Với Quyết định số 2459/2012 về phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử giai đoạn 2012-2014, UBND tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương tiên phong xây dựng chính quyền điện tử.
Sau 5 năm (2012-2017) triển khai Đề án Xây dựng chính quyền điện tử, 100% các xã, phường, thị trấn của Quảng Ninh đã có mạng Internet để khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin của chính quyền điện tử, 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã có mạng nội bộ (LAN). Hệ thống mạng diện rộng hoạt động ổn định, kết nối 27 sở, ban, ngành, 14 UBND và 14 trung tâm hành chính công cấp huyện với Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, đảm bảo về tốc độ, ổn định cho các đơn vị chuyển văn bản, khai thác các ứng dụng và các dịch vụ dùng chung trong hệ thống chính quyền điện tử...
Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã cung cấp trên 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho người dân... Từ năm 2017, hệ thống văn bản điện tử của tỉnh đã được kết nối liên thông 4 cấp với hệ thống của Văn phòng Chính phủ.
Những tiện ích mà “Chính quyền điện tử” Quảng Ninh mang lại cho người dân và các cơ quan quản lý là rất lớn. Tuy nhiên không phải địa phương, bộ, ngành nào cũng hiện thực hoá được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra từ khá lâu.
Tại cuộc họp về xây dựng Chính phủ điện tử mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua còn chậm, chưa như mong đợi. Chúng ta không hội nhập, không cải cách đổi mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin mà trước hết là xây dựng Chính phủ điện tử thì chúng ta sẽ chậm phát triển vì năng suất thấp. Thông qua xây dựng Chính phủ điện tử cũng góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhân dân.
Thủ tướng đã nhất trí thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Ủy ban này sẽ do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời yêu cầu khẩn trương thực hiện gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành phải là những cơ quan đi đầu trong việc thực hiện “phi giấy tờ” ở Việt Nam, để giảm giấy tờ nhiều hơn nữa.
“Cải cách ngay từ các phiên họp của UBND, phiên họp của Chính phủ thì đây có thể là hành động hưởng ứng một Chính phủ phi giấy tờ. Mình làm việc nhỏ này nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc rút ngắn thời gian, chúng ta vừa làm, vừa cải cách, vừa đổi mới nhưng không phải chờ đợi. Các dịch vụ công trực tuyến phải tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, không để chậm trễ, để hỗ trợ nhân dân”, Thủ tướng gợi mở.