Là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may có số lượng hàng đầu thế giới, nhưng thời trang Việt Nam vẫn còn xa lạ trên bản đồ thời trang thế giới, kể cả trong khu vực.
Ngành công nghiệp thời trang trong nước cần thay “chiếc áo mới” để ra với thế giới.
Đây là nhận định của đại diện Công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu của Việt Nam (Virac). Với việc để các thương hiệu thời trang nước ngoài ngày một chiếm lĩnh thị phần trong nước, ngành dệt may Việt vẫn đang bước trên lối mòn của “kiếp gia công”.
Thua trên sân nhà
Tỷ phú người Nhật kiêm nhà sáng lập UNIQLO, ông Tadashi Yanai nổi tiếng với câu nói: “Không có linh hồn, một công ty sẽ không là gì cả”. Đồng thời nhấn mạnh rằng, “UNIQLO không phải là một công ty thời trang, nó là một công ty công nghệ”. Và trên thực tế, cách tiếp cận khách hàng của thương hiệu may mặc này có nhiều điểm chung với ngành công nghiệp công nghệ. Đó là cách UNIQLO tiến ra thị trường quốc tế.
Ở Việt Nam, thương hiệu Uniqlo đầu năm nay đã mở thêm cửa hàng thứ 4 tại TP.HCM, đưa số cửa hàng của thương hiệu này ở Việt Nam lên 7 điểm chỉ sau hơn 1 năm chính thức đặt chân vào thị trường. Dù không công bố doanh số tại thị trường Việt Nam nhưng có thể dễ dàng nhận thấy tốc độ tăng trưởng của các cửa hàng tại Việt Nam vượt ngoài mong đợi của Uniqlo.
Không riêng Uniqlo, thương hiệu H&M vừa mở thêm cửa hàng tại Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP. HCM) và xác lập tổng cộng 12 cửa hàng tại Việt Nam. Nếu như năm 2017, doanh số của H&M Việt Nam chỉ đạt 227 tỉ đồng thì đến hết năm 2019 tăng lên 1.116 tỉ đồng.
Còn theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, chỉ với hai cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, doanh thu của thương hiệu này năm 2018 đã vượt 1.700 tỉ đồng.
Tuy nhiên, có một điểm chung giữa của các thương hiệu này đều không phải là những sản phẩm cao cấp mà là những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với nhiều thương hiệu Việt. Nhưng sự khác biệt lớn nhất đó chính là việc H&M, Zara hay Uniqlo… họ liên tục thay đổi mẫu mã, nắm bắt xu hướng và đưa ra mức giá vừa túi tiền người tiêu dùng.
Theo sau những tên tuổi nước ngoài này mới là Bình Tiên (Biti's), Hoàng Dương (Canifa), Vinatex (Việt Tiến, May 10, Mattana...) và An Phước. Tuy nhiên, Virac cho rằng những doanh nghiệp này chỉ chủ yếu tập trung ở phân khúc công sở.
Lối ra nào cho thời trang?
Trong báo cáo về thị trường thời trang Việt Nam năm 2021, Virac khẳng định, doanh nghiệp nội địa từ lâu đã đánh mất lợi thế cạnh tranh trên "sân nhà" do mẫu mã nghèo nàn và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dù thực tế chất lượng sản phẩm không quá chênh lệch. Hiện nay, hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam.
Ông Hồ Thế Sơn, chủ của thương hiệu thời trang Foci đình đám một thời, từng chia sẻ: Foci có lúc sở hữu 100 cửa hàng, doanh số hàng trăm tỷ. Nhưng khi hàng loạt các nhãn hiệu nước ngoài ồ ạt với chiến lược giá rẻ phủ sóng khắp các phân khúc từ thấp, trung đến cao cấp, như dòng hàng casual Thái, Trung Quốc, và gần đây nhất là Zara, H&M… đã khiến cho ông chủ Foci phải rời bỏ đứa con mình rứt ruột đẻ ra.
Đại dịch đã làm thay đổi mô hình truyền thống. Hình thức marketing truyền thống sẽ phải áp dụng các biện pháp marketing đa dạng hơn nữa.
Quan trọng nhất, khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, họ chỉ chi tiêu cho những gì thật cần thiết. Các thương hiệu sẽ phải làm nhiệm vụ tư vấn xây dựng phong cách cho khách hàng, đồng thời cung cấp cho họ chính xác những gì họ cần với giá rẻ hơn. Ngành thời trang tuy sở hữu nhiều gương mặt thiết kế được đánh giá cao nhưng dường như vẫn chưa tìm được lối ra.
TS Nina Yiu, Chủ nhiệm ngành Quản trị Doanh nghiệp thời trang, Đại học RMIT cho rằng, Việt Nam nên phát triển các thương hiệu thời trang trong nước dựa trên nét văn hóa và nghề thủ công độc đáo của mình. Khi cạnh tranh trong ngành thời trang tăng lên, chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực thời trang sẽ là yếu tố quyết định. Dự báo sau đại dịch, nhu cầu đối với sản phẩm hàng thời trang sẽ tăng lên. Cơ hội lội ngược dòng sẽ ở việc phát triển thiết kế vải và sản xuất trong nước. Các nhà máy sản xuất nên kết hợp với các công ty thời trang để tập trung đầu tư cho tương lai.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM:
Hầu hết thương hiệu thời trang quốc tế đang kinh doanh khá tốt ở Việt Nam bởi tâm lý của người Việt vẫn yêu thích các thương hiệu nổi tiếng. Chẳng hạn, Zara, Uniqlo hay H&M thuộc phân khúc tầm trung, giá cả phù hợp cho nhiều người nên càng thu hút được khách hàng khi chính thức mở cửa hàng tại Việt Nam. Điều này gây áp lực rất lớn cho các thương hiệu trong nước.
Ông Osamu Ikezoe - Tổng GĐ UNIQLO Việt Nam:
Tiếp cận các vấn đề từ góc độ khách hàng” là giá trị cốt lõi được UNIQLO ưu tiên hàng đầu. Với UNIQLO, khách hàng đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng tới sự tồn tại của tổ chức. Do vậy, bất kỳ khi nào có vấn đề cần xem xét, UNIQLO sẽ yêu cầu nhân viên đánh giá từ góc độ khách hàng. Họ cần xem xét việc họ đang làm sẽ mang lại lợi ích gì cho khách hàng? Việc đó có đáp ứng yêu cầu của khách hàng không? Việc tuân thủ giá trị cốt lõi này còn được áp dụng quy mô toàn Tập đoàn, không kể họ đến từ bộ phận nào.