Khác với những gì truyền thông được biết, những con số từ tập tài liệu mật bị rò rỉ của CIA đã hé lộ ra những sự thật gây chấn động về chiến sự Nga - Ukraine.
Trái với những tuyên bố về việc không can thiệp trực tiếp vào chiến sự Nga- Ukraine, các tin tức mật cho rằng NATO đã điều một số đơn vị đặc biệt đến chiến trường để hỗ trợ cho Ukraine.
>>Mỹ còn “lựa chọn” nào để kết thúc chiến sự Nga - Ukraine?
Thông tin có được cho thấy có một nhóm lực lượng đặc biệt gồm 97 người của châu Âu “đang hoạt động ở Ukraine”, ít nhất là vào ngày 23/3/2023. Trong đó, Vương quốc Anh chiếm ưu thế với 50 thành viên lực lượng đặc biệt. Nhóm này cũng bao gồm 14 người Mỹ, 17 người đến từ Latvia, 15 đến từ Pháp và 01 đến từ Hà Lan.
Thông tin rò rỉ không nêu rõ các hoạt động mà lực lượng này đang tiến hành cũng như vị trí của họ ở Ukraine. Các tài liệu cũng cho thấy Mỹ có tổng cộng khoảng 100 “nhân viên” ở nước này.
Nếu là sự thực, đây sẽ là tín hiệu nguy hiểm gửi tới Nga. Trước đó, NATO thường xuyên tuyên bố không can dự trực tiếp vào xung đột để tránh leo thang chiến tranh với Nga. Nhưng sự hiện diện của lực lượng quân sự này có thể là cái cớ để Nga có những động thái “mạnh tay” hơn với Ukraine.
Mỹ không phải là nhà tài trợ xe tăng lớn nhất
Có một điều đáng ngạc nhiên, dù Mỹ được cho là dẫn đầu liên minh hậu thuẫn Ukraine, nhưng nước này lại không phải là nhà cung cấp xe tăng lớn nhất cho Kiev.
Theo hồ sơ, Ba Lan và Slovenia lại là những quốc gia đóng góp xe tăng nhiều nhất cho Ukraine, với gần một nửa trong tổng số 200 chiếc đã tới chiến trường Ukraine tính đến thời điểm tài liệu mật bị tiết lộ. Pháp và Anh cũng là những nước đóng góp quan trọng, mỗi nước đã gửi 14 chiếc xe tăng cho Ukraine.
Đội hình xe tăng chiến đấu hiện đại Leopard 2 có sự tham gia của Đức, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Phần Lan. Nhưng Đức mới chỉ giao 4 chiếc, khác xa với tuyên bố sẽ gửi cho Kiev 18 chiếc hồi cuối tháng 3/2023. Thụy Điển cũng cam kết cung cấp 10 xe tăng “chưa xác định” cho Ukraine.
Trong khi đó, Hoa Kỳ sẽ gửi cho Ukraine 31 xe tăng hiện đại Abrams, nhưng Kiev sẽ phải đợi tới mùa thu năm nay. Điều này phần nào phản ánh thái độ thận trọng của chính quyền Biden đối với chiến sự Nga - Ukraine, đặc biệt là vào khả năng thành công của Kiev trước quân đội Nga dày dạn kinh nghiệm hơn.
Không chỉ ít về số lượng, Ukraine mới chỉ nhận được 31% trong số 200 chiếc xe tăng được cam kết gửi tới, theo tài liệu mật nói trên. Sự bàn giao chậm chạp này khiến cho ý đồ của phương Tây và Kiev trong tổ chức cuộc phản công mùa xuân 2023 đang trở nên xa vời.
Anh né tránh một cuộc chiến với Nga
Ít người biết rằng, một máy bay giám sát của Anh suýt chút nữa đã bị bắn hạ bởi máy bay Nga trên vùng Biển Đen vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, Anh đã “giảm nhẹ” mức độ nghiêm trọng của vụ việc này nhằm tránh leo thang căng thẳng với Nga.
Theo ghi chép từ tài liệu mật, máy bay chiến đấu của Nga đã bắn tên lửa nhắm vào chiếc RAF có người lái của Không quân Anh trên Biển Đen. Tuy nhiên, tên lửa đã đi trật mục tiêu và giúp cuộc xung đột không chuyển hướng thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn toàn châu Âu.
>>NATO "lục đục" nội bộ vì chiến sự Nga - Ukraine
Trước đó, các cơ quan chức năng Anh tuyên bố rằng máy bay chiến đấu của Nga đã “thả” một quả tên lửa “gần với” máy bay giám sát của Anh, nhưng không cho rằng đây là một sự cố lớn.
Ẩn số từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ
Với sự liên kết ngày càng chặt chẽ của mình với Nga, Hungary được giới chuyên gia dự báo sẽ là lực cản chính trong việc hỗ trợ quân sự của NATO cho Kiev. Nhưng trên thực tế, Budapest sẵn sàng để các đồng minh sử dụng không phận của mình trong trường hợp cần thiết.
Trong các thông tin mật của tình báo Mỹ, có bản chi tiết kế hoạch cho các phi công Ukraine sử dụng trực thăng “bay qua không phận Hungary” để vận chuyển vũ khí. Điều này mâu thuẫn với những tuyên bố của chính phủ ông Viktor Orban rằng việc vận chuyển vũ khí sẽ phải thực hiện trên mặt đất, hoặc bay qua không phận Ba Lan.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang đóng vai trò trung gian lớn hơn trong chiến sự Nga- Ukraine. Bất chấp những động thái hỗ trợ cho Ukraine như thúc đẩy hòa đàm, mở thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc đi qua Biển Đen hay cung cấp máy bay không người lái cho Kiev, Istanbul được giới tình báo Mỹ đánh giá đang đóng vai trò quan trọng giúp lưu thông hàng hóa Nga.
Theo mô tả của tài liệu mật, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hàng hóa bị trừng phạt và sau đó bán chúng ở các thị trường châu Âu. Ngược lại, các công ty này cũng bán lại hàng hóa từ châu Âu sang Nga.
Những thông tin rò rỉ đã hé lộ thực tế rằng, chiến sự Nga- Ukraine đang diễn biến rất phức tạp với nguy cơ leo thang chiến tranh luôn rình rập. Và điều này đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng tìm kiếm giải pháp tiến tới hòa bình từ các bên liên quan để tránh các "tính toán sai lầm" không thể cứu vãn.
Có thể bạn quan tâm