Trước cuộc tấn công dồn dập của Nga vào Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây lại tiếp tục đẩy mạnh viện trợ vũ khí cho Ukraine.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Nga thay đổi chiến thuật cho mùa đông
Mỹ vừa công bố gói viện trợ trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, trong đó có tên lửa phòng không, rocket của pháo HIMARS và hơn 200 máy phát điện. Bên cạnh đó, gói viện trợ này có súng máy hạng nặng với kính ảnh nhiệt để chống máy bay không người lái (UAV) Nga và hơn 20 triệu viên đạn vũ khí cá nhân.
Ngoài ra, theo Chuẩn tướng Pat Ryder, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, hơn 200 máy phát điện cũng nằm trong gói này nhằm giúp Ukraine đối phó với tình trạng mất điện do các đợt tập kích của Nga nhằm vào hạ tầng năng lượng của Ukraine.
"Số máy phát điện này sẽ hỗ trợ cả nhu cầu năng lượng quân sự và dân sự của Ukraine nhằm giảm bớt áp lực lên lưới điện Ukraine", tướng Ryder nói và cho biết thêm đây là đóng góp đáng kể để hỗ trợ Ukraine khi họ tiếp tục đối mặt thách thức đáng kể về năng lượng.
Tương tự, Vương quốc Anh cũng tiến hành chuyển cho Ukraine ba trực thăng vận tải Sea King, đánh dấu lần đầu London cung cấp máy bay có người lái cho Kiev từ đầu chiến sự Nga- Ukraine. Hải quân Anh sẽ đào tạo phi công và kỹ thuật viên cho Ukraine trong vòng 6 tuần để vận hành loại trực thăng này. Được biết, chiếc Sea King đầu tiên đã được bàn giao cho quân đội Ukraine.
Để đối phó tốt hơn với sự tấn công dồn dập từ Nga, cũng như để chuẩn bị cho mùa đông đang đến gần, Mỹ và các nước phương Tây đang tích cực viện trợ cho quân đội Ukraine. Hiện nay, giới quan sát cho rằng, gói viện trợ sắp tới sẽ mang đến cho Ukraine nhiều lợi thế hơn trước quân đội Nga.
>>Chiến tranh Nga - Ukraine: Ngã rẽ mới trên chiến trường
Trong những ngày qua, các lực lượng của Nga đang tích cực nhắm đến các cơ sở hạ tầng của Ukraine nhằm phản ứng trước việc Kiev được phương Tây bơm vũ khí, đồng thời làm suy yếu khả năng chiến đấu của quân đội Ukraine.
Đánh giá về tình hình hiện tại, ông Michael Kofman, Giám đốc nghiên cứu về Nga tại CNA nhận định “Việc phương Tây tiếp tục duy trì viện trợ là điều cần thiết cho Ukraine vào lúc này, khi quân đội Nga đang đẩy nhanh động thái tái vũ trang, thay vì thúc đẩy hai bên ngồi vào bàn đàm phán".
“Vũ khí dồi dào là một trong những yếu tố quyết định chiến thắng trong cuộc chiến này. Vấn đề là tốc độ huy động vũ khí của hai bên là bao nhiêu và những gì có thể được huy động?", chuyên gia này đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, Tướng Mick Ryan, một thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết, có rất ít cơ hội để 2 bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn nào vào thời điểm hiện nay. Nếu hai bên ngồi vào bàn đàm phán và thực hiện một thỏa thuận đình chiến, Nga sẽ có thời gian giảm bớt áp lực cho lực lượng của họ vào lúc này.
Bất chấp việc các quan chức Nga phủ nhận kho vũ khí của họ đang cạn kiệt, báo cáo cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh nói rằng: “Cả khả năng phòng thủ và tấn công của Nga tiếp tục bị cản trở do sự thiếu hụt nghiêm trọng về đạn dược và vũ khí bởi các cuộc tấn công có mục tiêu của Ukraine”.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, Mỹ và phương Tây cũng cần phải nâng cao quy mô năng lực của Ukraine. Trên thực tế, Nga đang mong đợi rằng về lâu dài, NATO và các đồng minh phương Tây cũng như người Ukraine sẽ mệt mỏi với chiến sự kéo dài. Và cuối cùng họ sẽ ngồi vào bàn đàm phán.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine: Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân
04:30, 24/11/2022
Chiến tranh Nga - Ukraine: Ngã rẽ mới trên chiến trường
04:30, 23/11/2022
Ukraine và nỗi lo thảm họa nhân đạo mùa đông
04:00, 23/11/2022
Chiến sự Nga- Ukraine: Nga thay đổi chiến thuật cho mùa đông
14:38, 22/11/2022
Chiến sự Nga- Ukraine: Cảnh báo rò rỉ hạt nhân từ Zaporizhzhia
04:00, 22/11/2022