Dù được giới chuyên gia kỳ vọng, nhưng thực tế chiến trường đang hé lộ những thách thức lớn cho chiến dịch phản công của Ukraine.
Không ai tỏ ra sốt sắng hơn người Ukraine trong cuộc phản công lại Nga nhằm giành lại các vùng đất bị chiếm đóng sau hơn 1 năm chiến sự. Nhiều chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng vào chiến dịch này, lập luận rằng cuộc phản công này sẽ mang ý nghĩa quyết định cho tương lai chiến sự Nga- Ukraine, và Ukraine cần phải giành một chiến thắng, dù ít ỏi, để duy trì được sự hậu thuẫn của phương Tây.
Thế nhưng, thực tế cho thấy "nói dễ hơn làm", bởi trước mắt Tổng thống Zelensky là một "núi" những khó khăn.
Ngày 12/4 vừa qua, tình báo quốc phòng Anh cho biết Nga đã hoàn thành việc xây dựng ba lớp phòng thủ dọc theo 120km tiền tuyến ở tỉnh Zaporizhia để ngăn chặn một cuộc tấn công của Ukraine theo hướng nhắm vào Melitopol. Đây được đánh giá có thể là hướng tấn công chủ lực của Ukraine nhằm cắt đứt kết nối trên đất liền của Nga, giữa vùng Donbass và Crimea.
>>Ukraine sốt sắng muốn "tiếp bước" Phần Lan gia nhập NATO
Khu vực phòng thủ này bao gồm một tiền tuyến với các cứ điểm chiến đấu phía trước và hai khu vực nữa với các chướng ngại vật gần như liên tục và phức tạp hơn. Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các tuyến phòng thủ phía sau được cho là nằm cách tiền tuyến khoảng 10-20 km.
Theo đánh giá của quân đội Anh, hệ thống phòng thủ của Nga “có thể gây ra những chướng ngại đáng kể, nhưng hiệu quả của chúng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào việc Nga có đủ đủ pháo binh và nhân sự hay không”.
Kể từ khi Nga chiếm đóng các khu vực rộng lớn của Zaporizhzhia trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, tiền tuyến này là một trong những khu vực ít giao tranh nhất. Một phần bởi địa hình nơi đây là những cánh đồng rộng lớn, bằng phẳng gây rất nhiều khó khăn cho phe tấn công.
Căn cứ vào những tài liệu bị lộ lọt, lực lượng tấn công của Ukraine dường như đang mỏng hơn những gì họ mong đợt.
Đội hình phản công của Ukraine ước tính từ 10-18 lữ đoàn, với 9 trong số đó đã được các đồng minh phương Tây trang bị và cung cấp. Mỗi lữ đoàn sẽ có khoảng vài nghìn binh sĩ. Đáng kể nhất trong số này là các lữ đoàn do NATO cung cấp, bao gồm hơn 200 xe tăng, 800 xe bọc thép khác và 150 khẩu pháo dã chiến. Đó là một lực lượng lớn nhưng đáng buồn, một số điểm yếu của chúng cũng đã được công khai.
Thứ nhất, phần lớn các phương tiện có ít hoặc không có lớp giáp, theo các tài liệu tiết lộ. Đây rõ ràng là vấn đề lớn mà Ukraine phải giải quyết trước khi đưa quân ra chiến trường. Địa hình bằng phẳng của tiền tuyến có thể khiến đội hình phản công của Ukraine trở thành mồi ngon cho lực lượng phòng thủ của Moscow.
Tiếp đến, số lượng pháo tương đối khiêm tốn, điển hình như lữ đoàn 21 dường như chỉ có 10 khẩu. Số lượng hạn chế khiến Kiev phải dàn mỏng hỏa lực ra nhiều đơn vị, ảnh hưởng đến khả năng phá vỡ các phòng tuyến hiểm hóc của Nga.
Sau vụ rò rỉ thông tin, Ukraine có thể thay đổi thứ tự chiến đấu để đối phó. Nhưng vấn đề là họ không thể giải tán và tái lập các lữ đoàn vốn đã được huấn luyện và chuẩn bị cùng nhau trong nhiều tháng.
Vụ rò rỉ tai hại của Mỹ đã khiến Ukraine mất đi một lợi thế vô cùng quan trọng trong chiến tranh – tính bất ngờ. Nắm được sự chuẩn bị của đối phương, Nga có thể tập trung lực lượng vào các cứ điểm cụ thể có khả năng bị tấn công và điều này sẽ phá vỡ hoàn toàn kế hoạch tác chiến của Kiev bấy lâu nay.
Một giải pháp cho Ukraine, theo chuyên gia Mick Ryan, một thiếu tướng người Úc đã nghỉ hưu, đó là thực hiện nhiều cuộc tấn công giả. “Điều đó cũng có thể có nghĩa là chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cuộc tấn công nhỏ hơn là một vài cuộc tấn công lớn, chỉ để gây nhầm lẫn cho quá trình nhắm mục tiêu của Nga và đánh lừa họ về nỗ lực chính của Ukraine”, ông Ryan nói.
Ít nhất, Ukraine đã có một số kinh nghiệm về chiến lược này. Cuộc phản công đầu tiên vào mùa hè năm ngoái ở Kherson đã đánh lạc hướng quân Nga khỏi một cuộc tấn công bất ngờ ở Kharkiv ở phía đông.
>>Vụ rò rỉ tài liệu mật về Ukraine khơi dậy nỗi lo chiến tranh mạng
Thậm chí, kể cả khi vượt qua được các hàng rào phòng thủ kiên cố của Nga, Ukraine cũng sẽ gặp khó khăn trong việc bám trụ tại các cứ điểm đủ lâu để gửi thêm lực lượng tới. Kiev sẽ cần các hệ thống phòng không di động để ngăn chặn máy bay Nga, cũng như tìm cách để băng qua các bãi mìn hay mạng lưới chiến hào và công sự phía sau.
Mặc dù được kỳ vọng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng khả năng phản công thắng lợi của Ukraine đang hẹp đi trông thấy. Sẽ cần thêm thời gian để Kiev đánh giá lại và kêu gọi thêm sự hậu thuẫn từ Mỹ và phương Tây, và điều đó sẽ khiến thời điểm tiến hành cuộc phản công phải kéo dài hơn mong đợi.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine sẽ ra sao sau tổng tuyển cử của Thổ Nhĩ Kỳ?
03:30, 19/04/2023
Vụ rò rỉ tài liệu mật về Ukraine khơi dậy nỗi lo chiến tranh mạng
04:00, 12/04/2023
Ukraine sốt sắng muốn "tiếp bước" Phần Lan gia nhập NATO
03:00, 07/04/2023
Hội nghị Ngoại trưởng G7: "Hé lộ" quan ngại của Ukraine
04:00, 18/04/2023
4 sự thật “chấn động” về chiến sự Nga – Ukraine
04:00, 17/04/2023