Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo UBND Tp.Đà Nẵng xem xét phản ánh, kiến nghị của Công ty CP Thép Dana Ý liên quan đến việc xử lý hai nhà máy thép thời gian qua.
Theo đó, vào ngày 16/11, văn bản số 11160/VPCP-V.I do Vụ trưởng Vụ I Trần Ngọc Bích ký với nội dung tiếp nhận phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc thay đổi quy hoạch Cụm Công nghiệp Thanh Vinh ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp và môi trưởng đầu tư của thành phố Đà Nẵng.
Văn bản nhấn mạnh việc thực hiện quy chế của Chính Phủ, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của Công ty CP Thép Dana Ý đến UBND Tp.Đà Nẵng để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và đề nghị thông báo cho Văn phòng Chính phủ kết quả giải quyết.
Trước đó, Công ty Nhà máy thép Dana Ý gửi đơn kiến nghị trình bày lên người đứng đầu Chính phủ bày tỏ nội dung cấp bách liên quan đến cuộc sống của hàng ngàn lao động đang “căng” hơn lúc nào hết.
Nội dung đơn nêu rõ quá trình hình thành và phát triển của nhà máy thép tại KCN Thanh Vinh và chủ trương kêu gọi đầu tư được chính quyền địa phương “mở lối” theo đúng quy định. Tuy nhiên, khi 2 nhà máy công nghiệp xuất hiện đồng nghĩa với việc đời sống người dân được cải thiện, hạ tầng giao thông được đầu tư đã đẩy giá đất lên cao, “cơn sốt” đất lấn chiếm ồ ạt xảy ra khiến chính quyền địa phương dường như mất kiểm soát.
Nguyên nhân của vụ việc được Công ty Dana Ý khẳng định là do việc quy hoạch CCN Thanh Vinh trước đây có phần chưa phù hợp khi để người dân sát cạnh CCN và việc thiếu nhất quán trong việc giải tỏa di dời người dân ra khỏi CCN. Là CCN nặng nhưng không có vành đai phân cách giữa khu dân cư và CCN, đây chính là nguyên nhân dẫn đến những tác động không thể tránh khỏi đến cuộc sống người dan khi nhà máy vận hành.
Cụ thể, từ năm 2006, TP đã có chủ trương di dời các hộ dân sát cạnh nhà máy để tạo vành đai phân cách cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch CCN. Tuy nhiên, sau đó TP lại dừng di dời và “treo” hơn 10 năm để 150 hộ dân ban đầu đã phát triển thành 1.200 hộ. Đến năm 2017, khi người dân phản ứng gay gắt, TP lại quyết định di dời nhưng thủ tục giải tỏa, đền bù, tái định cư cho các hộ dân vẫn không thông suốt, chậm tiến độ làm cho người dân càng bức xúc hơn. Chính việc di dời giải tỏa kéo dài hàng chục năm để người dân phải chịu đựng cảnh sống chung với CCN dai dẵng dẫn đến việc người dân phản ứng gây gắt, bao vây nhà máy không cho hoạt động trong thời gian qua.
Và vụ việc lên đến đỉnh điểm khi vào đầu năm 2018, toàn bộ hoạt động của nhà máy Dana Ý bị ngưng trệ vì người dân bao vây, cản trở; chính quyền thực hiện các thủ tục quan trắc môi trường nhưng hiện tại đã hết thời hạn thực hiên nhưng kết quả giám định môi trường vẫn chưa được công bố. Do đó, việc quyết định “số phận” của hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc từ phía chính quyền Tp.Đà nẵng đang được người dân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.