Doanh nghiệp

Chiến lược mới của các “ông lớn” Hàn Quốc tại Việt Nam

Nguyễn Chuẩn 18/02/2025 01:58

Từ Samsung cho đến SK Group, Việt Nam đang trở thành “sân chơi” chiến lược của các “ông lớn” Hàn Quốc.

“Khẩu vị mới” của các nhà đầu tư Hàn Quốc

Năm 2024, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam với tổng vốn FDI đạt 7,06 tỷ USD, tăng 37,5% so với năm trước. Đặc biệt, các “ông lớn” như SK Group và Samsung đang định hình lại chiến lược, hướng đến các dự án tỷ đô mang tính bền vững và đột phá công nghệ.

thu_tuong_tiep_chu_tich_tap_doan_sk(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK, kiêm Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại (KCCI), Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN.

Tập đoàn SK, với giá trị vốn hóa 200 tỷ USD, đang đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Tại cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, Chủ tịch Chey Tae-won đề xuất kế hoạch xây dựng các nhà máy điện khí LNG quy mô lớn, kết hợp phát triển trung tâm dữ liệu AI, năng lượng hydro và lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR).

SMR - công nghệ lò phản ứng nhỏ gọn, an toàn và linh hoạt. Dự án này được kỳ vọng cung cấp nguồn điện ổn định cho các khu công nghiệp và đô thị, đồng thời giảm phát thải CO2.

Bên cạnh năng lượng, SK còn có kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp thân thiện môi trường và logistics tích hợp AI. Ví dụ điển hình là dự án sản xuất vật liệu phân hủy sinh học tại Việt Nam, với tổng vốn 3,5 tỷ USD đã rót vào các doanh nghiệp như Vingroup, Masan và Pharmacity.

Ngoài ra, SK Group cũng mong muốn hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) của Việt Nam nhằm đào tạo nhân lực và nghiên cứu về các công nghệ mới càng làm nổi bật “khẩu vị mới” của gã khổng lồ Hàn Quốc, đầu tư vào tương lai xanh và bền vững.

Trước đó, Samsung, nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với 23,2 tỷ USD, cũng đã lên kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực chất bán dẫn và AI. Năm 2023, tập đoàn bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến trong chuỗi cung ứng toàn cầu . Đến 2024, Samsung Display công bố đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào nhà máy màn hình OLED tại Bắc Ninh, nâng tổng vốn tại đây lên 8,3 tỷ USD.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, khẳng định trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh chính rằng: “Việt Nam là trung tâm sản xuất và nghiên cứu không thể thay thế, đặc biệt trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Động lực từ chính sách

Có thể thấy, sự hiện diện mạnh mẽ của các tập đoàn Hàn Quốc như SK Group và Samsung tại Việt Nam không phải là ngẫu nhiên. Với nền kinh tế năng động, dân số trẻ và thị trường tiêu dùng đang phát triển, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các chính sách cải cách kinh tế, nâng cao năng lực quản trị và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện đã góp phần tạo ra niềm tin vững chắc cho các doanh nghiệp.

rdsamsung(1).jpg
Đã có những sự thay đổi “khẩu vị” của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công nghiệp và Thương mại, kim ngạch thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã đạt mức 86,7 tỷ USD trong năm 2024, tăng 9,2% so với năm trước. Việt Nam hiện đứng thứ ba trong số các đối tác thương mại của Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030 càng chứng tỏ tầm quan trọng của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Trên thực tế, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ R&D và Quỹ đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn, AI. Nghị định 182/2024 cho phép doanh nghiệp được hỗ trợ 50% chi phí nghiên cứu trong hai lĩnh vực này. Song song, các dự án hạ tầng trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cảng biển lớn và trung tâm dữ liệu quốc gia đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Ông Hong Sun, Chủ tịch danh dự KOCHAM, nhận định: “Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, nguồn nhân lực trẻ và chính sách mở, là yếu tố then chốt để Hàn Quốc tăng cường hiện diện”.

Tuy nhiên, ngoài những triển vọng tích cực, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn lo ngại về thủ tục hành chính phức tạp và tình trạng thiếu điện. Chủ tịch Chey Tae-won mới đây đã kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn về cấp phép dự án và ổn định nguồn điện cho các nhà máy công nghệ cao. Ngoài ra, Việt Nam cũng không phải là điểm đến duy nhất cho các dự án bán dẫn và năng lượng sạch. Mỹ, Nhật Bản và EU cũng đang đẩy mạnh thu hút FDI trong các lĩnh vực này. Để duy trì lợi thế, Việt Nam cần tăng tốc cải cách thể chế và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Nhìn chung, sự thay đổi “khẩu vị” đầu tư của các “ông lớn” Hàn Quốc đang phản ánh một xu thế toàn cầu: chuyển từ sản xuất giá rẻ sang công nghệ xanh và chuỗi cung ứng bền vững. Với cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía, quan hệ hợp tác Việt – Hàn đang hướng tới mục tiêu thương mại 150 tỷ USD vào 2030. Tuy nhiên, thành công chỉ đến khi Việt Nam tiếp tục cải thiện hạ tầng, nguồn nhân lực và minh bạch hóa thủ tục. Như lời ông Hong Sun nhận định: “Cải cách không thể dừng lại, đó là chìa khóa để giữ chân những nhà đầu tư hàng đầu như SK và Samsung”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến lược mới của các “ông lớn” Hàn Quốc tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO