Chính trị - Xã hội

Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Lam Song 16/09/2024 02:15

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

hoinghi.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Siêu bão Yagi là cơn bão lịch sử với các yếu tố: Cường độ rất lớn, giật đến cấp 17; tốc độ cao, sức tàn phá lớn; phạm vi rất rộng; đối tượng tác động nhiều (người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế-xã hội); thời gian oanh tạc dài trên đất liền trên diện rộng; gây thảm họa về sạt lở, lũ ống, lũ quét kinh hoàng; hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản; tác hại đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đặc biệt là tâm lý của người dân.

Thực tiễn cho thấy công tác dự báo, cảnh báo cơ bản sát tình hình, ngoại trừ một số yếu tố như hậu quả của hoàn lưu bão chưa thật chính xác. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão rất đồng bộ, quyết liệt, bài bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế.

Bộ Chính trị đã có Kết luận ngày 9/9; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo, thăm hỏi, động viên kịp thời, đưa các giải pháp ngay tại hiện trường; Thường trực Chính phủ đã có các cuộc họp, hội ý, trao đổi trực tiếp và gián tiếp; lãnh đạo Chính phủ tới hiện trường tại các địa phương.

Riêng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 công điện; chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả diễn biến tình hình, nhất là những diễn biến đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra như lũ ống, lũ quét, sập cầu, vỡ đê, vỡ đập…; thành lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão tại Hải Phòng.

Các cơ quan, lực lượng đã hướng dẫn hơn 50.000 tàu cá về nơi tránh trú, tổ chức sơ tán khoảng 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, nhà yếu; sơ tán, di dời khoảng 80.000 hộ dân với trên 130.000 người tại các vùng ngập sâu do lũ đến nơi an toàn. Huy động gần nửa triệu người, 6.600 phương tiện ứng phó với bão; hơn 100.000 lượt người và hơn 2.100 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét.

Tuy nhiên, bão số 3 và hoàn lưu bão vẫn gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Đến thời điểm này đã có hơn 350 người chết và mất tích, hơn 2.000 người bị thương; 230.000 nhà ở, nhiều trụ sở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh bị tốc mái, hư hỏng; gần 70.000 nhà bị ngập; trên 190.000 ha lúa, 48.00 ha hoa màu, 31.000 ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; hơn 3.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 21.000 gia súc và trên 2,6 triệu gia cầm bị chết. Nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Tình trạng sạt lở, ngập lụt, chia cắt giao thông cục bộ xảy ra ở hầu hết các địa phương.

Tính đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ cho các địa phương khoảng 350 tỉ đồng, tiếp tục thống kê thiệt hại; cấp gần 300 tấn gạo; Mặt trận Tổ quốc đã kịp thời kêu gọi ủng hộ...

Nêu ra bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần dự báo chính xác; thông tin nhanh, kịp thời; các cấp ngành cần chủ động, tích cực "3 trước", "4 tại chỗ", lấy người dân là trung tâm, chủ thể, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; người dân phải tham gia; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Với yêu cầu trước mắt, Thủ tướng cho rằng cần đảm bảo không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét, thiếu nước sạch, thiếu chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày. Khẩn trương khắc phục hậu quả siêu bão hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình cho nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu khôi phục hiệu quả sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng cả năm khoảng 7%.

Thủ tướng yêu cầu thống kê, rà soát lại thiệt hại, có hỗ trợ ưu tiên cho gia đình bị mất nhà cửa, có người thiệt hại. Tất cả các gia đình bị mất nhà, trôi nhà, bị vùi lấp nhà thì phải có nhà với tinh thần "3 cứng" (nền cứng, vách cứng, mái cứng) với điều kiện tốt hơn nơi ở cũ bị thiệt hại.

Thống kê các cơ sở bị ảnh hưởng để hỗ trợ về tín dụng; chính sách thông thoáng. Hỗ trợ cây con giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp; khôi phục các loại hình dịch vụ; các khu công nghiệp phải triển khai sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, không được làm chậm các đơn hàng.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu miễn, giảm, hoãn thuế phí, lệ phí; thúc đẩy đầu tư công. Bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào, có phương án cho vay cho các hộ gia đình; bảo hiểm thanh toán kịp thời mất mát của doanh nghiệp; khắc phục các kho bãi để tập kết hàng hóa, không bị ứ đọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về khắc phục hậu quả cơn bão số 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO