Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga có vẻ như một cơ hội tốt đối với Iran lấp đầy khoảng trống thị trường cho Nga. Tuy nhiên, quan hệ đối tác này khó bền vững.
>> Tới thăm Iran, ông Putin muốn dựng lại "vây cánh"?
Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây liên tục giáng các đòn trừng phạt nặng nề vào Nga do tiến hành chiến sự tại Ukraine, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga “bắt tay” Iran không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn trong lĩnh vực năng lượng.
Còn nhớ cách đây vài tháng trước, Nga và Iran có thể được coi là đối thủ hơn là đối tác. Gần như ngay khi xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu gặp vấn đề do chiến sự Nga- Ukraine, chính quyền Iran cho biết họ xem xét khả năng can thiệp để bù đắp thâm hụt cho thị trường Châu Âu.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận chuyển khí đốt từ Iran đến Châu Âu khó được thực hiện trong tương lai gần. Bởi Châu Âu và Hoa Kỳ đã dành ba thập kỷ qua để cô lập một cách có hệ thống Tehran khỏi bất kỳ dự án năng lượng quốc tế lớn nào, họ ưu tiên các đối thủ có vẻ đáng tin cậy hơn như Nga và Qatar hơn là Iran.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ ngăn chặn việc xuất khẩu công nghệ khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) sang Iran và việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt sang Châu Âu được coi như “dấu chấm hết” cho cơ hội cung cấp khí đốt của Iran sang Châu Âu. Do đó, Iran đã tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu khí đốt của riêng mình, và chủ yếu xuất khẩu khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Iran có thể khó được gỡ bỏ, vì chúng có liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và các cuộc đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận hạt nhân đã đi vào ngõ cụt. Ngay cả khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran cũng phải mất nhiều năm để xây dựng các cảng LNG, chưa kể đến các đường ống.
Về mặt kỹ thuật, các biện pháp trừng phạt nói trên có thể được Iran lách bằng cách xuất khẩu khí đốt sang Oman, nơi có công suất LNG dự phòng. Sau đó, các nhà nhập khẩu châu Âu có thể ký một thỏa thuận mua khí đốt của Oman. Tuy nhiên, kế hoạch đó sẽ cần khoảng 400 km đường ống, nên có thể sẽ mất ít nhất hai năm để xây dựng.
Trong những trường hợp này, Nga có vẻ như là một đối tác đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp khí đốt của Iran. Trước đây, Nga đã bày tỏ sự quan tâm đến việc Gazprom- tập đoàn dầu khí của Nga, mở văn phòng tại Tehran, nhưng điều đó chỉ mang tính biểu tượng. Bởi vì, Gazprom không muốn đi nước cờ mạo hiểm này do lo ngại phát triển quan hệ với Iran sẽ bị trừng phạt.
Tuy nhiên giờ đây, Nga không còn lo sợ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Vào tháng 7 vừa qua, Công ty Dầu khí Quốc gia Iran và Gazprom đã ký bản ghi nhớ trị giá 40 tỷ USD, và đến tháng 11, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Mehdi Safari cho biết 6,5 tỷ USD trong số tiền đó đã được ký kết thành các hợp đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dầu khí quốc tế đã bày tỏ nghi ngờ tính khả thi về việc Nga sẽ giúp Iran phát triển các dự án South Pars và Kish do loại ống được yêu cầu không được sản xuất ở cả hai quốc gia và cũng không thể được nhập khẩu từ Châu Âu hoặc Nhật Bản do các lệnh trừng phạt.
Ngoài ra, Iran cũng có kế hoạch xây dựng các kho cảng LNG của riêng mình với sự giúp đỡ của Nga, nhưng điều đó cũng sẽ không dễ dàng. Bởi cả Nga và Iran đều chưa xây dựng một kho cảng LNG hoạt động đầy đủ của riêng mình và do bị cô lập về công nghệ, họ sẽ gặp khó khăn trong việc làm như vậy.
>> Nga "bắt tay" Iran đối phó Ukraine
Có vẻ như đối với Iran, nỗ lực cô lập Nga của phương Tây là một cơ hội tốt để lấp đầy khoảng trống thị trường LNG. Nhưng thật khó để Tehran có thể cạnh tranh với Moscow về giá cả, vì việc cung cấp khí đốt của Nga cho EU giảm dần, các nhà sản xuất Nga sẵn sàng đưa ra các mức chiết khấu lớn.
Với các đường ống dẫn khí đốt đến Thổ Nhĩ Kỳ từ cả Iran và Nga, sự cạnh tranh cũng sẽ nóng lên đối với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay từ tháng 5 vừa qua, người đứng đầu Liên minh các nhà xuất khẩu dầu, khí đốt và sản phẩm hóa dầu của Iran, SEYD Hamid Hosseini, đã phàn nàn rằng việc bán phá giá của Nga đã khiến giá khí đốt giảm trên toàn khu vực. Ngay cả những thị trường xa xôi như Afghanistan cũng đang yêu cầu Tehran giảm giá đáng kể.
Ngành công nghiệp khí đốt của Iran đã phải đối mặt với những khó khăn lớn. Iran có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Nga. Tuy nhiên, vào năm 2021, Tehran chỉ xuất khẩu 17 tỷ m3 khối khí đốt, so với 241 tỷ m3 của Moscow.
Ngành công nghiệp khí đốt của Iran đang thua lỗ do quản lý kém hiệu quả, thiếu công nghệ, vấn đề nhân sự và trợ cấp giá cho người Iran. Thu nhập từ bán khí đốt trong nước thậm chí không đủ chi phí xây dựng mạng lưới phân phối khí đốt.
Việc Iran tự thoát ra khỏi vũng lầy khí đốt không thực sự có lợi cho Nga. Nhưng đầu tư nước ngoài có thể biến đổi ngành công nghiệp khí đốt của Iran chỉ trong vài năm ngắn ngủi. Và chừng nào Châu Âu không thể đầu tư vào Iran vì các lệnh trừng phạt, Nga sẽ cố gắng tận dụng lợi thế đó và giành được một số đòn bẩy ảnh hưởng đối với lĩnh vực khí đốt của Iran - không chỉ về mặt sản xuất khí đốt mà còn về việc tạo ra các tuyến đường mới phục vụ cho xuất khẩu của Nga.
Tuy nhiên, trong kế hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí đốt của Nga, tiềm năng hợp tác có lợi cho Iran là đáng nghi ngờ. Khoản đầu tư trị giá 40 tỷ USD được công bố là điều đáng kinh ngạc và trái ngược với tình trạng tồi tệ của nền kinh tế của cả hai nước, đặc biệt là do thiếu sự đảm bảo rằng nhiều dự án sẽ mang lại lợi nhuận. Đó là chưa kể, với sự thiếu tin tưởng vào Nga trong lịch sử của giới tinh hoa chính trị Iran, liên minh này khó có thể tồn tại nếu quan hệ giữa Iran và phương Tây bắt đầu tan băng.
Chính phủ Nga đang mong đợi sự hợp tác với quốc gia nắm giữ trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới khác để giúp Nga có thêm một cách gây áp lực lên thị trường năng lượng thế giới. Nhưng do nhà nhập khẩu khí đốt chính của thế giới là EU vẫn đang tích cực đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với cả Nga và Iran, nên cơ hội thành công của liên minh Nga- Iran có vẻ rất mong manh.
Có thể bạn quan tâm
Đường vòng của khí đốt Nga đến châu Âu
03:00, 18/09/2022
"Nóng" cuộc chạy đua khí đốt toàn cầu
15:54, 25/08/2022
Thiếu hụt khí đốt, Châu Âu đứng trước bờ vực suy thoái kinh tế
04:30, 02/08/2022
Cuộc chiến khí đốt Nga- EU: Châu Âu sẽ vượt qua thử thách?
05:00, 29/07/2022
Nga "vũ khí hóa" khí đốt, EU xoay xở ra sao?
04:30, 27/07/2022