Chiến sự Nga - Ukraine: Ukraine "vỡ mộng" máy bay F16?

TRƯỜNG ĐẶNG 29/07/2023 04:00

Dù đã được Mỹ "bật đèn xanh", nhưng triển vọng Ukraine có được máy bay F-16 trong năm nay vẫn rất mờ mit.

Các chương trình đào tạo phi công cho Ukraine còn chưa

Các chương trình đào tạo phi công lái máy bay F16 cho Ukraine còn chưa "thành hình"

Việc Nga đe dọa sẽ tiêu diệt các tàu vận chuyển ngũ cốc của Ukraine sau khi rút khỏi thỏa thuận mới đây là một lý do khiến vấn đề viện trợ may bay F-16 cho nước này đang nóng lên.

>>NATO bật “tín hiệu” vươn tới châu Á khiến Trung Quốc lo lắng

Trong thời gian qua, chính quyền Kiev liên tục tăng áp lực với các đồng minh sớm chuyển gia các máy bay chiến đấu hiện đại để không chỉ phục vụ cho cuộc phản công đang chậm tiến độ, mà còn là để bảo vệ các chuyến tàu hàng trước sự đe dọa của máy bay Nga trên Biển Đen.

Mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết chính quyền Mỹ sẽ hành động nhanh nhất có thể để đưa máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine. Một phát ngôn viên của Nhà Trắng lạc quan hơn, tuyên bố chiếc máy bay sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào cuối năm nay.

Chương trình huấn luyện phi công chưa thống nhất

Thế nhưng, triển vọng này khó có thể đạt được khi mới đây một số thông tin cho thấy các đồng minh của Ukraine vẫn còn đang tranh cãi gay gắt về lộ trình đào tạo phi công cho Kiev.

3 quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ tiết lộ với Politico, nhóm 11 quốc gia liên minh cam kết hỗ trợ Ukraine về máy bay F-16 vẫn chưa đưa ra được kế hoạch cuối cùng về chương trình huấn luyện, hay công khai số máy bay sẽ tham gia chương trình này. Trong đó có cả Đan Mạch và Hà Lan, hai quốc gia tích cực nhất trong vấn đề này, theo các nhà quan sát.

Từ nay đến cuối năm 2023 chỉ còn chưa đầy 6 tháng, hi vọng của Kiev về việc F-16 có thể tham gia tác chiến đang ngày càng tắt ngấm. Bởi vì sẽ không bao giờ có chuyện các đồng minh gửi cả phi công và F-16 đến cho nước này tham chiến chống Nga. Một chương trình muộn màng có thể khiến Kiev vội vàng đưa các phi công chưa có nhiều kinh nghiệm lái F-16 ra chiến trường và chuốc lấy thất bại trước các phi đội Nga dày dạn.

Theo các báo cáo của Không quân Mỹ, họ dự đoán rằng các phi công chiến đấu Ukraine hiện tại sẽ mất ít nhất từ 4 đến 6 tháng để học cách lái F-16. Các nội dung quan trọng nhất bao gồm đào tạo chuyển đổi (từ máy bay hệ Liên Xô sang NATO), tiếp theo là đào tạo ngôn ngữ và đào tạo bay ban đầu.

F-16 đã được Mỹ bật đèn xanh cho các nước chuyển giao tới Ukraine

F-16 đã được Mỹ bật đèn xanh cho các nước chuyển giao tới Ukraine

Một đề xuất đào tạo đã được liên minh thảo luận là đưa các phi công Ukraine đến Hoa Kỳ để nhận hướng dẫn từ Không đoàn 162 thuộc Lực lượng Phòng không Quốc gia có trụ sở tại Tucson, Ariz. Đơn vị này đã có kinh nghiệm huấn luyện các đối tác nước ngoài về F-16. Nhưng ý tưởng đó không nhận được đồng tình từ các thành viên khác, theo các tiết lộ từ 3 quan chức đã tham gia các cuộc họp.

