Chủ nghĩa dân tộc công nghệ liệu có thể bị đẩy lên thành cuộc chiến tranh lạnh mới không?
Liệu rằng đà leo thang căng thẳng có đẩy quan hệ Mỹ - Trung thành một cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ hay không? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Tạp chí DĐDN đã có buổi phỏng vấn với ông Đinh Hồng Sơn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần tài chính thế hệ mới FinanceX.
- Theo ông, với nhận định trên, chủ nghĩa dân tộc công nghệ sẽ tác động ra sao tới cả hai nước Mỹ - Trung nói riêng và với sự ổn định trên toàn cầu?
Chúng ta đều biết Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc về kinh tế và công nghệ trên toàn thế giới. Thậm chí gần đây, hai nước còn được đặt vào bàn cân của cuộc “Chiến tranh lạnh” về công nghệ dự báo sẽ kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên từ cuối năm 2019 đến nay, chính quyền Donald Trump đang thể hiện tính “dân tộc công nghệ” rất rõ khi ưu tiên cho các doanh nghiệp Mỹ và cấm hàng loạt các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei, Tiktok… ở chiều ngược lại, Trung Quốc thực tế là nước thể hiện tính “dân tộc công nghệ” sớm hơn khi họ ngay từ đầu đã cấm các công ty như Google, Facebook hoạt động tại quốc gia đông dân nhất hành tinh này.
Họ khuyến khích người dân, doanh nghiệp Trung Quốc dùng các sản phẩm của quốc gia họ như Baidu, QQ, Weibo… Chủ nghĩa dân tộc công nghệ có thể đem đến lợi thế cho các doanh nghiệp của quốc gia đó, tạo lợi thế cạnh tranh, được ưu tiên, ưu đãi từ chính phủ nhưng thực tế nó đang tạo bức tường sắt trong tiến trình và cách mạng toàn cầu hoá mà ai cũng nhắc đến như một xu thế tất yếu của thế giới công nghệ ngày nay.
Sự thay đổi xu hướng này nó sẽ khiến cho nhiều quốc gia nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ, vệ tinh bị ảnh hưởng nặng nề thậm chí ngay chính các doanh nghiệp của Mỹ , Trung Quốc cũng bị tác động lớn khi bị mất đi chuỗi cung ứng mà trước kia họ đóng vai trò là một trong những mắt xích quan trọng. Theo tôi, nếu tình trạng này kéo dài và nghiêm trọng hơn thì sự ổn định trên toàn cầu cũng là một dấu hỏi đặt ra và nó thực sự là rủi ro không nhỏ cho lĩnh vực công nghệ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.
- Trong cuộc chiến công nghệ này, liệu Mỹ có nới thêm khoảng cách với Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ không, thưa ông? Nhất là khi hiện nay mảng sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc chưa tự chủ được hoàn toàn, mà vẫn phụ thuộc vào công nghệ Mỹ?
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ từ năm 2015 trở lại đây dần trở thành “trung tâm” về chiến lược cạnh tranh giữa hai nước. Nó mở ra một thời kỳ như “chiến tranh lạnh” về công nghệ giữa hai bên. Mỹ luôn là cường quốc số 1 về công nghệ nhưng khoảng cách với Trung Quốc đã được thu hẹp đáng kể, một số lĩnh vực, như 5G, AI của Trung Quốc thậm chí còn ngang tầm hoặc vượt trội so với Mỹ. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Mỹ phải có hành động để duy trì ưu thế vượt trội về công nghệ, cũng là duy trì vị trí siêu cường toàn cầu khi Mỹ đang có ưu thế tương đối về công nghệ so với Trung Quốc.
Trước mối đe dọa về công nghệ từ Trung Quốc, Mỹ đã triển khai một loạt biện pháp phòng vệ, bao gồm: Thắt chặt một loạt quy định mới nhằm ngăn chặn Trung Quốc chiếm các công nghệ chủ chốt, đẩy mạnh hoạt động phản gián trong lĩnh vực công nghệ; tăng thuế quan đối với các mặt hàng công nghệ của Mỹ. Các động thái của Mỹ đã tạo tâm lý “bất an”, khiến nhiều tập đoàn lớn, như Intel Corp., Qualcomm Inc., Xilinx Inc., Broadcom Inc, ARM, Google... phải tạm thời ngưng bán linh kiện hoặc hợp tác với Tập đoàn Huawei (Trung Quốc).
Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân tôi đánh giá thì khoảng cách công nghệ giữa hai cường quốc này sẽ không nới rộng ra được vì bản thân Trung Quốc hiện tại cũng đã có nền tảng và có sự chuyển mình đáng kể để chủ động trong lĩnh vực này, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ về yếu tố nền tảng. Việc phụ thuộc Mỹ về mảng bán dẫn cũng chỉ là tạm thời, chiến lược lâu dài thì chắc chắn Trung Quốc sẽ chủ động và sở hữu công nghệ của riêng mình. Cuộc chiến này nhiều nguy cơ sẽ vẫn còn dai dẳng và khốc liệt trong thời gian tới.
- Chủ nghĩa dân tộc công nghệ liệu có thể bị đẩy lên thành cuộc chiến tranh lạnh mới không, ông có nhận định thế nào?
Chiến tranh lạnh (tiếng Anh: Cold War) được hiểu là thời kỳ căng thẳng về mặt chính trị và quân sự giữa Mỹ và Liên Xô sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong cuộc chiến tranh lạnh đó, Mỹ và Liên Xô luôn xây dựng hệ thống các quốc gia đồng minh với mình như Mỹ có Anh, Pháp, Liên Xô có Đông Âu…để hình thành nên 2 thế cực kéo dài nhiều năm. Đối với chủ nghĩa dân tộc công nghệ mà điển hình là giữa 2 nước Mỹ, Trung trong tình hình hiện nay thì có chút khác biệt vànó sẽ không thể mang tính chất là chiến tranh lạnh thực sự:
Thứ nhất, Trung Quốc đang ngày càng bị cô lập về nhiều mặt khi nhiều quốc gia không còn ủng hộ họ mạnh mẽ trong thời gian gần đây như Philippines là một ví dụ điển hình. Trong khi những chính sách mới của chính quyền Mỹ đang khiến Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn để áp đặt và tạo ảnh hưởng lên các quốc gia khác nhằm lôi kéo đồng minh trong lĩnh vực công nghệ.
Thứ hai, Trung Quốc đang thể hiện hình ảnh là một quốc gia coi việc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ như một điều bình thường, nó khiến các quốc gia khác ngoảnh mặt và đề phòng với chính quyền của chủ tịch Tập Cận Bình. Rõ ràng để Trung Quốc tạo lập được liên minh trong giới công nghệ và thành một thái cực cân bằng với Mỹ là không khả thi.
Thứ ba, Mỹ luôn là một quốc gia rất mạnh trong công nghệ, khả năng sáng tạo vượt trội với tâm thế của một cường quốc đi đầu cùng với các chính sách chặt chẽ, minh bạch về bản quyền, tính riêng tư, an ninh, an toàn dữ liệu, Mỹ luôn là nước giữ được uy tín lớn với các quốc gia và tạo lập được hình ảnh tốt để trở thành thủ lĩnh dẫn đầu kêu gọi đồng minh theo mình.
Các sản phẩm công nghệ toàn cầu hoá đa phần đến từ các quốc gia phương Tây đặc biệt đi đầu là Mỹ. Các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc đa phần mang tính cục bộ, không tạo ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Đây là lợi thế lớn của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ này và theo tôi cuộc chiến này Trung Quốc sẽ yếu thế hơn Mỹ để trở thành đối trọng xứng tầm với Mỹ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm