Chính phủ sẽ cùng TP.HCM tháo gỡ những vướng mắc về đầu tư công

ĐÌNH ĐẠI 27/11/2022 19:39

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với TP.HCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.

>>>TP.HCM tổ chức Đối thoại Hữu nghị với các địa phương nước ngoài

Phát biểu tại buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, TP.HCM đã phục hồi mạnh mẽ với thành tích đáng ngạc nhiên. GRDP đã tăng hơn 9%, trong khi năm ngoái là -6,79%. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng tới 17,3%. Thu ngân sách đến nay đạt 1/3 tổng thu ngân sách cả nước. Trong 11 tháng đầu năm, TP.HCM đã đóng góp thành quả quan trọng vào thành quả chung cả nước, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo TP.HCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo TP.HCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Với những kết quả đó, Thủ tướng cho rằng, TP.HCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, là động lực phát triển của đất nước, truyền cảm hứng cho sự phát triển chung. Do vậy, Chính phủ xét thấy cần thiết phải làm việc với TP.HCM để ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của Đảng bộ, Chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân TP.HCM. Mặt khác, tình hình cũng đang khó khăn liên quan đến bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… hiện đang có những tác động, có thể có rủi ro. 

Thủ tướng nhìn nhận TP.HCM có nhiều việc phải làm, nhưng đoàn công tác chọn một vài việc làm trước, cụ thể là giải ngân đầu tư công. Đây là một trong những điểm yếu trong nhiều năm. Tổng số vốn đầu tư công chiếm tỷ lệ rất lớn của cả nước, thì việc tháo gỡ, giải quyết cho TPHCM sẽ có tác động tích cực đến kinh tế xã hội của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. 

Theo Thủ tướng, năm nay việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công rất cần, vì tổng lượng vốn năm nay lớn hơn so với mọi năm. Thủ tướng nhấn mạnh, TP.HCM cố gắng, trong chức năng, nhiệm vụ, Chính phủ, nhất là các bộ, ngành sẽ cùng TP.HCM tháo gỡ những vướng mắc về đầu tư công. Chúng ta cùng giải quyết để TP.HCM đưa nguồn lực này vào hỗ trợ các chính sách khác sẽ tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

“Chúng ta còn nhiều khó khăn, khó khăn từ bên ngoài dồn vào, vấn đề xung đột trên thế giới, áp lực lạm phát rất cao từ bên ngoài... TP.HCM làm một số việc, Chính phủ cùng làm một số việc, các bộ ngành làm một số việc, các địa phương làm một số việc, các đối tượng người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, mỗi người cố một chút trong lúc khó khăn này để vượt qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo Thủ tướng về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đến hết ngày 25/11, TP.HCM đã giải ngân tổng số vốn hơn 12.600 tỷ đồng, đạt 34%. Dự kiến cả năm, Thành phố giải ngân được 86% tổng số vốn giao. 

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Thành phố đã triển khai các giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung chỉ đạo sâu sát công tác giải ngân kế hoạch vốn, bằng nhiều giải pháp thông qua việc ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, thành lập 3 tổ công tác để tăng cường các giải pháp hỗ trợ cho các nhóm dự án có số vốn được giao lớn trong năm 2022.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bên cạnh đó, Thành phố thực hiện linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, điều hòa nội bộ, bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, hấp thụ vốn tốt, cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án tại hiện trường.

Đối với việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM tập trung tích cực triển khai thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án trọng điểm.

Trong đó, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã đạt gần 93% tiến độ, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã bàn giao mặt bằng đạt hơn 85% (501/586 trường hợp), dự kiến đến quý II năm 2023 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án. 

Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 qua địa bàn, TP.HCM đang hoàn tất các thủ tục để phê duyệt hai dự án thành phần (xây lắp và bồi thường) trước ngày 30/11; đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023, cơ bản bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Từ những kết quả trên, người đứng đầu chính quyền TP.HCM kiến nghị với Thủ tướng một số vấn đề liên quan đến các dự án cụ thể:

Với dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), TP.HCM kiến nghị các bộ hỗ trợ Thành phố hoàn tất thủ tục, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Đồng thời Bộ Giao thông Vận tải sớm chủ trì soạn thảo, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn về thiết kế đường sắt đô thị khổ đường 1.435mm, thi công và nghiệm thu đường sắt đô thị, khai thác đường sắt đô thị… làm cơ sở triển khai, đẩy nhanh quá trình làm chủ công nghệ đường sắt đô thị.

TP.HCM cũng kiến nghị về dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương), dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát (CRUS1) và dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS2).

Với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giao bổ sung gần 19.500 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho TP.HCM (ngoài nguồn vốn 142.557 tỷ đồng đã giao) để bổ sung cho dự án.

Với dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3, kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm bàn giao đất quốc phòng cho TP.HCM thực hiện dự án. Trong đó, xem xét bàn giao ngay phần diện tích khoảng 4,5ha đất trống không có tài sản trên đất cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam. 

Đặc biệt, với 3 bệnh viện cửa ngõ TP.HCM, quy mô 1.000 giường gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2025. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương (nguồn vốn trong nước) giai đoạn 2021-2025 để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn của 3 bệnh viện này, với tổng nhu cầu là 4.500 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM: Vì sao phải thanh tra đột xuất quá trình giao đất, cho thuê đất?

    TP.HCM: Vì sao phải thanh tra đột xuất quá trình giao đất, cho thuê đất?

    11:00, 26/11/2022

  • Black Friday tại TP.HCM: Giảm giá siêu khủng nhưng khách chỉ “xem”?

    Black Friday tại TP.HCM: Giảm giá siêu khủng nhưng khách chỉ “xem”?

    18:27, 25/11/2022

  • TP.HCM khó phát triển điện mặt trời mái nhà

    TP.HCM khó phát triển điện mặt trời mái nhà

    03:00, 25/11/2022

  • TP.HCM tổ chức Đối thoại Hữu nghị với các địa phương nước ngoài

    TP.HCM tổ chức Đối thoại Hữu nghị với các địa phương nước ngoài

    13:31, 22/11/2022

  • TP.HCM đường Vành đai 2 sẽ không làm trên cao vì tốn chi phí?

    TP.HCM đường Vành đai 2 sẽ không làm trên cao vì tốn chi phí?

    12:26, 22/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính phủ sẽ cùng TP.HCM tháo gỡ những vướng mắc về đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO