Khi Nga cảnh báo thủ đô Kiev của Ukraine có thể bị không kích đã thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường vàng để trú ẩn. Lập tức, giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong 1,5 năm qua.
>>>Chiến sự Nga- Ukraine còn đẩy giá vàng tuần tới tăng cao hơn?
Tại thị trường trong nước, trong phiên giao dịch sáng nay, ngày 2/3, các thương hiệu kinh doanh vàng miếng SJC đồng loạt tăng giá vàng lên cao từ 800.000 đồng – 1.050.000 đồng/lượng. Qua đó, đẩy giá vàng trong nước lên mức giá cao kỷ lục 67.420.000 đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty CP Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC tăng giá vàng miếng với mức tăng 900.000 đồng/lượng chiều mua vào và 1.000.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, ở cả 3 thị trường lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, đạt mức giá 66.550.000 đồng mua vào và 67.420.000 đồng/lượng bán ra. Chênh lệch biên độ giữa mua và bán đạt 870.000 đồng/lượng.
Tương tự, Vietinbank Gold cũng niêm yết vàng miếng SJC ở mức giá 66.550.000 đồng/lượng chiều mua vào, tăng 900.000 đồng/lượng và bán ra đạt 67.420.000 đồng/lương, tăng 1.000.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch ngày 1/3.
Cùng thời điểm trên, thương hiệu DOJI Sài Gòn và Phú Quý SJC tăng giá vàng miếng SJC 900.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với phiên giao dịch ngày hôm qua, đạt 66.400.000 đồng và 67.400.000 đồng/lượng. Riêng mua vào của Phú Quý SJC đạt 66.450.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, ngân hàng MSB tăng giá vàng miếng SJC với mức 810.000 đồng/lượng chiều mua vào và 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó, đạt 65.560.000 đồng/lượng – 67.100.000 đồng/lượng. Đây cũng là đơn vị có giá mua – bán vàng miếng SJC thập nhất trong phiên giao dịch sáng nay. Chênh lệch biên độ giữa mua và bán cũng được nhà băng này nới rộng 1.540.000 đồng/lượng.
Cùng chung với xu hướng tăng giá của vàng miếng SJC, giá vàng trang sức trong nước cũng tăng theo. Cụ thể, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ tại thị trường TP.HCM và Hà Nội đồng loạt tăng 350.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán, đạt 54.900.000 đồng – 55.700.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa vàng miếng SJC với vàng trang sức đạt 11.720.000 đồng/lượng.
>>>Chiến sự Nga - Ukraine: Nhà đầu tư "lao vào hầm trú ẩn", giá vàng liên tiếp phá đỉnh
Trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng nay 2/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.942,12 USD/ounce. Đến 8h30, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.934,94 USD/ounce, vọt tăng 33 USD/ounce so với cùng giờ giao dịch sáng qua.
Đêm qua, khi Nga cảnh báo thủ đô Kiev của Ukraine có thể bị không kích đã thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường vàng để trú ẩn. Lập tức, giá vàng thế giới giao ngay tăng lên mức cao nhất trong 1,5 năm qua sau khi đã tăng 120 USD/ounce trong tháng 2/2022.
Việc Nga vẫn tiếp tục tăng cường chiến dịch quận sự đặc biệt ở Ukraine làm cho thị trường lo ngại tình hình địa chính trị thế giới ngày càng tồi tệ hơn, nguồn cung hàng hóa bị gián đoạn, giá dầu thô leo thang, hậu quả kinh tế không lường trước và lạm phát toàn cầu có thể tăng mạnh.
"Căng thẳng địa chính trị lên cao, vàng sẽ là một kênh đầu tư an toàn được lựa chọn nhiều nhất, hơn cả tiền ảo và cả những tài sản an toàn truyền thống như trái phiếu Mỹ", nhà phân tích Jim Wyckoff của Kitco.com nhận định.
Nhận định về tương lai giá vàng, Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, nếu cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine không sớm được giải quyết, giá vàng có thể sẽ tăng lên mức 2.150 USD/ounce. Theo lý giải của các chuyên gia Goldman Sachs, vàng sẽ đóng vai trò trung tâm trong căng thẳng này khi Nga chuyển sang sử dụng kim loại quý để làm đòn bẩy trong bối cảnh Mỹ và các quốc gia châu Âu đang áp đặt lệnh trừng phạt lên nước này.
Theo đó, để trừng phạt Nga, các nước phương Tây tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Sau các lệnh trừng phạt được công bố vào đầu tuần, giá trị đồng Ruble đã giảm tới 40% so với đồng USD. Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tăng lãi suất từ 9,5% lên 20% để giảm bớt tác động của việc đồng ruble mất giá. Ngân hàng Trung ương Nga mới đây cũng cho biết họ sẽ bắt đầu mua vàng trên thị trường kim loại quý trong nước. Hiện Nga là quốc gia sở hữu vàng lớn thứ năm và chiếm 20% lượng vàng dự trữ của thế giới, tương đương với khoảng 2.300 tấn vàng.
Theo MKS PAMP SA, Nga có thể sẽ tiếp tục mua vàng trong nước để thúc đẩy chiến tranh của chính mình, đây là động lực tăng giá ngắn hạn cho kim loại quý, nhưng có khả năng chỉ là vấn đề thời gian trước khi Nga bắt đầu bán dự trữ vàng của mình. Nỗi sợ hãi về việc Nga bán lượng vàng dự trữ của mình với số lượng lớn sẽ đè nặng lên thị trường trong tương lai, đặc biệt là nếu đồng rúp tiếp tục lao dốc.
Ông Nicky Shiels từ MKS PAMP SA nhận định, giá vàng sẽ còn tăng trong thời gian tới vì các yếu tố sau: Thứ nhất là chiến sự tiếp tục "nóng" ở Ukraine; Thứ hai là mức độ lạm phát gia tăng; Thứ ba là các quyết sách về lãi suất từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). "Sự hỗn loạn SWIFT đang khiến trật tự trên thị trường tài chính đảo lộn. Do đó, vàng sẽ có cơ hội tỏa sáng khi trở thành kênh trú ẩn an toàn", ông Shiels nói.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine còn đẩy giá vàng tuần tới tăng cao hơn?
05:30, 27/02/2022
Sau những cột mốc tăng dựng đứng, điều gì khiến giá vàng lại "lao dốc không phanh"?
11:00, 26/02/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Nhà đầu tư "lao vào hầm trú ẩn", giá vàng liên tiếp phá đỉnh
09:52, 25/02/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Giá vàng tiến sát mốc 65 triệu đồng/lượng
16:00, 24/02/2022
Giá vàng trong nước cao kỷ lục, gần chạm mốc 64 triệu đồng/ lượng
17:00, 22/02/2022