Vốn tín dụng ngân hàng là cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp bất động sản BĐS có đủ nguồn vốn hoạt động. Nếu vốn tín dụng ngân hàng tắc, sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh nghiệp.
>>CHIẾN LƯỢC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP (Kỳ 1): Hẹp cửa tiếp cận tín dụng
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu tại Diễn đàn tài chính 2022: “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” về vấn đề mở rộng mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Ông Lê Hoàng Châu bày tỏ, theo quy định pháp luật về đất đai, để làm dự án, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phải có vốn chủ sở hữu từ 15-20% tổng vốn đầu tư. Nếu dự án có quy mô từ 20 hecta trở lên thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu là 15% và yêu cầu tỷ lệ vốn 20% với dự án có quy mô nhỏ hơn 20 hecta. Như vậy, có 80-85% nguồn vốn đầu tư là nguồn vốn huy động.
Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS có một số kênh huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Các NHTM chính là bà đỡ của nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng là nguồn vốn mồi quan trọng hàng đầu với các doanh nghiệp BĐS.
Theo ông Châu, nguồn vốn cần thiết với doanh nghiệp là nguồn vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp và vốn thông qua các quỹ đầu tư BĐS. Đặc biệt, nguốn vốn qua quỹ BĐS, quỹ tín thác đang là nguồn vốn khiếm khuyết khi hiện nay chỉ có một quỹ duy nhất tại Việt Nam là quỹ của Techcombank, còn được gọi là TechREC. Nhưng quỹ này cho đến nay vẫn còn rất nhỏ bé với số vốn 50 tỷ đồng.
Trong khi đó, thị trường vốn Việt Nam còn sơ khai. Tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 1%, và 99% còn là là phát hành trái phiếu riêng lẻ. Chính vì vậy, thị trường trái phiếu còn thiếu minh bạch và thiếu bền vững.
Hiện nay, Luật Chứng khoán đã cho phép thành lập quỹ đầu tư BĐS. Nhưng quỹ đầu tư BĐS hiện nay là quỹ lai vừa cho phép đầu tư, vừa cho phép tín thác BĐS. Điều này trái ngược với thế giới. Do đó, thị trường vốn vẫn gặp yếu kém khi thiếu dòng vốn từ các quỹ đầu tư.
Với vốn FDI, theo thống kê 7 tháng đầu năm 2022, vốn FDI đang sụt giảm hơn 10%. Trong đó vốn FDI chủ yếu chảy vào BĐS công nghiệp và các dự án khu đô thị lớn ở miền Bắc. Nhưng đáng chú ý, nguồn vốn kiều hối đang có xu hướng sụt giảm, trong khi đó nguồn kiều hối về Việt Nam đã dành khoảng 20% đầu tư vào BĐS.
Một kênh huy động vốn quan trọng khác với doanh nghiệp BĐS là nguồn vốn huy động từ khách hàng. Nhưng nguồn vốn này lại cần vốn tín dụng. Hiện nay, các NHTM không cho phép vay để mua đất mà chỉ được vay đề phát triển dự án sau khi có quỹ đất.
Do đó, vốn tín dụng ngân hàng là cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp BĐS có đủ nguồn vốn hoạt động. Nếu vốn tín dụng ngân hàng tắc sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp BĐS rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Hiện nay một số điều luật như tại Điều 33, Nghị định 100/2015 quy định từ 2015 đến 2020 ngân hàng chính sách xã hội không được cho chủ đầu tư vay để thực hiện dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, khi doanh nghiệp đi vay tại một số các ngân hàng khác chỉ được vay với lãi suất thấp nhất 9%/năm do BĐS không nằm trong các lĩnh vực được ưu tiên vay với lãi suất thấp.
Với Chỉ thị 03 của NHNN mới ban hành có 2 điểm đáng chú ý: không hạ chuẩn cho vay và không nới lỏng điều kiện vay. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện, sẽ không tiếp cận được tín dụng ngân hàng.
>>CHIẾN LƯỢC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP (Kỳ 2): Đa dạng hoá kênh huy động vốn
Ông Châu cho biết, từ thực tế trên, với gói 40 ngàn tỷ đồng, trong đó có gói 15 ngàn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay không có sản phẩm để giải ngân. Tuy nhiên các chủ nhà trọ là những đối tương đang cần hỗ trợ. Hoặc với người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại 9%/năm nhưng nếu không tiếp cận được nguồn vốn, sẽ trở thành gánh nặng. Do đó, ông Châu đề nghị phần tiền còn lại để hỗ trợ cho những đối tượng đã vay với lãi suất thương mại.
Bên cạnh đó, room tín dụng của năm 2022 là 14%, tuy nhiên, ông Châu đề nghị xem xét nâng thêm 1-2%. Bởi phần lớn các NHTM hiện đã gần cạn room. Do đó NHNN đánh giá và cho phép 4 ngân hàng lớn nới room, và xem xét nới room cho các ngân hàng đạt chuẩn Basel II nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố HCM mong muốn các NHTM cùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp BĐS. Ông Châu cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS cũng cần chú trọng làm ăn kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo uy tín thương hiệu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho rằng, vốn tín dụng của ngân hàng rất quan trọng và cần thiết trong tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân. Có nhiều đơn vị vay vốn rất cao tại ngân hàng.
“Chúng tôi cho rằng vốn cho doanh nghiệp được nhìn nhận ở góc độ ngân hàng có 2 chính sách: tín dụng và lãi suất” – ông Minh nói và phân tích cụ thể: Về tín dụng, năm 2022 Thống đốc NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng là 14% và chúng tôi cho rằng mục tiêu là rất phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh.
Trong gần 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,3%, tức là dư địa còn lại là 4,7% trên tổng dư nợ, tương đương 450 ngàn tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm. Tại TP HCM, room tín dụng còn trên dưới 150 ngàn tỷ đồng.
“Tôi có thể khẳng định các đơn vị không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo cho các đơn vị có đủ điều kiện vay vốn thì phải được vay” – ông Minh nhấn mạnh và cho biết thêm, với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hưởng ưu đãi và hỗ trợ. Nhưng nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn thì các ngân hàng không thể cho vay vốn vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống ngân hàng.
>>Cần có chính sách riêng để đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Về chính sách lãi suất, hơn 20 năm nay, cơ chế lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng vẫn được duy trì và điều kiện dựa trên căn cứ vào quan hệ cung cầu vốn trên thị trường; mức độ tín nhiệm của ngân hàng với khách hàng.
Sau nhiều lần giảm lãi suất thì mức lãi suất cho vay ngắn hạn với các đối tượng vay thông thường là khoảng từ 5-7%/năm. Các doanh nghiệp đều cho rằng lãi suất của các doanh nghiệp hiện nay rất là hợp lý và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Với cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% theo gói cấp bù lãi suất, triển khai rất chậm và Thống đốc NHNN cũng đã nhận thấy điều này. Vì vậy, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022, đẩy nhanh, đẩy mạnh và đúng đối tượng và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các NHTM ở TP HCM đã xây dựng được quy trình nội bộ để cho vay và sẽ đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới. Sắp tới, các ngân hàng sẽ triển khai nhanh và cho vay nhanh hơn theo gói cấp bù lãi suất.
Vấn đề về tài sản thế chấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ gặp khó khăn về tài sản thế chấp ngân hàng. Trên thực tế thì việc vay tín chấp ở từng ngân hàng cũng có quy định riêng và đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng mới được vay.
Ông Minh cũng cho biết các ngân hàng ở TP HCM đã và đang cho phép các doanh nghiệp vay vốn với thế chấp bằng dòng tiền. Có nghĩa là các doanh nghiệp phải minh bạch các thông tin về dòng tiền sản xuất, kinh doanh thì các ngân hàng mới cho vay.
Có thể bạn quan tâm
21:19, 25/08/2022
21:13, 25/08/2022
17:32, 25/08/2022
03:00, 24/08/2022