Chiến sự Nga – Ukraine: NATO phát hiện “trụ cột” mới

TRƯỜNG ĐẶNG 15/05/2023 04:00

Giữa các cường quốc viện trợ tích cực nhất cho Ukraine, có một quốc gia nhỏ bé và không quá giàu có - Ba Lan. Thế nhưng, nước này đang đại diện cho một lực lượng mới dần tạo ảnh hưởng trong NATO.

Ba Lan và các nước Đông Âu đang đóng vai trò lớn cho an ninh NATO

Ba Lan và các nước Đông Âu đang đóng vai trò lớn cho an ninh NATO

Không thể phủ nhận rằng, Ukraine duy trì được tình thế chiến trường như hiện nay phần lớn nhờ hỗ trợ không mệt mỏi của NATO, với đầu tàu là Mỹ và các quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi không nhắc đến một “trụ cột” của NATO mới nổi từ cuộc xung đột - các quốc gia Đông Âu.

>>Vì sao EU không muốn “đánh mất” Tổng thống Erdogan?

"Nhân tố" tích cực của châu Âu

Theo nhiều chuyên gia, kể từ sau khi Nga phát động chiến sự Nga- Ukraine, các nước Đông Âu dần trở thành một “xương sống mới” của NATO trong hỗ trợ Ukraine và đóng góp cho an ninh của NATO. Trải dài từ thành phố Helsinki cho tới tận Biển Đen, vành đai bao gồm Ba Lan, Romania, Phần Lan và các nước vùng Baltic đã đóng vai trò lớn không kém Anh, Pháp Đức để hỗ trợ cho Kiev.

Trong đó nổi bật là Ba Lan, một quốc gia chỉ có 37 triệu dân và không quá giàu có. Thế nhưng, đây lại là một trong số ít những quốc gia tiên phong trong việc tăng gấp đôi lực lượng quân sự, lên 300.000 binh sĩ, để trở thành đội quân lớn nhất châu lục.

Giữa các quốc gia giàu có, Ba Lan lại là quốc gia đóng góp nhiều thứ 3 cho Ukraine

Trong số các quốc gia giàu có, Ba Lan lại là quốc gia đóng góp nhiều thứ 3 cho Ukraine (Ảnh: Statista)

Không phải Đức hay Pháp, chính Ba Lan và các nước Baltic mới là những nước đáp ứng cam kết dành tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng và đầu tư 20% GDP vào trang thiết bị quân sự để đảm bảo năng lực chiến đấu của NATO. Xa hơn, chính phủ Warsaw năm ngoái khẳng định sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ phần trăm GDP cho lĩnh vực này, vượt xa cả các nước như Canada hay Đức.

Tương tự, ngân sách quốc phòng của Romania cũng lên tới 2,5% GDP vào năm tới, cao hơn cả mức tiêu chuẩn do NATO áp đặt. Các quốc gia Baltic, bao gồm Latvia, Lithuania hay Estonia cũng sẽ đạt mức chi tiêu 2,5% trong vài năm tới.

Chi tiêu quốc phòng là một cam kết rất quan trọng cho NATO trong tham vọng gia tăng năng lực quân sự đối đầu với Nga. Bởi theo kế hoạch mới, liên minh quân sự đặt ra nhiều mục tiêu “khó nhằn” đối với kể cả nhiều nền kinh tế lớn, như tăng gấp đôi quân số sẵn sàng chiến đấu cho tới nâng cao năng lực sản xuất vũ khí.

Không chỉ lên kế hoạch, một loạt các nước Đông Âu đã bắt đầu tiến trình đó. Năng lực sản xuất vũ khí của Ba Lan và Séc đã được đầu tư mạnh mẽ kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công Ukraine.

Trong năm ngoái, Ukraine đã nhận được lượng vũ khí và trang bị trị giá hơn 2 tỷ USD từ CH Séc, trở thành nhà viện trợ lớn thứ 9 cho Kiev. Xuất khẩu vũ khí nước này đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1989 và vẫn đang tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ba Lan không chỉ là nước đi đầu trong các viện trợ quân sự cho Kiev ở Đông Âu, mà còn tham gia hỗ trợ Kiev trên nhiều lĩnh vực khác, như huấn luyện binh sĩ. Mới đây, Warsaw còn mở một số trung tâm sửa chữa và cải tiến vũ khí trang thiết bị đã bị hư hỏng hoặc cần nâng cấp của Kiev, như xe tăng T-64, để hỗ trợ nước láng giềng.

Mỹ có thể tận dụng được "nhân tố" này?

Trước “tinh thần” của Ba Lan và các quốc gia Đông Âu, nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ đang thúc giục ông Biden quan tâm hơn đến khu vực này.

Theo ông Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Vũ trang Hạ viện Mỹ, trước mắt Mỹ phải đẩy nhanh tiến độ hợp tác quân sự với quốc gia này, bao gồm việc chuyển giao xe tăng Abrams hay nâng cao năng lực sản xuất tên lửa chống tăng hay HIMARS để giảm bớt gánh nặng chuỗi cung ứng cho kho vũ khí của châu Âu.

Các quốc gia Đông Âu trở thành

Các quốc gia Đông Âu có thể trở thành "chìa khóa" cho vấn đề cung ứng vũ khí của Mỹ

Các khoản đầu tư gia tăng vào quốc phòng của sườn Đông NATO có thể giúp “sửa chữa” những lỗ hổng trong hệ thống cung ứng vũ khí của Mỹ vốn thường “trục trặc” khi có yêu cầu đột biến xuất hiện.

Một loạt các nước Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva và Romania đang có nhu cầu gia tăng năng lực sản xuất vũ khí. Nếu Mỹ có hỗ trợ phù hợp, việc tiêu chuẩn hóa vũ khí của NATO ngay tại Đông Âu sẽ góp sức lớn cho khối trong tương lai chống lại đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

>>Chiến sự Nga - Ukraine: Nhân tố mới bất ngờ thay đổi cục diện

Thực tế, Mỹ đã bắt đầu nhìn nhận được vai trò quan trọng của các nước Đông Âu. Các nguồn tin cho biết trụ sở thường trực của Quân đoàn V của Lục quân Hoa Kỳ sẽ được thành lập tại Ba Lan. Mỹ cũng đã thiết lập các cơ sở phòng thủ tên lửa Aegis Ashore ở Ba Lan và Romania.

Ông Mike Rogers nhận định: “Đã đến lúc chuyển các lực lượng hiện tại của Hoa Kỳ ở châu Âu sang các quốc gia đang đầu tư nhiều nhất vào an ninh…Đó là lý do tại sao tôi đưa Mục 1075 vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng của năm tài chính này—để buộc Lầu Năm Góc xem xét việc di chuyển các lực lượng Hoa Kỳ ra khỏi “Châu Âu Cũ” và sang “Châu Âu Mới”.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Mỹ sử dụng “đòn hiểm” với Nga

    Chiến sự Nga - Ukraine: Mỹ sử dụng “đòn hiểm” với Nga

    04:30, 13/05/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Nhân tố mới bất ngờ thay đổi cục diện

    Chiến sự Nga - Ukraine: Nhân tố mới bất ngờ thay đổi cục diện

    04:00, 13/05/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Vì sao Mỹ chưa viện trợ máy bay F16 cho Ukraine?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Vì sao Mỹ chưa viện trợ máy bay F16 cho Ukraine?

    03:00, 12/05/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: NATO thật sự cần Ukraine?

    Chiến sự Nga - Ukraine: NATO thật sự cần Ukraine?

    04:30, 12/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến sự Nga – Ukraine: NATO phát hiện “trụ cột” mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO