Chiến tranh bùng nổ, hàng nghìn người Việt tị nạn chiến tranh từ Ukraine chạy sang các nước lân bang, nhiều nhất là Ba Lan.
>>“Biểu tượng” hòa nhập Phương Tây - Nga sụp đổ
Nhắc đến chiến sự Nga - Ukraine, hẳn nhiều người sẽ bàn tán sôi nổi về tình hình căng thẳng, đếm số thương vong, thiệt hại của hai bên, bình luận, ủng hộ hay phê phán các bên tham chiến, đưa ra nhận định suy đoán cá nhân. Tâm lý này là hiển nhiên, bởi thông tin hình ảnh về cuộc chiến nằm trên tay, cập nhật từng giây, từng phút, đập vào mắt mọi người qua chiếc điện thoại thông minh.
Thế nhưng cũng có rất nhiều người lại quan tâm đến mặc khác, nhất là việc nhiều Việt kiều sống ở Ba Lan, Rumania… các nước Đông Âu, luôn hướng sự quan tâm, cùng các hành động cụ thể, chỉ để làm sao giúp được nhiều người tị nạn nhất, đặc biệt là người Việt “đồng hương” cùng máu đỏ, da vàng, cùng chung nguồn cội tránh xa được “hòn tên, mũi đạn”, được trở về bình an trong vòng tay yêu thương ấm nghĩa đồng bào.
Những hình ảnh đau thương của chiến tranh đập vào lòng nhân ái của cộng đồng người Việt, như đập vào quả bóng làm vỡ òa ra sự chia xẻ, cảm thông…, thúc đẩy thành hành động cứu trợ, thiện nguyện cụ thể, rõ ràng. Liệu có ai đó mắt nhòe đi khi thấy bóng người Việt thấp thoáng chờ đồng hương nơi biên giới, chờ đồng bào như chờ người thương yêu của họ trở về. Bát cháo nóng, bát phở nóng ấm không bởi hạt tiêu mà nóng ấm tình người. Vòng tay ôm, cái động tác choàng thêm áo khoác cho người đồng bào dù mới lần đầu gặp mặt, làm cho nước mắt cứ rơi, cứ nức nở mãi không thôi.
Người Việt tha hương trong lòng vốn đã mang sẵn nỗi đau khi phải rời xa đất mẹ. “Tha hương cầu thực” xứ người, nỗi cô đơn luôn ẩn kín trong góc khuất của mỗi trái tim. Ai cũng chỉ mong có cuộc sống ổn định, ấm êm, mưu cầu hạnh phúc, che đi nỗi buồn. Vậy mà khói lửa, đạn bom, chết chóc của chiến tranh lại không buông tha họ, cho nỗi đau ấy thêm dầy lên, hiện ra trên ánh mắt mệt mỏi, trên mái tóc xác xơ, theo dòng nước mắt bất hạnh nóng ấm, mặn chát rơi trên tuyết lạnh.
Hiếm có dân tộc nào thấu hiểu nỗi đau, sự bất hạnh đến từ chiến tranh như dân tộc Việt Nam, khi gần như cả thế kỷ 20 phải trải qua chiến tranh vệ quốc, thống nhất đất nước, phải chiến đấu và chiến thắng trước thực dân, đế quốc bành trướng hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Cái giá của chiến tranh, vết thương của chiến tranh vẫn hiện hữu quanh cuộc sống người Việt. Cho nên lòng yêu thương, nghĩa đồng bào được sự thấm cảm nhân lên, giúp đồng bào dang rộng tay ôm lấy đồng bào.
>>Thanh toán quốc tế chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng Nga - Ukraine
Chưa bao giờ truyền thống “thương người như thể thương thân” của người Việt lại phát huy mạnh mẽ như thế khi dòng người tị nạn từ Ukraina đổ vào các láng giếng lánh nạn. Chưa bao giờ mạng xã hội lại phát huy được mặt tích cực đến như thế, chỉ cần tiếng kêu cần trợ giúp vang lên, là có bao nhiêu bàn tay sẵn sàng chìa ra, nắm lấy, vỗ về.
“Bầu ơi thương lấy bí cùng.
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Đặt mình vào hoàn cảnh người khác là các thấu cảm tốt nhất khi các tình nguyện viên biết rằng đồng bào mình “vạn bất đắc dĩ” phải rời xa mái ấm, hướng ra biên giới, vượt qua đạn bom tìm kiếm bình yên. Họ có thể sống làm sao khi mất điện, mất nước, lương thực cạn kiệt, thu nhập, việc làm bị mất, bên ngoài chỉ có ánh chớp lửa đầu nòng của súng đạn, chỉ có đổ nát hoang tàn sau pháo kích, tên lửa, súng pháo xe tăng…, mạng sống có thể mất đi bất cứ lúc nào chỉ trong tích tắc. Chính vì thế, các tình nguyện viên không có ai yêu cầu hay ép buộc, họ tự nguyện rời bỏ chăn ấm đệm êm, lao ra biên giới trợ giúp đồng bào.
Có đến hơn 8.000 người Việt, gốc Việt sinh sống, học tập, làm việc tại Ukraine, họ sống phần lớn ở thủ đô Kyiv, thành phố Kharcov, thành phố cảng Odessa - toàn là điểm nóng của cuộc chiến. Chiến tranh bùng nổ, hàng nghìn người Việt tị nạn chiến tranh từ Ukraine chạy sang các nước lân bang, nhiều nhất là Ba Lan. Hai ngôi chùa của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan là chùa Nhân Hòa, chùa Thiên Phúc trở thành điểm cầu nhân ái, cùng sự hợp sức của các tổ chức, hội đoàn, cá nhân... giúp đỡ mọi người.
"Nhất hô, vạn ứng”, sức mạnh từ lòng nhân ái gạt bỏ đi các quan điểm chính trị - xã hội, tạo thành khối đoàn kết, thành bộ máy đón đưa, sắp xếp, cung cấp đồ ăn, thức uống, động viên, chia sẻ miếng cơm, manh áo đến người tị nạn. Để đón người mẹ chở con xuyên đêm qua biên giới, tình nguyện viên không quản gì khoảng cách vài trăm cây số, lái xe lên đón mẹ con bé về. Bằng bàn chân tê cứng vì đạp ga, bằng bàn tay quấn găng chống lạnh…, họ vẽ lên vầng sáng nhân văn của con người trên bức tranh ảm đạm, chết chóc, u tối của chiến tranh.
Nhiều thanh niên, sinh viên tình nguyện là thế hệ thứ hai, sinh ra lớn lên nơi xứ lạ. Vậy mà, tình yêu quê hương, nghĩa đồng bào vẫn cháy sáng trong họ, tiếng Việt có khi chưa nói sõi, nhưng vẫn nhiệt tình, hăng say dùng sức trẻ của mình làm công tác hướng dẫn người Việt tị nạn đăng ký thủ tục khai báo, sắp xếp tổ chức thuê xe đưa đón họ về nơi ở.
Họ nhất định không để dòng máu đỏ, màu da vàng của đồng bào mình rơi trên tuyết trắng xứ người. Người Việt trong nước xin được tri ân họ - những tình nguyện viên dũng cảm.
Có thể bạn quan tâm
09:59, 15/03/2022
03:23, 15/03/2022
01:16, 15/03/2022
10:15, 14/03/2022
04:22, 14/03/2022
02:36, 14/03/2022
04:55, 13/03/2022
04:00, 13/03/2022