Trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều biến động, khó khăn hiện tại của doanh nghiệp vẫn là câu chuyện nguồn vốn hẹp, chưa thể đáp ứng nhu cầu phục hồi, tăng tốc đặc biệt từ nay đến cuối năm 2022.
>>Chiến lược huy động vốn trong hoàn cảnh mới
Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành tại Diễn đàn tài chính 2022: “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới.
Hơn nửa năm 2022 đã đi qua với những dấu ấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn những biến động. Theo đó, khi chúng ta kiểm soát được đại dịch thì lại xảy ra xung đột Nga - Ukraine, bất ổn toàn cầu, nguy cơ lạm phát và suy thoái ở các nền kinh tế lớn. Với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ đã điều hành nền kinh tế hiệu quả.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%. Số doanh nghiệp tham gia thị trường 7 tháng đầu năm 2022 đạt 133,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư FDI đạt 11,6 tỷ USD, là mức cao nhất trong 7 tháng đầu năm tính từ năm 2018 đến nay.
“Trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát thì tình hình lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, chỉ số CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác đều được giữ ổn định…”, ông Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng được các định chế, tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới ghi nhận có sự tăng tốc. World Bank mới đây tiếp tục khẳng định tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8%.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, cùng với đà tăng tốc của kinh tế, sự phục hồi của doanh nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo, xuất khẩu, kinh doanh, thương mại, dịch vụ… những tháng cuối năm cũng được đánh giá có thể tiềm ẩn những rủi ro, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi của nền kinh tế và của các khối doanh nghiệp.
Rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn hoặc các biến chủng COVID-19 mới tiếp tục xuất hiện. Ví dụ như Nhật Bản hiện ghi nhận 200.000-300.000 ca nhiễm/ngày mặc dù là quốc gia phòng chống dịch tốt.
“Bên cạnh đó còn có những thách thức trong nước, bao gồm thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng, và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính. Khi quá trình phục hồi trong nước mới chỉ bắt đầu trong khi triển vọng về nhu cầu trên toàn cầu đang yếu đi, rủi ro lạm phát gia tăng. Đặc biệt, khó khăn về nguồn vốn, rủi ro trong khu vực tài chính càng hiện hữu cao và là thách thức với doanh nghiệp”, vị Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng nhưng 6 tháng cuối năm dự báo lạm phát cao ở các nước nên khả năng xuất khẩu 6 tháng sẽ giảm, các đơn hàng của doanh nghiệp đã giảm như doanh nghiệp đồ gỗ, nhiều doanh nghiệp hiện mới chỉ có đơn hàng đến hết quý III.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và nhiều NHTM đã hết hạn mức tín dụng, khó cho vay thêm. Việc tiếp cận gói cấp bù lãi suất 2% vẫn còn nhiều khó khăn vì ngân hàng vừa thiếu hạn mức và siết chặt các thủ tục, việc kiểm soát vốn chặt vào các phân khúc rủi ro của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp trên thị trường và các ngành liên quan cũng gặp khó khăn.
Ông Võ Tân Thành cho rằng, trong 6 tháng qua, gói hỗ trợ lãi suất 2% dù đặt mục tiêu 800.000 tỷ đồng nhưng rất buồn vì mới giải ngân chưa tới 1%. Số tiền lãi được cấp bù chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, sau 2 năm bùng nổ trong đại dịch, đã xuất hiện lỗ hổng, các vấn đề chưa được hoàn thiện và thị trường đang trải qua một giai đoạn phục hồi thiếu ổn định với triển vọng dòng tiền thiếu tính dài hạn.
Trong khi đó, do những chính sách “nắn chỉnh” thị trường theo định hướng đi vào ổn định, để phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư sau một giai đoạn tăng trưởng quá nóng từ năm 2019-2021, thị trường trái phiếu đang trong giai đoạn chờ đợi những chính sách mới khiến nhiều doanh nghiệp khó có thể lên định hướng huy động vốn nợ cho hoạt động đầu tư, phát triển năm 2022 và xa hơn.
>>Cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất
Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, với sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, bằng những hành động và thông điệp cụ thể, đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả. VN-Index hiện tại đã có những bước khởi sắc trở lại và cùng với đó, thị trường trái phiếu theo ghi nhận dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán HN và Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, tiếp tục đạt giá trị huy động cao, sau những biến động, chỉ suy giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm nhẹ này là so một nền tăng trưởng vốn rất bùng nổ ở 2021 vừa qua.
“Doanh nhiệp đã và đang tiếp tục có cơ hội, tìm kiếm nguồn lực mới qua vốn cổ phần và thị trường nợ sau một giai đoạn trầm lắng”, ông Võ Tân Thành nói.
Tuy vậy, trong trước mắt và trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều biến động, khó khăn hiện tại của doanh nghiệp vẫn là câu chuyện nguồn vốn hẹp, chưa thể đáp ứng nhu cầu phục hồi, tăng tốc đặc biệt từ nay đến cuối năm 2022.
Theo đó, room của các ngân hàng vừa qua là 14%, nay chỉ còn 4% trong khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp rất lớn. Nếu nới room thì nguy cơ dẫn đến tăng lạm phát, gây bất ổn nền kinh tế. Các ngân hàng hiện đang được NHNN xem xét tăng room tín dụng nhưng cũng phải đến cuối quý III/2022.
Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp vừa qua, Chủ tịch VCCI đã thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đã nêu 4 kiến nghị nhằm tháo gỡ các nút thắt cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Kiến nghị đầu tiên của VCCI là về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, sức ép tài chính cho các doanh nghiệp rất lớn để tái cấu trúc và phục hồi sau dịch. Vì vậy VCCI đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ ban hành.
Đặc biệt cần khai thông việc hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo Nghị định 32/2022. Cần đối nới room tín dụng là bài toán khó mà Ngân hàng Nhà nước đang phải giải, đặc biệt là về mặt thủ tục, điều kiện phức tạp quá, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó là các kiến nghị về nhân lực, môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ các FTAs.
“Có thể thấy, ưu tiên về vấn đề nguồn vốn của doanh nghiệp đang được chú trọng. Trong những nỗ lực của Chính phủ với việc thực thi các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ưu tiên nguồn lực để doanh nghiệp tiếp tục phục hồi cũng đang được đặt lên hàng đầu”, ông Võ Tân Thành khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID và đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nguồn lực vốn vẫn là đòn bẩy quan trọng để doanh nghiệp tiếp đà tăng tốc. Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư tối ưu hóa nguồn vốn tài chính của mình, cũng là kỳ vọng thiết thực của đại đa số doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 05/06/2022
14:38, 24/03/2022
03:40, 14/03/2022
00:06, 01/08/2022