Mặc dù ai cũng muốn và chi rất nhiều nguồn lực nhưng không phải ai cũng ra được đại dương xanh, kể cả những ông lớn lắm tiền nhiều của.
>>Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 1) Câu chuyện Marvel
Giúp nhiều công ty đạt được thành công rực rỡ, có lẽ không còn gì phải bàn cãi về hiệu quả của chiến dịch đại dương xanh. Đặc biệt trong môi trường kinh doanh ngày càng hối hả và nghẹt thở hiện nay, chắc hẳn người làm chủ nào cũng muốn tìm đến một mảng đại dương xanh cho riêng mình. Tuy nhiên, mặc dù ai cũng muốn và chi rất nhiều nguồn lực nhưng không phải ai cũng ra được đại dương xanh, kể cả những ông lớn lắm tiền nhiều của.
Trong thực tế, đổi mới sáng tạo là một trong những điều vô cùng khó, nếu không muốn nói là khó nhất đối với mọi công ty, và còn khó hơn nữa nếu muốn duy trì sự đổi mới đó. Hãy thử nhìn vào ngành soda hay đệm ngủ, đã từ rất rất lâu rồi không có một đại dương xanh nào xuất hiện.
Những ngành được coi là “cách mạng” cũng tương tự. Ngay cả Google, một đại tập đoàn nổi tiếng coi trọng sự sáng tạo, dành mọi nguồn lực và môi trường tốt nhất cho sáng tạo. Nhưng 10 năm qua Google vẫn chỉ là công ty quảng cáo dựa vào tìm kiếm. Motorola cũng như vậy. IBM đứng đầu thế giới về bằng sáng chế, nhưng vẫn không có đại dương xanh nào.
Trớ trêu hơn, lịch sử thương trường lại cho thấy rất nhiều đại dương xanh ra đời do… tình cờ. Facebook bắt nguồn từ trang web… bình phẩm nữ sinh viên là một ví dụ điển hình.
Những công ty muốn tìm đại dương xanh phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Đầu tiên là phải có một ý tưởng mới, khả thi. Đây là việc rất khó. Những trường hợp như Cirque de Soleil hay Marvel là thuộc số ít. Hàng trăm ngàn công ty khác vẫn ngày ngày miệt mài tìm ý tưởng nhưng không thể ra được ngoài thực tiễn. IBM, Microsft hay các công ty dầu khí là những ví dụ dễ thấy.
>>Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 2) Những doanh nghiệp kinh điển
Tiếp đến, không phải người đi đầu nào cũng có lợi thế. Nhiều người không biết, chính Kodak mới là công ty đầu tiên sáng chế ra máy ảnh kỹ thuật số nhưng lại bị chết chính bởi các công ty máy ảnh kỹ thuật số sau này. iPhone cũng không phải là điện thoại thông minh đầu tiên nhưng iPhone đã “giết chết” hàng loạt các điện thoại thông minh đi trước. Amiga là máy tính đi trước PC hay Mac cả thập kỷ, và cũng đã “chết”. Tất cả họ đều thấy đại dương xanh nhưng đều chết trước khi khai phá được đại dương xanh của mình.
Những ý tưởng quá mới, quá khác biệt của đại dương xanh rất khó chinh phục được người tiêu dùng. Khi hãng P&G tung ra nước giặt đời mới, tiết kiệm hơn, sạch hơn, tất cả người tiêu dùng đều không mua, họ không tin chỉ vài giọt nước giặt mà lại có thể sạch hơn cả xúc bột giặt của Tide. P&G đã khai phá được đại dương xanh, chỉ tiếc là đại dương xanh này lại… không có cá, thành ra “xanh” cũng vô nghĩa.
Triển khai một thị trường hoàn toàn mới cũng rất khó khăn và tốn kém. Công ty phải rất khôn khéo, thông minh tiếp cận khách hàng, giáo dục khách hàng, truyền thông, “rêu rao” vấn đề tiềm ẩn, giải pháp giải quyết, v.v.. Tất cả đều vô cùng tốn kém mà không phải công ty nào cũng có thể làm được, cho dù ý tưởng của sản phẩm rất hay. Công ty Tassimo làm ra chiếc máy pha cà phê nhỏ gọn. Sản phẩm của Tassimo hay hơn, tốt hơn, sáng tạo hơn những sản phẩm tương tự ngoài thị trường nhưng Tassimo không đủ kinh phí để tiếp thị. Kết quả là Tassimo đã biến mất khỏi thị trường.
Đại dương xanh cần rất nhiều thời gian và sự kiên trì. Một ý tưởng mới, sản phẩm mới, thị trường mới đòi hỏi rất nhiều niềm tin, và cả sự đánh đổi. Không phải công ty nào cũng “liều mình” đi đến cùng với 1 con đường quá mới, chưa nhìn thấy tương lai đại dương xanh đâu. Rất nhiều công ty phải bỏ dở giữa chừng và xoay sang đường khác, trước khi tới được đại dương xanh.
Và một lý do cũng vô cùng quan trọng, đó là đại dương xanh sẽ rất nhanh biến thành đỏ. Nintendo khai phá được một đại dương xanh, nhưng Sony và Microsoft đã biến ngay đại dương xanh của Nintendo thành “đỏ lè”. Câu chuyện này mời các bạn đón đọc trên Tạp chí Doanh nhân số tháng 9/2022.
Có thể bạn quan tâm