Chiến sự Nga- Ukraine: Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân

NHI NGUYỄN 24/11/2022 04:30

Chiến sự Nga - Ukraine được cho là đã làm dấy lên sự lo ngại về trật tự hạt nhân toàn cầu, khiến cuộc chạy đua hạt nhân nóng bỏng hơn.

Vũ khí hạt nhân là trung tâm trong chiến lược quân sự của Nga. Ảnh minh họa: Sputnik

Vũ khí hạt nhân là trung tâm trong chiến lược quân sự của Nga. Ảnh minh họa: Sputnik

>> Chiến sự Nga - Ukraine: Mối đe dọa hạt nhân từ Nga

Theo nhiều nhà phân tích, việc Nga vi phạm những đảm bảo cho Ukraine và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến sự Nga- Ukraine đã gửi tín hiệu mạnh mẽ tới các quốc gia phi hạt nhân: hãy sở hữu vũ khí hạt nhân. Như Michael O'Hanlon và Bruce Riedel của Viện Brookings đã lập luận, nếu Washington không giúp Ukraine tự vệ và toàn vẹn lãnh thổ, dự đoán của cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy rằng thế giới có thể chứng kiến tới 25 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể chỉ là quá sớm, chứ không hề sai.

Những mối quan tâm này còn được chia sẻ tại một cuộc họp của các bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân vào tháng 8 vừa qua, khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng chiến sự Nga - Ukraine đã gửi "thông điệp tồi tệ nhất có thể" tới bất kỳ quốc gia nào xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân vì an ninh quốc gia.

Có những lý do chính đáng để quan ngại về tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân, đặc biệt là giữa các đồng minh và đối tác của Washington. Mối quan hệ căng thẳng giữa các cường quốc đã khiến việc hợp tác về không phổ biến vũ khí hạt nhân trở nên khó khăn hơn nhiều. Những thách thức này có trước cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhưng chiến sự Nga- Ukraine có thể mang đến cho Mỹ cơ hội để ngăn chặn hoặc ít nhất là cải thiện một số xu hướng phổ biến vũ khí hạt nhân đáng lo ngại nhất.

Phần lớn các đồng minh phi hạt nhân của Mỹ muốn duy trì dưới “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ, ngay cả khi một số nước đã theo đuổi cái gọi là chiến lược phòng ngừa liên quan đến phát triển năng lực hạt nhân dân sự mà một ngày nào đó có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Ông Eric Brewer, cựu quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng  có 4 lý do để lo ngại cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Thứ nhất, dù các mối đe dọa hạt nhân của Nga rõ ràng, nhưng đây không phải là lần đầu tiên một cường quốc hạt nhân đe dọa một quốc gia tương đối yếu, cũng không phải lần đầu tiên một quốc gia phải đối mặt với một cuộc tấn công sống còn sau khi từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Và chưa có tiền lệ cho các quốc gia tìm kiếm vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, con đường dẫn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân đầy rẫy những trở ngại và rủi ro, nhưng nhiều quốc gia sẽ hướng tới mục tiêu này vì an ninh quốc gia.

Thứ ba, việc Nga vi phạm các đảm bảo an ninh đối với Ukraine và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đã phá hoại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vốn đã căng thẳng. 

Trên thực tế, nguy cơ các đồng minh và đối tác của Mỹ theo đuổi vũ khí hạt nhân là có thật, thậm chí có trước chiến sự Nga- Ukraine. Tuy nhiên, việc vội vã sở hữu vũ khí hạt nhân sau chiến sự này có thể sẽ mang đến những rủi ro đáng kể, có thể khiêu khích đối thủ, kích hoạt các lệnh trừng phạt kinh tế và khiến Mỹ rút lại các đảm bảo an ninh. Do đó, các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ có nhiều khả năng tìm kiếm một chiến lược được gọi là “phòng ngừa rủi ro” hơn.

Một số quốc gia dường như đang theo đuổi chiến lược này. Ví dụ, ở Hàn Quốc, hơn 70% công chúng và ngày càng có nhiều chuyên gia an ninh quốc gia ủng hộ việc phát triển vũ khí hạt nhân bản địa. Trong các cuộc đàm phán với Washington, Seoul từ lâu đã thúc đẩy khả năng làm giàu và tái chế nhiên liệu hạt nhân. Năm ngoái, Hàn Quốc cũng đã loại bỏ các giới hạn đối với chương trình tên lửa thông thường, cho phép phát triển các tên lửa tầm xa hơn, tinh vi hơn, tìm cách hội nhập nhiều hơn với kế hoạch hạt nhân của Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng, sau chiến sự Nga- Ukraine, các đồng minh và đối tác của Mỹ nhiều khả năng sẽ tìm kiếm sự bảo vệ từ quốc gia này hơn là nắm lấy vũ khí hạt nhân. Washington nên tận dụng mong muốn này để quản lý rủi ro phổ biến vũ khí hạt nhân.

>> Cuộc chiến Nga - Ukraine: Ngăn chặn nguy cơ hạt nhân trước khi quá muộn

Cái gọi là quan hệ đối tác AUKUS giữa Úc, Anh và Mỹ đưa ra một ví dụ khác về cách Washington có thể củng cố các liên minh, củng cố các năng lực thông thường của đồng minh và tạo tiền lệ không phổ biến vũ khí hạt nhân tích cực trong quá trình này.

Tuy nhiên, ông Eric Brewer cho rằng việc tạo ra các khuyến khích cho việc không phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua các đảm bảo an ninh là rất khó và tiềm ẩn rủi ro. May mắn thay, Mỹ có thể củng cố cách tiếp cận này bằng một cách khác: hỗ trợ hạt nhân dân sự. Washington có thể đặt giới hạn cho các chương trình hạt nhân dân sự của các nước đối tác, đảm bảo rằng công nghệ này không được sử dụng cho vũ khí hạt nhân. Và nếu một đồng minh bắt đầu chương trình vũ khí bí mật, Mỹ có thể đe dọa chấm dứt hỗ trợ hạt nhân dân sự.

Ông Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng

Ông Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga đã nhiều lần cảnh báo việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine vi phạm "lằn ranh đỏ" của Nga.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chiến sự Nga- Ukraine đã tạo cơ hội cho Mỹ loại bỏ sự thống trị của Nga trên thị trường hạt nhân. Những nguy cơ phụ thuộc vào năng lượng của Nga đã khiến một số quốc gia đặt các dự án hạt nhân dân sự trở lại bàn đàm phán. Mỹ đã nhanh chóng nắm bắt những cơ hội này, đổ thêm nguồn lực vào nỗ lực tăng cường sản xuất nhiên liệu hạt nhân, phát triển các lò phản ứng tiên tiến và nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu hạt nhân.

Chỉ trong 6 tháng qua, Romania đã công bố một thỏa thuận sơ bộ cho công ty NuScale Power có trụ sở tại Oregon xây dựng một loại nhà máy điện hạt nhân mới. Thụy Điển cũng đã ký một thỏa thuận với Westinghouse có trụ sở tại Pittsburgh và công ty Framatome của Pháp để thay thế nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân của Nga. Ukraine đã thuê Westinghouse để giúp nước này chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga. Hay như Ba Lan đã chọn Westinghouse để phát triển nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của đất nước. Trong khi đó, Phần Lan đã từ bỏ thỏa thuận với doanh nghiệp nhà nước Rosatom của Nga để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Nói cách khác, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã đặt Mỹ vào vị trí hàng đầu để cung cấp công nghệ hạt nhân dân sự trên toàn thế giới.

Ông Eric Brewer cho rằng Mỹ có thể thành công trong việc phục hồi hoạt động xuất khẩu hạt nhân dân sự của mình hay không sẽ phụ thuộc vào việc nước này có sẵn sàng duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ cho các công ty hạt nhân của Mỹ trước sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nhà nước của Nga và Trung Quốc hay không. Một số quốc gia, bao gồm cả các thành viên NATO, như Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, vẫn phải phụ thuộc hạt nhân của Nga. Bằng cách khôi phục khả năng cung cấp cho các đồng minh và đối tác công nghệ hạt nhân dân sự, Washington có thể có được một công cụ mạnh mẽ để đối trọng với Moscow và Bắc Kinh; đồng thời củng cố các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Mỹ đã thay đổi các chiến lược ngoại giao, kinh tế và quân sự của mình để phù hợp với mục tiêu bao trùm là cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Đã đến lúc Washington phải làm điều tương tự đối với chiến lược không phổ biến vũ khí hạt nhân của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Khó khai hỏa vũ khí hạt nhân

    Chiến sự Nga - Ukraine: Khó khai hỏa vũ khí hạt nhân

    04:30, 30/09/2022

  • Hiểm họa khó lường từ chạy đua vũ khí hạt nhân

    Hiểm họa khó lường từ chạy đua vũ khí hạt nhân

    04:30, 11/08/2022

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine?

    Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine?

    03:59, 08/07/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine và mối nguy vũ khí hạt nhân

    Chiến sự Nga - Ukraine và mối nguy vũ khí hạt nhân

    05:10, 14/06/2022

  • "Nóng" cuộc đua vũ khí hạt nhân

    03:20, 14/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến sự Nga- Ukraine: Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO