Đây có thể xem làm một trong những hành động quyết liệt nhất của Chính phủ trong việc quản lý tiền ảo, đặc biệt sau vụ việc người dân mất 15.000 tỷ vào đợt ICO của Modern Tech.
Với trên 32.000 người tham gia, số tiền không thể thu hồi lên đến trên 15.000 tỷ đồng, đây là lừa đảo lớn nhất qua mô hình tiền số đa cấp từ trước đến nay được phơi bày trên cả phương diện về quy mô số người tham gia và số tiền bị mất.
Đa cấp tiền ảo
Có thể bạn quan tâm
|
Modern Tech, đơn vị đứng ra ký kết với iFan và Pincoin tại Việt Nam đã đưa ra lời chào mời vô cùng hấp dẫn với nhà đầu tư khi tiến hành ICO. Với mức lãi suất lên đến 48%/tháng, thời gian hoàn vốn là 4 tháng, nếu kêu gọi người khác cùng đầu tư được hưởng thêm hoa hồng 8% của người đó, điều đó đã cho thấy đây là mô hình ponzi kiểu mới, mô hình tiền số đa cấp.
Với tâm lý nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư khi thấy trên thị trường các đồng tiền kỹ thuật số đang tăng mạnh, đặc biệt là bitcoin năm ngoái đã có thời điểm lên mức 20.000 USD cộng thêm mức lãi suất 48%/tháng đã thu hút đông đảo người tham gia.
“Rủi ro luôn đi kèm với lợi nhuận nhưng so sánh trong một khoảng thời gian ngắn thì không vấn đề gì. Nhưng khi người tham gia lún sâu vào thì rủi ro tăng lên với khoản đầu tư ngày một phình ra với hi vọng sẽ thu về lãi lớn hơn” – ông Trần Anh Tú, Giảng viên Khoa An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật mật mã cho biết.
Mô hình đa cấp tiền ảo của Modern Tech không khác mấy so với các mô hình ponzi từ trước đến nay, lấy nguồn tiền người sau để chi trả lãi suất và hoa hồng cho người mới, cứ như vậy cho đến lúc nguồn tiền không còn đủ để xoay vòng thì cũng là lúc mô hình này sụp đổ.
“Chính những người hệ thống đã thổi giá đồng iFan lên nhằm thu hút thêm nhà đầu tư, nhưng việc thổi giá cũng đến giới hạn khi thị trường không thể duy trì được lợi nhuận hay nói cách khác là không có dòng tiền quay vòng dẫn đến sụp đổ” – Ông Trần Anh Tú cho biết.
Chính phủ siết chặt quản lý
Trước sự việc trên, một lần nữa Chính phủ đã thể hiện tinh thần quyết liệt và siết chặt quản lý đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật.
Một trong các biện pháp quyết liệt của Chính phủ đó chính là hạn chế nhập khẩu, quản lý các thiết bị máy móc cho mục đích đào tiền ảo. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời tăng cường điều tra và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo, hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu thực tiễn, thông lệ quốc tế, đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO).
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc người dân tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo. Không đưa các thông tin gây tâm lý bất lợi về tiền ảo, Bitcoin.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được giao chỉ đạo các Sở, ngành trực thuộc tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo, đặc biệt là hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền, cảnh báo trên địa bàn để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, hệ lụy liên quan tới việc mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo.