Nhiều chuyên gia cho rằng chiến sự Nga- Ukraine sẽ còn diễn biến phức tạp nên đây có thể vẫn sẽ là lực đẩy cho giá vàng tuần tới.
>> Căng thẳng Nga- Ukraine tác động thế nào đến giá vàng tuần tới?
Giá vàng quốc tế tuần này đã tăng rất mạnh lên tới mức gần 1.975USD/oz, chỉ còn cách mức kháng cự tâm lý 2.000USD/oz khoảng 25 USD mỗi ounce do chiến sự Nga-Ukraine leo thang ác liệt, giúp vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn tốt nhất. Tuy nhiên sau đó, giá vàng lại chịu áp lực chốt lời mạnh, giảm tới 100USD mỗi ounce xuống tới mức 1.878USD/oz và đóng cửa ở mức 1.888USD/oz.
Sở dĩ giá vàng quốc tế giảm mạnh trở lại sau khi không vượt qua mức kháng cự 2.000USD/oz do chiến sự Nga- Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ và nhiều hàng hóa khác ở nhiều khu vực. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây cũng sẽ góp phần làm tăng giá nhiều hàng hóa. Ngoài ra, phương Tây đã loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, khiến cho việc thanh toán hàng hóa xuất khẩu, như dầu mỏ và nhiều hàng hóa khác của Nga bị tê liệt, gây khan hiếm hàng hóa, đẩy giá hàng hóa tăng cao. Điều này có nguy cơ đẩy áp lực lạm phát toàn cầu tăng cao hơn nữa, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải đẩy mạnh tăng lãi suất, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Ngoài ra, dù chiến sự Nga-Ukraine vẫn đang rất căng thẳng, nhưng nhiều khả năng hai bên sẽ tiến tới đàm phán để chấm dứt xung đột. “Ukraine muốn có hòa bình trở lại và sẵn sàng đàm phán với Nga, bao gồm cả về lập trường trung lập liên quan đến NATO”, Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết. Trong khi Tổng thống Nga Putin cũng cho biết Nga sẵn sàng cử phái đoàn tới Belarus để đàm phán với Ukraine. Những thông tin này đã khiến các nhà đầu tư kỳ vọng chiến sự Nga-Ukraine sẽ sớm kết thúc và chốt lời mạnh, khiến giá vàng lao dốc không phanh.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng biến động theo giá vàng quốc tế khi có thời điểm leo từ mức 63,2 triệu đồng/lượng lên tới mức 67,5 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó cũng giảm trở lại mức 65,6 triệu đồng/lượng. Theo nhiều doanh nghiệp, trong tuần qua, lượng bán ra khá lớn khi giá vàng bán ra lên trên 67 triệu đồng/lượng, trong khi lượng mua vào rất nhỏ giọt, vì chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước quá lớn. Hơn nữa, giá vàng ở mức cao nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
>> “Đòn bẩy” giá vàng năm 2022
Rủi ro lớn nhất đối với giá vàng tuần tới sẽ là Nga và Ukraine bước vào vòng đàm phán để chấm dứt chiến sự hiện nay. Nếu cuộc đàm phán này thành công, thì áp lực chốt lời giá vàng sẽ còn lớn hơn nữa. Tuy nhiên, nếu hai bên bế tắc trong đàm phán và tiếp tục chiến sự ác liệt, thì giá vàng có thể vượt mức 2.000USD/oz.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối, cũng cho rằng, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi Nga và Ukraine có thể sẽ sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột dù rằng phía Nga cho biết Ukraine hiện chưa thực sự sẵn sàng cho việc này. “Nếu cuộc đàm phàn này diễn ra trong tuần tới với kết quả tích cực, thì giá vàng tuần tới sẽ còn giảm hơn nữa, hướng tới vùng 1.829USD/oz, thậm chí là 1.809USD/oz. Nếu vẫn còn trụ vững trên mức này, thì giá vàng sẽ còn tăng trở lại vì các nhà đầu tư vẫn còn quan ngại về áp lực lạm phát toàn cầu. Ngược lại nếu 2 bên không tìm được tiếng nói chung để chấm dứt xung đột thì chiến sự sẽ còn kéo dài và giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa”, ông Colin nhận định và cho biết thêm, giá vàng sẽ vẫn còn tăng trong trung và dài hạn dù FED tăng 3-4 lần lãi suất trong năm nay.
Ngoài chiến sự Nga- Ukraine, thì kế hoạch tăng lãi suất cũng sẽ là chủ đề chính, tác động tới giá vàng tuần tới. Được biết, Chủ tịch FED Powell sẽ có bài điều trần trước Ủy ban Tài chính Ngân hàng của Thượng viện về chính sách tiền tệ. Với áp lực lạm phát tăng cao như hiện nay, trong khi kinh tế Mỹ cũng đã và đang trên đà phục hồi, thì nhiều khả năng ông Powell sẽ tiếp tục tuyên bố tăng mạnh lãi suất trong năm nay. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư vàng trong tuần tới, dù rằng về trung hạn, FED và chính sách lãi suất chưa thể khiến vàng giảm sức hấp dẫn.
Ngoài ra, thị trường còn đón nhận nhiều thông tin kinh tế quan trọng từ Mỹ, như sản xuất công nghiệp PMI, trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, đặc biệt là báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP)… Trong đó, nếu NFP tháng 1 tăng vượt mức dự báo 438.000 việc làm, có thể sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng tuần tới, vì điều này cũng sẽ giúp FED tự tin đẩy mạnh siết chặt tiền tệ. Ngược lại, nếu chỉ số này thấp hơn nhiều kỳ vọng, thì sẽ tác động tích cực đến giá vàng tuần tới.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: Nhà đầu tư "lao vào hầm trú ẩn", giá vàng liên tiếp phá đỉnh
09:52, 25/02/2022
Điều gì “phả hơi nóng” vào giá vàng tuần tới?
05:30, 13/02/2022
Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng quyết định bất ngờ của FED
05:30, 23/01/2022
Giá vàng năm 2022 vẫn tăng mạnh bất chấp FED tăng lãi suất?
05:30, 02/01/2022
Giá vàng tuần tới: “Bước đệm” cho cú bật tăng đầu năm 2022?
05:30, 26/12/2021