Singapore đã thành công trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Nhưng nếu thiếu nền tảng công nghệ sâu, Singapore sẽ không bao giờ trở thành một Thung lũng Silicon mới.
Phạm Quang Cường thành lập công ty tự động hóa Eureka Robotics từ một nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU Singapore). Đây là một lĩnh vực được gọi là “công nghệ sâu” (Deep tech), như phương tiện tự lái, chất bán dẫn, robot và dược phẩm. Tuy nhiên đây là một ngách khó, hàm lượng công nghệ cực cao, đòi hỏi nhiều đơn vị từ các bên nghiên cứu, sáng tạo và doanh nghiệp phải kết hợp cùng nhau.
Đi kèm với đó, đối với các startup công nghệ sâu, dù thị trường có nóng lên thì việc huy động vốn vẫn rất khó khăn. Trong suốt một thời gian dài, ông Cường gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, gặp mặt đến hơn 100 nhà đầu tư nhưng đều thất bại. Ông lý giải rằng ở thời điểm đó, startup về công nghệ sâu chưa có ai thành công. Do đó các nhà đầu tư rất lạ lẫm.
Cuối cùng, ông tìm đến các nhà đầu tư “xa xôi”, bao gồm quỹ đầu tư mạo hiểm University of Tokyo Edge Capital (UTEC) của Nhật. Đến nay, startup của ông đang hợp tác với nhiều nhà sản xuất lớn nhất Nhật Bản, bao gồm Toyota Motors.
Tuy nhiên, Kiran Mysore, Giám đốc UTEC, nói rằng tình hình đầu tư đang từ từ thay đổi.
Đông Nam Á vốn dĩ được biết đến với những công nghệ tiêu dùng như thương mại điện tử, gọi xe hoặc thanh toán. Tuy nhiên tất cả đều đang chịu ảnh hưởng khi đầu tư giảm mạnh. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, quỹ vốn chủ sở hữu khu vực này đạt 2,29 tỷ USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước và chạm đáy trong vòng 5 năm trở lại đây. Con số này thấp hơn đến 83% so với kỷ lục 13,85 tỷ USD hồi nửa cuối năm 2021, khi hàng loạt nhà đầu tư toàn cầu rót vốn.
Bất chấp tình hình khởi nghiệp toàn cầu ảm đạm, khối lượng đầu tư vào các startup công nghệ sâu của Singapore năm 2023 tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù tổng lượng đầu tư lại giảm 20%. Tính tổng thể, công nghệ sâu chiếm 25% tổng giá trị gọi vốn, tăng trưởng tốt so với con số 17% năm 2022 và cao hơn mức bình quân toàn cầu 20%.
Nguồn vốn đa số đến từ quốc nội hoặc Mỹ, nhưng cũng có những nhà đầu tư Đài Loan, Nhật, Pháp và Malaysia.
Sự khởi sắc trong đầu tư công nghệ sâu giúp Singapore tăng bậc trong bảng xếp hạng khởi nghiệp toàn cầu của Startup Genome (Mỹ), từ vị trí thứ 18 năm 2022 lên vị trí thứ 7, cao nhất Châu Á.
Các chuyên gia đánh giá rằng ngành công nghệ sâu tuy không được chú ý quá nhiều vì tính chất phức tạp, thế nhưng chúng sẽ ngày càng quan trọng hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Ông Yukihiro Maru, Giám đốc UntroD, một nhà đầu tư mạo hiểm lĩnh vực công nghệ sâu của Nhật, nhận định rằng Singapore đã thành công trở thành trung tâm tài chính và công nghệ thông tin toàn cầu. Nhưng nếu thiếu nền tảng về công nghệ cao, họ sẽ không bao giờ phát triển thành hệ sinh thái như Thung lũng Silicon. Đó là vấn đề không phải chỉ cần có tiền là giải quyết được.
Có lẽ đúng như thế. Singapore đang lặng lẽ tập trung vào công nghệ sâu, vì họ nhận ra rằng mình cần tự chủ hơn trong một số lĩnh vực để đảm bảo an ninh quốc gia, chẳng hạn sản xuất chip.
Không chỉ là trung tâm tài chính, Singapore cũng đầu tư mạnh vào sản xuất, mảng chiếm 20% GDP nước này. Đặc biệt, Singapore còn là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn từ nhiều thập kỷ qua, hiện nay chiếm khoảng 10% tổng lượng chip sản xuất trên toàn cầu. Vị thế này càng củng cố danh tiếng về công nghệ của Singapore.
Năm ngoái, công ty bán dẫn nội địa Silicon Box huy động được 139 triệu USD, con số đầu tư lớn nhất cho công nghệ sâu mà quốc gia này từng ghi nhận. Cùng năm đó, Silicon Box mở xưởng đúc chip trị giá 2 tỷ USD tại Singapore. Đến tháng 3 năm nay, họ công bố kế hoạch thành lập nhà máy sản xuất chip trị giá 3,45 tỷ USD ở Italia.
Thậm chí, các nhà đầu tư giai đoạn sau cũng đang rục rịch đầu tư sớm cho những startup công nghệ sâu. Tháng 9 năm ngoái, nhà đầu tư Singapore tên Temasek Holdings đã hợp tác cùng NTU và Đại học Quốc Gia Singapore đầu tư 75 triệu SGD nhằm giúp đỡ các công ty thành lập từ những dự án nghiên cứu.
Ngày 21/10/2024, Phó Thủ tướng Heng Swee Keat thông báo Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore (A*STAR) sẽ cùng tham gia vào dự án này nhằm đẩy nhanh quá trình thương mại hóa công nghệ sâu. Trước đó, chính phủ cam kết đầu tư 1% GDP đến năm 2025 để hỗ trợ các chương trình nghiên cứu và phát triển này. Số tiền dự kiến lên đến 25 tỷ SGD.
Chính phủ Singapore đang cố gắng làm mới các nỗ lực nhằm hỗ trợ công nghệ sâu, không dừng lại ở việc thu hút các doanh nghiệp lớn. Ngày 3/10, A*STAR công bố hợp tác với Flagship Pioneering, nhà đầu tư công nghệ sinh học đứng sau đơn vị phát triển vaccine Moderna. Trong dự án này, các viện nghiên cứu của A*STAR sẽ hỗ trợ những công ty trong hệ thống Flagship để cùng phát triển các công nghệ sinh học tối tân nhất, ví dụ liệu pháp gen hoặc liệu pháp tế bào.
Đầu tháng 10 vừa rồi, thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) lần đầu tiên triển khai dịch vụ xe buýt công cộng không người lái. Hệ thống này trải dài 20 km, bao gồm 10 trạm dừng quanh các khu vực dân cư, trường học, văn phòng chính phủ và các địa điểm du lịch.
Đây có thể xem là bước ngoặt đối với thành phố. Thế nhưng hệ thống xe buýt này không phải hàng quốc nội (như Trung Quốc thường áp dụng), mà lại đến từ Moovita, một startup ít tên tuổi của Singapore. Moovita có xuất phát điểm là Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A*STAR) của Singapore. Với dự án xe buýt công cộng không người lái ở Thiên Tân, họ là nhà cung cấp phương tiện tự lái (AV) ngoại quốc đầu tiên được cấp phép tại thị trường tỷ dân. Điều đó chứng tỏ sự thành công của chiến lược công nghệ sâu của Singapore.