Trung Quốc hoàn toàn có đủ lý do để quyết định viện trợ khí tài và đạn dược cho Nga, phần lớn trong đó liên quan đến Mỹ. Tuy nhiên, nếu có hành động này, thì Trung Quốc cũng sẽ chịu hậu quả lớn.
Thời gian gần đây, Mỹ liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo Trung Quốc chuẩn bị gửi vũ khí đến hỗ trợ Nga trong chiến sự Nga- Ukraine. Theo các nguồn tin tình báo Mỹ, Bắc Kinh có thể đang cân nhắc hỗ trợ về khí tài, đạn dược và máy bay không người lái nhằm giúp Moscow đạt thắng lợi quyết định. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đã cảnh báo Trung Quốc một cách mạnh mẽ, rằng sự can dự sâu hơn vào chiến sự Nga- Ukraine sẽ vượt qua “ranh giới đỏ” và khiến tình hình leo thang.
>>"Rạn nứt" đằng sau quan hệ thân mật Nga - Trung
Dù chưa xác thực, nhưng Trung Quốc có thể đã thấy một số động lực để theo đuổi cách tiếp cận này.
Thứ nhất, Trung Quốc cần sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với Mỹ và đồng minh. Bấy lâu nay, Bắc Kinh vẫn duy trì một trạng thái trung lập trong chiến sự Nga- Ukraine. Một mặt, Bắc Kinh bày tỏ sự không hài lòng trong cách giải quyết vấn đề của Nga đối với Ukraine, nhưng các hành động của nước này đều nhằm hỗ trợ Moscow. Không chỉ thu mua dầu, tăng cường trao đổi hàng hóa - tiền tệ để giúp Nga có nguồn tài chính phục vụ cho cuộc chiến tranh, Trung Quốc còn đưa ra kế hoạch hòa bình 12 điểm chỉ tập trung vào chỉ trích phương Tây.
Thế nhưng, các lãnh đạo Bắc Kinh có thể mường tượng ra viễn cảnh đối đầu với Mỹ ngày càng quyết liệt hơn. Sau các chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ, Mỹ tiếp tục công kích Trung Quốc về các chương trình khinh khí cầu do thám, vấn đề Đài Loan, và gần đây nhất là cảnh báo Bắc Kinh về “ranh giới đỏ” trong chiến sự Nga – Ukraine.
Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đã nhận ra rằng quan điểm trung lập sẽ không còn phù hợp trong một cuộc đối đầu địa chính trị ngày càng quyết liệt hơn, và việc chọn bên là động thái cần thiết để giúp Nga nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột và hợp tác với Bắc Kinh chặt chẽ hơn trong cạnh tranh với Mỹ.
Hành động này mặc dù tiềm ẩn leo thang, nhưng nó sẽ gửi cho Mỹ và đồng minh một thông điệp: Bắc Kinh sẵn sàng trở thành một cường quốc tham gia vào việc định đoạt những vấn đề toàn cầu, thay vì ngồi yên chịu sự chỉ đạo của Mỹ.
Thứ hai, tình thế thiếu hụt trang bị của Nga có thể là một nguyên nhân. Chiến sự Nga- Ukraine kéo dài 1 năm nhưng đã tiêu tốn hàng trăm tỷ USD cho các bên liên quan. Phản ứng bất ngờ của Ukraine trên chiến trường nhờ các khí tài hiện đại của phương Tây đã khiến Moscow thiệt hại hàng nghìn trang thiết bị hiện đại nhất, bao gồm xe tăng, máy bay và các phương tiện vận tải.
Trong khi đó, lệnh cấm vận của phương Tây đang bóp nghẹt nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Chi phí và năng lực sản xuất ngày càng hạn chế đang khiến Moscow cạn kiệt nguồn đạn dược và vũ khí tương tự như phương Tây.
Nga đã cố gắng đảm bảo nguồn vũ khí và các hỗ trợ quân sự khác từ các nước như Bắc Triều Tiên hay Belarus, nhưng Trung Quốc có thể đóng vai trò là một nhà cung cấp quan trọng.
Hậu thuẫn quân sự sẽ giúp Bắc Kinh đạt được các cơ hội về tiền bạc, năng lượng và thương mại trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng đang gặp vấn đề. Ngoài ra, đây là cơ hội để Trung Quốc chứng tỏ với Nga rằng mối quan hệ của họ là “không giới hạn” – như lãnh đạo hai bên tuyên bố trong cuộc gặp trước khi xảy ra chiến sự Nga- Ukraine.
Thứ ba, bắn tín hiệu trong vấn đề Đài Loan. Một lý do khác có thể khiến Trung Quốc muốn Nga thành công ở Ukraine là các tranh cãi xung quanh vấn đề Đài Loan. Gần đây, Bắc Kinh và Washington thường xuyên chỉ trích lẫn nhau về các vấn đề mua bán vũ khí hay quản lý rủi ro tại vùng đảo này.
Nếu giúp Nga giành lợi thế tại Ukraine, tín hiệu của giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra là họ sẵn sàng làm mọi thứ nếu bất kỳ vùng lãnh thổ nào có kế hoạch vượt ra khỏi vòng kiểm soát của Bắc Kinh.
>>"Ẩn số" đằng sau mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn của Trung Quốc
Dù vậy, các lo ngại về hoạt động cấp vũ trang cho Nga của Trung Quốc vẫn chưa có bằng chứng cụ thể. Trung Quốc phải tính toán các chi phí chiến lược cho hành động này, khi Washington và Brussels cho thấy họ sẽ không khoan nhượng cho các hành động can dự sâu hơn của Bắc Kinh vào chiến sự Nga- Ukraine.
Mỹ đã tuyên bố sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt Bắc Kinh tương tự như với các nước hậu thuẫn Nga trong chiến sự Nga- Ukraine. Đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng công khai cảnh báo Trung Quốc rằng sẽ có “hậu quả” nếu can dự vào chiến sự Nga- Ukraine, như loại bỏ Huawei và ZTE của Trung Quốc trong các chương trình 5G của nước này. Hay Hà Lan tuyên bố có thể cấm Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ in bán dẫn hiện đại nhất thế giới của nước này.
Vì vậy, động thái leo thang có thể đẩy lãnh đạo Bắc Kinh vào thế khó trong lúc nước này đang tìm kiếm các hợp tác rộng lớn hơn cho tương lai. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự can thiệp của các cường quốc vào xung đột diễn ra khi lợi ích của họ có thể bị ảnh hưởng hoặc khi họ có thể tạo ra sự khác biệt. Trung Quốc dường như có đủ các yếu tố này, vấn đề là họ đã sẵn sàng hay chưa.
Có thể bạn quan tâm