Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 20 ca COVID-19, trong đó 14 ca ở Hải Dương, các tỉnh thành khác đều giảm số ca mới. Tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng đã kiểm soát được dịch.
Theo Bộ Y tế, trong 20 ca mắc mới (BN1892 - 1911), có 19 ca cộng đồng tại Hải Dương (14 người), Quảng Ninh (4), Gia Lai (1) và 1 ca nhập cảnh cách ly ngay tại Quảng Nam. Cụ thể:
Tỉnh Hải Dương ghi nhận 14 bệnh nhân (BN1897 - 1901, BN1903 - 1911): 9 ca là công nhân tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng; 5 ca liên quan đến ổ dịch phường Lê Lợi, tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 4 bệnh nhân (BN1892 - 1895), là 4 F1 liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Gia Lai ghi nhận 1 bệnh nhân (BN1896), là F1 liên quan ổ dịch huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai.
Tỉnh Quảng Nam ghi nhận 1 bệnh nhân nhập cảnh (BN1902): nam, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 1-2, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VJ5925, được cách ly ngay tại tỉnh Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 2-2, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam.
Với 20 ca mắc mới, số ca COVID-19 ghi nhận tại nước ta đã tiến sát 1.900 ca, trong đó riêng từ 27-1 đến nay là gần 350 ca.
Điểm nóng Hà Nội đã có dấu hiệu hạ nhiệt, 2 ngày gần đây ghi nhận mỗi ngày 1 ca mắc và đều từ F1 đã cách ly. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Hà Nội đã kiểm soát được dịch.
Liên quan đến công tác sàng lọc bệnh nhân tại các cơ sở y tế, thông tin tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chống dịch COVID-19 chiều 2/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, qua phân tích 240 bệnh nhân COVID-19 mới đợt này cho thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Đây là thách thức lớn với các bệnh viện trong quá trình sàng lọc bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân trong đợt dịch mới này chỉ có 1 bệnh nhân nặng, 3 bệnh nhân phải thở oxy, 20 bệnh nhân có diễn biến bệnh cảnh lâm sàng. Vì vậy, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đề nghị tất cả các bệnh viện quay lại khai thác kỹ tiền sử dịch tễ tất cả người đến khám.
“Nếu cứ đợi bệnh nhân ho, sốt, khó thở thì sẽ dễ bỏ sót ca bệnh, bệnh nhân sẽ vào giữa bệnh viện”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cảnh báo và lưu ý trong điều trị phải luôn chú ý mở cửa thông thoáng các phòng khám, khu điều trị và đặc biệt lưu ý vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn.
Cũng trong ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thay mặt Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của tất cả các đội ngũ tham gia chống dịch, đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc, công an, quân đội, nhân dân trong vùng dịch…
“Chúng ta đã chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút. Nhờ nỗ lực đó đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn và địa phương, ổ dịch ở Vân Đồn đã kiểm soát được, ổ dịch ở Chí Linh đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt. Ở Hà Nội đã làm rất tích cực, rất sớm bài bản nên hơn 17.000 mẫu cần xét nghiệm của những người về từ vùng dịch TP Chí Linh (Hải Dương) về cơ bản hoàn thành, vì vậy đã cơ bản kiểm soát được nguồn từ ổ dịch Chí Linh” - Phó Thủ tướng nói.
Đối với những địa phương đang phong tỏa, Phó Thủ tướng lưu ý cần hết sức chú ý mục đích của việc phong tỏa là kiểm soát được người đi ra ngoài, phải kiểm soát ngay từ bên trong, nếu không rất nguy hiểm.
Ông gợi ý hiện nay đã có mô hình phong toả trong phong toả xã trong thành phố, cần tiếp tục rút kinh nghiệm làm nhỏ hơn nữa như phong tỏa thôn trong xã, cụm dân cư trong thôn, hay phong toả “có thời hạn linh hoạt” để điều tra dịch tễ…
Đối với công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát và sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, sinh phẩm để chi viện cho từng khu vực, cùng với đó cho xét nghiệm cộng đồng rộng ở một số nơi.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, đồng thời đề nghị tất cả các địa phương phải quyết liệt, xử phạt nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng.
Các địa phương cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm tất cả các cơ sở y tế, trường học, nơi lưu trú, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, phương tiện giao thông công cộng, xe khách liên tỉnh…, đặc biệt những nơi bán hàng tết, chợ hoa Tết phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ và cập nhật lên bản đồ chống dịch.
“Chúng ta phải tiếp tục chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút, quyết tâm để người dân kể cả trong vùng dịch và ngoài vùng dịch có một cái Tết an toàn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa.
Có thể bạn quan tâm
15:17, 03/02/2021
09:34, 03/02/2021
01:17, 03/02/2021
00:03, 03/02/2021
00:10, 03/02/2021
00:11, 03/02/2021
00:18, 03/02/2021