Tạm gác lại hạnh phúc đời mình, nhiều nữ y bác sỹ tham gia cuộc chiến chống COVID-19 để mang lại hạnh phúc chung cho cả một cộng đồng khỏe mạnh.
Đời người phụ nữ có được mấy lần hạnh phúc trọng đại, hạnh phúc khi công việc được thuận lợi, hạnh phúc khi cuộc sống được vui vẻ, hạnh phúc khi gia đình được ấm êm,.. và hạnh phúc khi bản thân được khoác lên người bộ váy cưới xinh xắn trong ngày chung đôi.
Nếu như trong thời chiến đã có nhiều nữ chiến sĩ phải hoãn ngày hạnh phúc nhất đời mình để lên được nhập ngũ phụng sự Tổ quốc thì hôm nay, chúng ta lại được thấy những hình ảnh người phụ nữ kiên cường gác lại phút giây hạnh phúc để “tham chiến” chống COVID-19.
Chúng ta được biết đến hình ảnh bác sỹ Cao Thị Kim Băng (đoàn công tác y tế Nghệ An) đã phải hoãn cưới 2 lần vì dịch COVID-19. Lần 1 bác sỹ Băng hoãn cưới vì Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Lần thứ 2 bác sỹ quyết định hoãn cưới để cùng đoàn công tác “tham chiến” hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn thành phố thiếu hụt nguồn lực y tế. Và vui thay, cả chồng sắp cưới cùng hai bên gia đình đều vui vẻ đồng ý để bác sỹ lên đường.
“Khi chúng tôi xác định đã vào đây để chiến đấu, chúng tôi mong muốn mang sức lực của mình để cống hiến, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng hết mình. Mong rằng với sự hỗ trợ của chúng tôi cùng với đội ngũ y tế của các tỉnh khác sẽ phối hợp với ngành y tế Đà Nẵng chiến thắng dịch bệnh, để mọi người cùng nhau về nhà.” - Bác sỹ Băng cho biết.
Bác sỹ cũng chia sẻ rằng đã lường trước được những khó khăn khi vào tâm dịch, tuy nhiên đội ngũ y tế vẫn lạc quan, thể hiện quyết tâm đánh thắng dịch bệnh và khẳng định rằng đến khi nào hết dịch mới trở về.
“Dẫu sẽ có nhiều bất tiện nhưng rồi cũng sẽ qua, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tránh những rủi ro đáng tiếc. Nhưng nếu chuyện không may có đến thì chúng tôi cũng cũng sẽ vượt qua được và chúng tôi cũng đã xác định trước rằng phải chiến thắng. Mong rằng chúng tôi sẽ đóng góp được nhiều công sức cho Đà Nẵng trong cuộc chiến lần này. Hạnh phúc của tôi vẫn còn ở đó và đợi ngày tôi trở về.” - Những lời khẳng định dõng dạc vang lên khi vị bác sỹ này đặt chân đến Đà Nẵng.
Không chỉ tại tâm dịch Đà Nẵng, mà tại tỉnh Quảng Nam cùng các địa phương khác cũng dành những khoảng thời gian tươi đẹp của đời mình để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Những con người kiên cường ấy chưa một lần than thở, chưa một lần buồn rầu trong thời gian qua.
Dẫu vẫn chưa được về nhà, nhưng họ vẫn luôn vui vẻ và lạc quan qua từng ngày. Bằng sự cống hiến của mình, họ đã góp phần vào những thành quả khả quan cho ngành y tế trong công cuộc chống dịch, đã mang lại những sự yên tâm cho cộng đồng suốt thời gian qua. Từ tâm dịch, từ những “vùng đỏ”, khát vọng chiến thắng đại dịch vẫn luôn lan tỏa không ngừng.
Được điều động tham gia hỗ trợ công tác điều trị các bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng, dược sỹ trẻ N.T.H (xin giấu tên) được điều động tham gia hỗ trợ. Tuổi đời còn rất trẻ, vẫn chưa thể tìm được hạnh phúc đời mình nhưng nữ dược sỹ đã khẳng định rằng hạnh phúc nhất đối với một người làm y tế đó chính là nhìn thấy mọi người được khỏe mạnh, được yên vui. Với sức trẻ, sự nhiết huyết tràn đầy, chị H. hăng hái lên đường vào tâm dịch.
Chỉ kịp nhắn nhủ với gia đình đôi lời, dược sỹ H. cùng các đồng nghiệp tham gia vào công tác điều trị các bệnh nhân. Dẫu có lo lắng nhưng rồi cũng qua, mọi sự nỗ lực được đền đáp khi Bệnh viện Đà Nẵng được công bố gỡ cách ly y tế, mọi hoạt động được trở lại bình thường. Hơn một tháng căng mình với bệnh nhân nơi đây, dược sỹ H. được trở về với gia đình và thực hiện cách ly tại nhà.
“Lúc mới đến mọi người đều chung nỗi lo, nhưng với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh và vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho các bệnh nhân nơi đây. Đội ngũ nhân viên y tế đã cùng nhau nổ lực cống hiến, hoạt động hết công sức. Nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình dẫu cồn cào nhưng chúng tôi tạm gác lại để thành phố sớm chiến thắng dịch bệnh.” - Dược sỹ N.T.H chia sẻ.
Những “chiến sỹ áo trắng” đã kiên cường chiến đấu suốt một thời gian qua để mang lại những thành quả khả quan nhất cho ngành y tế. Và hôm nay, có thể nói rằng tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các đội ngũ y tế hỗ trợ đã dần được về nhà. Họ trở về với “chiến thắng vẻ vang”, họ là những người hùng thực sự.
“Sự hy sinh của tôi chẳng đáng là bao so với tất cả các đồng nghiệp trên cả nước đang căng mình với dịch bệnh. Chúng tôi sẽ luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ đất nước, phục vụ người bệnh, bởi chúng tôi là người làm công tác y tế. Niềm hạnh phúc giờ đây chính là nhìn thấy dịch bệnh đã dần được kiểm soát, những người bệnh được xuất viện và khỏe mạnh. Chúng tôi có thể gác lại niềm vui, hạnh phúc của mình để mang lại niềm vui, sự yên tâm cho cộng đồng, đó chính là niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người.” - Nữ dược sỹ nói trong niềm hy vọng hồ hởi.
Những bộ đồ bảo hộ kín mít, những giọt mồ hôi nhễ nhại cay khóe mắt, những bất tiện không hề khiến những “chiến sĩ” nao núng tinh thần. Hơn ai hết, họ hiểu rõ tầm quan trong của “cuộc chiến” lần này. Chiến trường nào ắt cũng sẽ có gian khổ nhưng những “chiến sĩ” quả cảm ấy đã làm hết sức mình, cống hiến toàn tâm toàn lực. Khó khăn rồi cũng sẽ qua đi, chúng ta ắt sẽ chiến thắng được đại dịch, đất nước sẽ trở lại trạng thái bình thường mới, rồi họ sẽ được về nhà cả thôi.
Xin gửi lời tri ân đến những “chiến sĩ” đã tạm gác lại hạnh phúc đời mình để mang lại một hạnh phúc chung!
Bản tin 6h sáng ngày 9/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 12h trôi qua không có ca ca mắc mới COVID-19. Hôm nay cũng là ngày thứ 7, Việt Nam không có ca mắc trong cộng đồng. Hiện đã có 868/1.054 bệnh nhân được chữa khỏi. Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 18 cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 13 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 21 ca, số ca âm tính lần 3 là 24 ca. Hiện có 6 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, trong đó số tiên lượng rất nặng là 5/6 trường hợp và tiên lượng tử vong là 1 trường hợp. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng. |
Có thể bạn quan tâm
10:03, 08/09/2020
05:00, 06/09/2020
18:27, 04/09/2020
17:13, 04/09/2020