24h

Chiêu lừa trên app NEEX: Đầu tư ảo, mất tiền thật

Gia Linh 27/07/2025 11:50

Hai nạn nhân mất gần 15 tỷ đồng sau khi nghe theo lời mời gọi “tư vấn chứng khoán” trên app NEEX. Lợi nhuận chỉ là chiêu trò, rủi ro mới là sự thật.

Công an TP Hà Nội vừa phát đi cảnh báo về một hình thức lừa đảo tinh vi mới, đội lốt tư vấn chứng khoán trực tuyến thông qua ứng dụng NEEX.

Theo thông tin từ Cơ quan công an, chỉ trong thời gian ngắn, hai nạn nhân tại Hà Nội đã bị lừa gần 15 tỷ đồng bởi nhóm đối tượng tự xưng là chuyên gia chứng khoán.

chieu-lua-tren-app-neex-dau-tu-ao-mat-tien-that-1.jpg
Hai nạn nhân mất gần 15 tỷ đồng sau khi nghe theo lời mời gọi “tư vấn chứng khoán” trên app NEEX. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, nhóm này sử dụng mạng xã hội để kết bạn, trò chuyện làm quen, sau đó giới thiệu và hướng dẫn nạn nhân tham gia đầu tư chứng khoán qua ứng dụng có tên NEEX. Ban đầu, các nạn nhân được tạo cảm giác thắng lợi liên tiếp để tạo niềm tin. Sau đó, khi đã nạp hàng tỷ đồng để giao dịch, tuy nhiên đến lúc này, toàn bộ tài khoản đều bị khóa hoặc không thể rút tiền.

Công an TP Hà Nội khẳng định, đây là một hình thức lừa đảo có tổ chức, được lập trình bài bản và đánh vào lòng tham, tâm lý thiếu hiểu biết tài chính của người dân. Lực lượng chức năng đang mở rộng điều tra, đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác với các chiêu trò mời gọi đầu tư sinh lời cao, đặc biệt qua các nền tảng không có pháp nhân rõ ràng hoặc chưa được cấp phép hoạt động chính thức tại Việt Nam.

Phân tích với Diễn đàn Doanh nghiệp về vụ việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law cho rằng, vụ việc lừa đảo thông qua ứng dụng NEEX là điển hình cho kiểu tội phạm công nghệ cao kết hợp thao túng tâm lý, đang ngày càng phổ biến và khó kiểm soát. “Chiêu trò đánh vào lòng tin và sự thiếu hiểu biết tài chính của nạn nhân, kết hợp với việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, khiến cho việc phát hiện và xử lý càng thêm phức tạp”, luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích

Theo ông, về mặt pháp lý, hành vi lừa đảo trên nền tảng NEEX có thể bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ các đối tượng thường sử dụng danh tính giả, server đặt ở nước ngoài, thanh toán qua tài khoản trung gian hoặc ví điện tử không chính danh, gây cản trở nghiêm trọng cho công tác điều tra.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cũng cảnh báo thêm, nhiều ứng dụng như NEEX thực chất không hề được cấp phép hoạt động đầu tư chứng khoán hoặc môi giới tại Việt Nam.

“Khi một nền tảng không có pháp nhân rõ ràng, không có giấy phép từ cơ quan quản lý chuyên ngành, thì mọi lời mời gọi đầu tư đều tiềm ẩn rủi ro cực lớn. Tôi nói thẳng, 99,99% là lừa đảo”, luật sư Nguyễn Thành Luân nhấn mạnh.

Luật sư Luân cho rằng, người dân cần tỉnh táo và đặt ra câu hỏi: nền tảng đó là ai đứng sau? Có được cơ quan nào cấp phép? Tiền đầu tư chuyển vào đâu? Tài khoản cá nhân hay tổ chức? Bởi thực tế, mọi lời quảng cáo như “lợi nhuận cam kết”, “rút tiền linh hoạt” chỉ là vỏ bọc cho hành vi chiếm đoạt.

“Ngoài việc tăng cường truyền thông cảnh báo, cơ quan chức năng cần chủ động công bố danh sách các ứng dụng, nền tảng không phép tiềm ẩn rủi ro, hoặc đang bị điều tra, đồng thời có giải pháp giám sát dòng tiền chặt chẽ, tránh để nạn nhân tiếp theo sập bẫy”, vị luật sư kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiêu lừa trên app NEEX: Đầu tư ảo, mất tiền thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO