợi cho dòng chảy du khách.
Nhìn lại giai đoạn trước năm 2015, dù sở hữu Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới, hệ thống biển đảo và hàng trăm điểm đến hấp dẫn, song tỉnh Quảng Ninh vẫn khó khăn trong việc thu hút lượng lớn khách du lịch. Năm 2015 lượng khách đến tỉnh chỉ đạt 7,7 triệu lượt, mức đóng góp vào GDP của tỉnh còn khiêm tốn. Nguyên nhân khiến tỉnh Quảng Ninh chưa thực sự là điểm đến hấp đẫn du khách thời điểm đó được xác định là do hạ tầng còn thiếu đồng bộ. Đường sá đến với tỉnh Quảng Ninh chủ yếu thông qua Quốc lộ 18 đã mãn tải, chật hẹp, thời gian di chuyển kéo dài. Cùng với đó, dịch vụ lữ hành và lưu trú chưa chuyên nghiệp.
Nhận thấy điểm nghẽn đó, trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh tầm nhìn đến năm 2030, địa phương này đã dành nguồn lực quan trọng, ưu tiên để phát triển hạ tầng giao thông gắn kết với phát triển du lịch, với mục tiêu củng cố vị thế là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, thu hút du khách từ khắp 5 châu và trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến Việt Nam...
Hàng loạt công trình mang tính đột phá đã lần lượt được đầu tư và đưa vào hoạt động như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Sân bay Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, đến cảng Ao Tiên phục vụ du lịch biển đảo.
Hạ tầng mới không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, mà còn nâng tầm trải nghiệm du khách, mở rộng không gian phát triển dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp không khói này.
Cùng với “hạ tầng cứng”, Quảng Ninh còn đang tập trung đầu tư “hạ tầng mềm”. Để xây dựng “cẩm nang du lịch điện tử” thân thiện với du khách, địa phương này đã thúc đẩy số hóa cơ sở dữ liệu, từ hệ thống điểm đến, lưu trú đến giao thông. Cùng với đó, chú trọng định vị thương hiệu trên các nền tảng số, khai thác tiềm năng từ du lịch trải nghiệm, sinh thái, tâm linh đến du lịch biển đảo.
“Sợi dây” kết nối hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã mở ra cánh cửa để du lịch tỉnh Quảng Ninh bứt phá, đặc biệt trong bối cảnh du lịch cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Từ con số 7,7 triệu lượt khách năm 2015, đến năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã đón 19 triệu lượt khách. Chỉ tính trong 4 tháng năm 2025, địa phương này đã đón 7,58 triệu lượt khách, trong đó có 1,57 triệu khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt 18.310 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024.
Ông Nguyễn Lâm Nguyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ninh cho biết, sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và phục vụ cho phát triển du lịch nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được triển khai quan tâm và đầu tư từ nhiều năm nay. Ngành du lịch địa phương đánh giá rất cao sự tham gia của các tập đoàn kinh tế đã làm thay đổi cách thức vận hành của hoạt động du lịch, trong đó, có du lịch tàu biển Quảng Ninh. Đây cũng là cơ sở giúp Quảng Ninh có thể tự tin đón các chuyến tàu biển lớn của quốc tế và tổ chức các tuyến du lịch có chất lượng phục vụ tốt.
Tập trung mở rộng không gian phát triển
Để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của tỉnh đạt 14%, năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 55.000 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2024.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh hiện đang tập trung mở rộng không gian phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Tỉnh cũng chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước hình thành chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc…
Cùng với đó, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch 4 mùa, kinh tế đêm, kinh tế số, khai thác tối đa hệ thống sân golf tiêu chuẩn quốc tế, cùng nhiều tổ hợp, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn.
Mới đây, khu Trà Cổ - Bình Ngọc, TP Móng Cái được quy hoạch trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch cao cấp phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế gắn với thương hiệu khu du lịch Quốc gia - cột mốc địa đầu Tổ Quốc. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng vừa duyệt danh mục 259 dự án thu hút vốn đầu tư vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2025-2030 với tổng diện tích gần 21.000 ha. Trong đó có 8 dự án sân golf với quy mô 2.200 ha, tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, tập trung ở các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, huyện Tiên Yên... Danh mục kêu gọi đầu tư còn có nhiều khu đô thị, nghỉ dưỡng quy mô lớn như: Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn; Khu đô thị mới, tổ hợp dịch vụ du lịch tại phường Quang Hanh hay Khu du lịch Cái Chiên.
Bà Nguyễn Thị Hà – Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Du Lịch và Truyền Thông Quốc Tế Hải Hà – Hai Ha Travel chia sẻ, tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển khu du lịch sân golf bởi đặc trưng địa hình hơn 80% diện tích là đồi núi, hơn 6.000 km mặt biển và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Việc gọi vốn đầu tư các dự án sân golf cũng sẽ góp phần tạo nên hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển.