Cuộc tổng tuyển cử của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 14/5 sắp tới. Đây có thể là một bước ngoặt đối với an ninh ở châu Âu nói chung và chiến sự Nga – Ukraine nói riêng.
Trong cuộc tổng tuyển cử nói trên, đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ đối đầu với ông Kemal Kilicdaroglu, người được mệnh danh là “Gandhi của Thổ Nhĩ Kỳ”. Nếu giành chiến thắng, ông Erdogan sẽ tiếp tục có cơ hội đặt dấu ấn sâu đậm hơn nữa trong đường lối đối ngoại trung lập cứng rắn trong các vấn đề an ninh cốt lõi của châu Âu, đặc biệt là chiến sự Nga – Ukraine. Mặt khác, nếu đối thủ của ông giành chiến thắng, đây có thể sẽ là bước ngoặt mà Mỹ và đồng minh mong muốn.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có nhà lãnh đạo mới, NATO và Mỹ sẽ có lý do để vui mừng. Bở đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) đối lập đã cam kết sẽ tiến xa hơn và chấm dứt quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Thụy Điển trong quá trình xin gia nhập khối liên minh quân sự.
>>Hội nghị Ngoại trưởng G7: "Hé lộ" quan ngại của Ukraine
Đại diện của đảng này từng tuyên bố nếu họ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới, Thụy Điển có thể được gia nhập NATO ngay tháng 7 tới đây, khi khối NATO tổ chức cuộc họp thường niên.
Bấy lâu nay, chính quyền ông Erdogan bất đồng sâu sắc với Thụy Điển khi nước này ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd (PKK) – vốn bị Ankara cáo buộc đứng đằng sau các vụ lật đổ chính quyền.
Thụy Điển đã tiếp nhận khoảng 100.000 người Kurd, trong đó có những thành viên phe đối lập bị chính phủ của ông Erdogan truy lùng. Quan hệ giữa hai bên tồi tệ đến mức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từng gọi Thụy Điển là “nơi các tổ chức khủng bố làm tổ”.
Với NATO, việc kết nạp thêm Thụy Điển sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh của khối liên minh quân sự – vốn đang đối mặt với những nguy cơ như năng lực sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, hay thiếu vũ khí để trang bị cho Ukraine.
Là một quốc gia phát triển, nước này đã gia tăng đáng kể năng lực quân sự kể từ sau khi Nga xung đột với Ukraine. Stockholm mới đây đã khôi phục lệnh nhập ngũ và cải tổ lại lực lượng quân đội, với nòng cốt là hải quân và không quân công nghệ cao. Dù giữ vị thế trung lập nhiều năm nay, nền công nghiệp quốc phòng của Thụy Điển cũng rất phát triển, điển hình như tự chế tạo được máy bay chiến đấu.
Một yếu tố khác mà NATO cũng sẽ quan tâm, đó là thái độ của đảng CHP đối với Nga trong xung đột với Ukraine. Ông Ünal Çeviköz, Trưởng cố vấn chính sách đối ngoại của ông Kemal Kilicdaroglu, nói rằng dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò trung gian hòa giải và gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, nhưng sẽ gây căng thẳng hơn đối với Nga với tư cách thành viên NATO.
“Chúng tôi chỉ nhấn mạnh thực tế rằng Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và trong các cuộc thảo luận với Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ tìm kiếm mối quan hệ bình đẳng, nhưng chúng tôi cũng sẽ nhắc nhở Nga rằng Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO,” ông Çeviköz nói.
Theo ông Ülgen Çeviköz, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã bị chi phối rất nhiều bởi mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Erdoğan. Đó là một lý do thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ duy trì đường lối cân bằng của mình với xung đột Nga - Ukraine.
Ankara vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, đáng kể nhất là máy bay không người lái Bayraktar gây nhiều khó khăn cho quân đội Nga. Nhưng mặt khác, Tổng thống Erdogan từ chối trừng phạt Moscow theo phương Tây để tranh thủ thu nhận lượng lớn dầu mỏ giá rẻ từ Moscow.
Một Thổ Nhĩ Kỳ thân phương Tây hơn có thể sẽ khiến cục diện chiến sự Nga- Ukraine thay đổi theo hướng có lợi cho Mỹ và phương Tây, khi Ankara đang kiểm soát một phần lớn Biển Đen cùng với Nga. Một khi NATO có thể tiếp cận Biển Đen nhiều hơn, năng lực tiếp ứng cho chiến trường từ hướng phía Nam của Nga vào chiến trường sẽ đối mặt nguy cơ lớn.
Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan luôn gây ra những “cơn đau đầu” cho Mỹ.
Từng có quan hệ thân thiết với Washington, nhưng mối quan hệ song phương trở nên xấu đi nghiêm trọng vào năm 2019, khi Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất. Đáp lại, Mỹ đã loại Ankara khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 và trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
Thậm chí, ông Erdogan từng giận dữ trước cuộc gặp mới đây giữa Kilicdaroglu và Đại sứ Hoa Kỳ tại Ankara, Jeff Flake, gọi đây là hành vi can thiệp của Mỹ vào cuộc bầu cử. Ông tuyên bố “cần dạy cho Hoa Kỳ một bài học trong cuộc bầu cử này”, đồng thời “cấm cửa” với đặc phái viên Hoa Kỳ.
>>4 sự thật “chấn động” về chiến sự Nga – Ukraine
Nếu ông Kilicdaroglu trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiệm kỳ tới, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ nối lại quan hệ gần gũi hơn với Washington. Ngay trong các chương trình vận động, đảng CHP đã nêu rõ mong muốn được quay trở lại chương trình F-35 với Mỹ. Dù vậy, một chính phủ mới cũng không đồng nghĩa với mọi chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảo chiều.
Ông Wolfango Piccoli, nhà sáng lập công ty phân tích rủi ro Teneo, lập luận rằng tâm lý bài phương Tây ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rất mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực chính trị, và kể cả đảng mới lên cầm quyền, thái độ đó sẽ không thể thay đổi lập tức.
Thậm chí, từ phía châu Âu - đặc biệt là Pháp và Áo - cũng còn nhiều nghi ngại với Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp dưới chính quyền nào đi nữa. Như Sinan Ülgen, một thành viên cấp cao của Viện Carnegie Châu Âu, nhận định: “Rõ ràng có sự xói mòn lòng tin nghiêm trọng đã xảy ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước châu Âu”.
Có thể bạn quan tâm