Ấn Độ đang vươn mình trở thành một cường quốc có ảnh hưởng của khu vực và thế giới, nhưng có một sự kiện đang cản bước tham vọng đó: chiến sự Nga – Ukraine.
Hai sự kiện nói trên tưởng chừng không liên quan với nhau, nhưng thực ra lại có mối quan hệ rất mật thiết. Bởi chiến sự Nga – Ukraine chưa rõ hồi kết đang tác động trực tiếp đến một lĩnh vực mà New Delhi vô cùng coi trọng: An ninh Quốc phòng.
>>Nóng cuộc cạnh tranh nâng tầm ảnh hưởng tại Nam bán cầu
Đã từ lâu, Nga là đối tác cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ. Theo thống kê năm 2020 của Trung tâm Stimson, ước tính 70-85% nền tảng quân sự của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga.
Hiện nay, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), hơn 90% xe bọc thép, 69% máy bay chiến đấu, và 44% tàu ngầm và tàu chiến của Ấn Độ được cung cấp bởi Nga. Ngoài ra, 65% các tên lửa của Ấn Độ cũng do Nga sản xuất.
Suốt một thời gian dài, Ấn Độ đã hưởng lợi từ sự phụ thuộc này. Moscow sẵn sàng cung cấp các công nghệ quốc phòng quan trọng mà phương Tây từ chối cung cấp cho New Delhi. Hơn nữa, thiết bị của Nga thường rẻ hơn so với các thiết bị tương đương của phương Tây và ít hạn chế về mục đích sử dụng.
Trong thập kỷ vừa qua, nhu cầu nâng cao năng lực quốc phòng của chính phủ Ấn Độ là rất lớn trước các thách thức an ninh ngày một gia tăng. New Delhi phải để mắt tới một Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn trong các tranh chấp lãnh thổ, quản lý xung đột với Pakistan, hay đảm bảo trật tự tại khu vực Ấn Độ Dương.
Ấn Độ hợp tác với Nga từ các dự án quy mô nhỏ cho đến các hoạt động phát triển và sản xuất quy mô lớn và phức tạp trong nước.
Chẳng hạn, hai nước từng ký thỏa thuận trị giá 677 triệu USD để sản xuất hơn 600.000 súng trường tấn công AK-203 ở Ấn Độ, hay chế tạo các thiết bị như máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tàu sân bay. Các xe tăng T-72 hay T-90 cũng là lực lượng nòng cốt trong quân đội Ấn Độ.
Thế nhưng, kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra, Moscow đã không thể đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu vũ khí sang New Delhi. Bản thân ngành công nghiệp quốc phòng Nga phải vật lộn để phục vụ nhu cầu khổng lồ ở chiến trường Ukraine do một loạt các vấn đề khó khăn trong tiếp cận nguồn nguyên liệu, chất bán dẫn hay thiếu nhân công.
“Nga sẽ phải vật lộn để giải quyết những vấn đề này trong thời gian ngắn và khả năng xuất khẩu có thể sẽ bị hạn chế nghiêm trọng trong thời gian còn lại của thập kỷ này, khi ngành công nghiệp quốc phòng của nước này tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới”, ông Tom Waldwyn, chuyên gia về mua sắm quốc phòng của CSIS nhận định.
Hậu quả, Nga chưa thể hoàn thành việc chuyển giao cho Ấn Độ 5 hệ thống tên lửa đất đối không S-400 trị giá 5,4 tỷ USD ký kết năm 2018. Phần còn lại dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2024, muộn một năm so với kế hoạch. Ngoài ra, Nga cũng đã trì hoãn việc trả lại một tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Ấn Độ đang được bảo dưỡng.
Do đó, New Delhi đã phải trì hoãn hoặc hủy bỏ các kế hoạch mua sắm thiết bị bổ sung từ Nga, bao gồm kế hoạch mua thêm 48 máy bay trực thăng hạng trung Mi-17V-5. Hay tháng 5/2022, Ấn Độ đình chỉ đàm phán mua 10 trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 do lo ngại về khả năng cung cấp của Nga.
Một trong những giải pháp thay thế cho Ấn Độ là vũ khí Mỹ và phương Tây. Trước chiến sự Nga – Ukraine, New Delhi đã nhận thức được sự phụ thuộc vào Nga và bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung vũ khí.
Năm 2008, Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 15 tỷ USD mua máy bay vận tải, tác chiến chống ngầm và trực thăng tấn công của Mỹ. Hay gần đây năm 2021, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã ký kết một biên bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng với Thủ tướng Ý.
Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất cho thời điểm hiện nay là tăng cường khả năng sản xuất nội địa. Chính phủ của ông Modi đã ưu tiên sản xuất vũ khí trong nước như một phần của sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”.
Tuy nhiên, kết quả đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng. Mới đây, chính phủ Ấn Độ đã phải hạ mục tiêu ngành sản xuất quốc phòng trong nước đến năm 2025. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ, với mục tiêu tổng vốn đầu tư 10 tỷ USD vào năm 2025, mới chỉ đạt 380 triệu vào cuối năm 2021.
Bất chấp việc Ấn Độ có những cải cách hành chính và chính sách như nới lỏng các hạn chế về sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng, tỷ lệ đầu tư vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Chưa kể, một số sản phẩm nội địa không đạt được tiêu chuẩn mà Bộ Quốc phòng mong muốn.
>>Nhật Bản - Ấn Độ xích lại gần nhau vì lo Trung Quốc?
Ngành quốc phòng Ấn Độ rõ ràng đang rơi vào thế khó do tác động từ chiến sự Nga – Ukraine. Xử lý nguồn cung thiếu hụt, cải cách năng lực sản xuất vũ khí trong nước, hay tăng cường mua sắm từ Mỹ và phương Tây rõ ràng đều là những bài toán khó giải cho chính phủ của ông Modi. Không tìm ra lời giải, tham vọng cạnh tranh của New Delhi với Bắc Kinh sẽ bị đe dọa nghiêm trọng trong thập kỷ tới.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: Kiev sắp phản công lớn ở phía Đông?
04:00, 05/04/2023
Hòa đàm Nga - Ukraine: Vì sao Mỹ cần vai trò Trung Quốc?
04:00, 18/03/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: "Vết nứt" âm ỉ trong liên minh Mỹ- Ukraine
04:00, 14/03/2023
Nhật Bản - Ấn Độ xích lại gần nhau vì lo Trung Quốc?
04:00, 30/03/2023