Ngoài ra, còn một kế hoạch khác liên quan đến việc gửi các phi công quân sự Hoa Kỳ đến châu Âu để huấn luyện người Ukraine. Tuy nhiên, phương án này vẫn đang được xem xét.

>> Chiến sự Nga - Ukraine: Sức ép lớn với ông Joe Biden

Dù vậy, việc huấn luyện phi công lái máy bay F-16 không thể bắt đầu cho đến khi Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức phê duyệt việc chuyển giao các tài liệu huấn luyện liên quan, chẳng hạn như sách hướng dẫn và thiết bị mô phỏng chuyến bay. Trong khi việc phê duyệt đó vẫn chưa diễn ra do chúng nằm trong nhóm hàng hạn chế xuất khẩu.

Trở ngại lớn tiếp theo đối với các phi công có thể là ngôn ngữ. Các phi công Ukraine sẽ cần học tiếng Anh chuyên ngành để có thể điều khiển F16. Trong khi đó, Ukraine là một trong những quốc gia ít thông thạo tiếng Anh nhất ở châu Âu, xếp thứ 28 trong số 32 quốc gia châu Âu.

Tiến độ giao máy bay chậm chạp

Ngoài yếu tố con người, những lời hứa chuyển giao F-16 vẫn chưa được bất cứ đồng minh nào thực hiện, dù Mỹ đã bật đèn xanh trong vấn đề này.

Thế nhưng các thành viên NATO vẫn chần chừ trong gửi máy bay

Các thành viên NATO vẫn chần chừ trong gửi máy bay F16 cho Ukraine

Theo quan sát của các nhà phân tích, tất cả các nước châu Âu đang chờ Mỹ đi đầu trong vấn đề này dù đều đưa ra các cam kết mạnh mẽ sẽ gửi máy bay F16 cho Ukraine. Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch, hay Ba Lan, Bồ Đào Nha và Romania cũng có kho dự trữ F-16 nhưng đang chờ đợi một sáng kiến từ Mỹ. Vấn đề lớn nhất của các nước này là nguồn cung thay thế cho các máy bay này nếu họ viện trợ cho Ukraine.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda mới đây tuyên bố, nước này chưa sẵn sàng viện trợ cho Ukraine những chiếc tiêm kích F-16 hiện có, với khoảng 48 chiếc. Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết nước này đang “xem xét nghiêm túc” việc gửi tiêm kích F-16 tới Ukraine nhưng vẫn chưa quyết định.

Trên thực tế, các quan chức Hoa Kỳ giấu tên thừa nhận các máy bay phản lực F16 sẽ không được viện trợ cho Ukraine sớm nhất là vào mùa xuân (khoảng tháng 2 năm sau).

Do đó có thể nói, bất kể Kiev có gây sức ép thế nào, họ cũng phải chờ ít nhất là sang năm để có thể vận hành những máy bay tối tân của phương Tây. Từ nay cho tới đó, Ukraine sẽ đối mặt với thách thức không nhỏ trong cuộc phản công cũng như duy trì các tuyến vận tải lương thực qua Biển Đen.

Có thể bạn quan tâm

  • Điều gì khiến đồng minh Ba Lan

    Điều gì khiến đồng minh Ba Lan "quay lưng" với Ukraine?

    04:00, 27/07/2023

  • Chiến sự Nga – Ukraine: “Hé lộ” thế khó phản công của Ukraine

    Chiến sự Nga – Ukraine: “Hé lộ” thế khó phản công của Ukraine

    03:30, 26/07/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Bất cập từ viện trợ vũ khí

    Chiến sự Nga - Ukraine: Bất cập từ viện trợ vũ khí

    03:00, 25/07/2023

  • Đồng minh cũng

    Đồng minh cũng "quay lưng" với Ukraine về vấn đề lương thực

    04:00, 23/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến sự Nga - Ukraine: Ukraine "vỡ mộng" máy bay F16?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO