Nguy cơ hạt nhân tại chiến trường Ukraine, hay năng lực gia tăng của các cường quốc mới nổi, dường như đang đẩy những nỗ lực kiểm soát vũ khí chiến lược truyền thống đi vào dĩ vãng.
Thứ nhất, mối quan tâm đến nguy cơ an ninh hạt nhân và các hiệp ước liên quan đã không còn như xưa. Tác động hạn chế xung quanh tuyên bố ngừng hiệp ước NEW START của Nga là một ví dụ.
Nếu như ở thời hậu Chiến tranh Lạnh, việc Nga thông báo đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân (START) với Mỹ chắc chắn sẽ gây rung động dư luận thế giới. Các lãnh đạo Mỹ sẽ đặt đất nước trong tình trạng báo động, ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân vào tư thế sẵn sàng, nhu cầu hàng hóa dữ trự sẽ tăng vọt.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: "Vết nứt" âm ỉ trong liên minh Mỹ- Ukraine
Nhưng ở thời hiện tại, tuyên bố này không có nhiều ảnh hưởng. Nền kinh tế Mỹ gần như không phản ứng, trong khi nhiều người dân Mỹ còn không có khái niệm về cái gọi là hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới này.
Hơn 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mối đe dọa hủy diệt hạt nhân không còn chỗ đứng trong danh sách những nỗi lo lớn nhất của người Mỹ. Suốt một thời gian dài sau ngày 11/9, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu là mối đe dọa cấp bách nhất. Đến nay, các cuộc tấn công mạng đứng đầu danh sách, tiếp theo là thông tin sai lệch, Trung Quốc, Nga, nền kinh tế toàn cầu, các bệnh truyền nhiễm và biến đổi khí hậu, theo một cuộc khảo sát năm 2022 của Trung tâm nghiên cứu Pew.
Trên thực tế, một cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa đã bắt đầu từ năm 2002. Nhưng hơn 20 năm qua, thế giới lại không chứng kiến một hiệp ước nào quy định về các hoạt động này.
Thứ hai, các hiệp ước kiểm soát vũ khí truyền thống không ngăn cản các cường quốc xây dựng và mở rộng năng lực hạt nhân.
Hiệp ước START hay NEW START từng được coi là giải pháp hiệu quả để ràng buộc hai cường quốc hạt nhân lớn nhất mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Nhưng nó đã bộc lộ những vấn đề trong chiến tranh hiện đại, như không giới hạn các vũ khí hạt nhân chiến thuật – một phương án tấn công mà Nga cảnh báo tại chiến trường Ukraine.
Hay như Hiệp ước về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của Liên Hợp Quốc từ năm 1970 được xem là văn kiện có quy mô lớn nhất, với 191 quốc gia thành viên tính đến tháng 6/2018. Tuy nhiên, việc thiếu tính ràng buộc khiến hiệp ước này dần mất đi tầm ảnh hưởng. Ấn Độ và Pakistan, hay Israel không tham gia NPT. Năm 2003, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước NPT. Hay Iran, vốn là một thành viên NPT, vẫn thường xuyên bị Mỹ chỉ trích vì nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong một thế giới đa cực và phức tạp, sẽ không có nhiều quốc gia chấp nhận một hiệp ước tương tự để trói buộc mình. Sau NPT, các sáng kiến như Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) đều không nhận được nhiều sự đồng thuận và dần chìm vào quên lãng.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine trước nguy cơ thiếu hụt đạn pháo
Sự thoái trào của các hiệp ước hạt nhân sẽ càng trở nên nghiêm trọng sau chiến sự Nga – Ukraine. Đã có sự nuối tiếc lớn trong chính quyền Kiev xung quanh việc nước này từ bỏ kho vũ khí hạt nhân hậu Liên Xô để đổi lấy sự bảo trợ an ninh từ Mỹ và Nga năm 1994.
Biên bản ghi nhớ Budapest ngày ngày 5/12/1994 được ký kết giữa Mỹ, Nga, Ukraine, Anh cam kết “kiềm chế bất kỳ mối đe dọa hoặc động thái sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine". Đổi lại, Ukraine có nghĩa vụ chuyển giao kho vũ khí lớn thứ ba thế giới, khoảng 3.000 khí tài hạt nhân chiến lược, cho Nga.
Thế nhưng, vào năm 2014, Tổng thống Nga V.Putin đã tuyên bố xóa bỏ Bản ghi nhớ Budapest khi sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, với quan điểm “một nhà nước mới (ở Ukraine) đã nổi lên, và chúng tôi không ký bất kỳ văn bản bắt buộc nào với nhà nước này”.
Bài học "tấm khiên" hạt nhân đã được áp dụng tại Bắc Triều Tiên. Hay Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển năng lực hạt nhân của mình, đồng thời bác bỏ khả năng tham gia bất cứ thỏa thuận ràng buộc nào liên quan đến vũ khí hạt nhân của mình, kể cả các loại tên lửa tầm ngắn và trung. Theo các chuyên gia, với tốc độ phát triển như hiện nay, Trung Quốc sẽ sớm trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới.
Các hiệp ước thiếu tính ràng buộc, cũng như bài học của Ukraine khi không có một loại vũ khí chiến lược để răn đe, có thể khuyến khích các quốc gia nhỏ hơn xem xét lại chiến lược hạt nhân của mình. Và rõ ràng đây là một xu hướng tiềm ẩn nguy cơ lớn cho hòa bình của nhân loại.
Có thể bạn quan tâm
Điều gì sẽ “thôi thúc” Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga?
03:30, 12/03/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Thực hư Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga?
04:00, 24/02/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: "Báo động đỏ" thiếu hụt vũ khí ở Ukraine
03:30, 15/02/2023
Vụ khinh khí cầu "hé lộ" chương trình bí mật của Trung Quốc
03:30, 12/02/2023