Bị thu hồi dự án để giao cho chủ đầu tư khác nhưng gần 14 tỷ tài sản trên đất của Công ty CP CNTT Thái Bình lại không được giải quyết khiến doanh nghiệp này có nguy cơ phá sản.
Ông Lê Tuấn Nghiên – Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Thái Bình (Công ty CNTT Thái Bình) cho rằng, doanh nghiệp đã chết nhưng đang chờ được chôn. Trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn thì nguồn trả nợ chỉ có thể dựa vào việc thu hồi kinh phí đã đầu tư vào dự án.
Tuy nhiên, với cách giải quyết của UBND tỉnh Thái Bình thì không biết đến bao giờ doanh nghiệp mới lấy được tiền.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Tuấn Nghiên cho biết, năm 2006 công ty được Tập đoàn CNTT Việt Nam (Vinashin) giao thực hiện dự án xây dựng nhà máy đóng tàu và cảng Tân Đệ tại xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư, Thái Bình). Để thực hiện dự án, doanh nghiệp đã được tỉnh Thái Bình bàn giao đất và ký hợp đồng thuê đất. Từ đó, công ty đã lập dự án, đánh giá tác động môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng (26.000 m3 cát đen)… tổng chi phí thực hiện là gần 23 tỷ đồng.
Năm 2009, Vinashin rơi vào khủng hoảng dẫn đến dự án không thể tiếp tục. Dự án bị đình trệ, công ty cũng đứng bờ phá sản. Bởi để thực hiện dự án, phần lớn số vốn đầu tư là các khoản vay thế chấp tài sản.
Ngày 10/3/2014, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 458/QĐ-UBND thu hồi lại hơn 207.000m2 đất của Công ty CNTT Thái Bình. Quyết định nêu rõ, giao Sở TNMT chỉ đạo các đơn vị liên quan và doanh nghiệp bàn giao mốc giới khu đất thu hồi trên thực địa cho UBND xã Dũng Nghĩa quản lý sau khi thực hiện xong việc xử lý tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi theo quy định.
Tuy nhiên, khi chưa xác định xong giá trị tài sản đã đầu tư trên đất còn lại của Công ty CNTT Thái Bình theo quyết định thu hồi đất thì ngày 25/1/2017, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản tạm bàn giao khu đất trên cho Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế để triển khai “Dự án sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Global và Organic”.
Ngày 24/2/2017, DN đã khởi công dự án nông nghiệp trên, mặc dù chính quyền tỉnh Thái Bình chưa đền bù tài sản đầu tư trên đất theo quy định của pháp luật cho Công ty CNTT Thái Bình.
Sau hơn 4 năm kể từ khi có quyết định thu hồi đất và sau nhiều lần kiến nghị, đến ngày 12/7/2018 UBND tỉnh Thái Bình mới ban hành Quyết định số 1685/QD-UBND, phê duyệt giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi (chi phí san lấp, rà phá bom mìn) là gần 14 tỷ đồng. Đồng thời, quyết định này cũng nêu rõ, Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (đơn vị được UBND tỉnh Thái Bình cho thuê đất) có trách nhiệm thanh toán số tiền 13,8 tỷ đồng cho Công ty CNTT Thái Bình.
Có thể bạn quan tâm
14:37, 18/04/2020
19:25, 14/08/2019
06:30, 21/12/2019
Quyết định 1685 trên của UBND tỉnh Thái Bình nêu rõ là vậy, nhưng đến nay, Công ty CNTT Thái Bình vẫn không biết ai sẽ là người trả số tiền gần 14 tỷ đồng cho mình. Bởi, khi doanh nghiệp gửi đơn lên UBND tỉnh thì được trả lời, làm việc với DN. Khi doanh nghiệp gửi văn bản kiến nghị tới Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (doanh nghiệp dự án) thì được trả lời, việc đền bù tài sản cho Công ty CNTT Thái Bình là việc giữa UBND tỉnh Thái Bình và Công ty CNTT Thái Bình, không liên quan đến Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế.
“Hiện các ngân hàng đang yêu cầu Công ty CNTT Thái Bình phải bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp là nhà xưởng, máy móc thiết bị, trụ sở công ty,… Cục Thuế Thái Bình thì dùng biện pháp cưỡng chế tài khoản công ty tại ngân hàng và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; Các nhà thầu san lấp thì liên tục kéo đến đòi nợ... dẫn đến sản xuất kinh doanh trì trệ, công ty đang trên bờ vực phá sản. Nguồn trả nợ duy nhất còn lại chỉ có thể dựa vào việc thu hồi kinh phí đã đầu tư vào dự án” – Giám đốc Lê Tuấn Nghiên rầu rĩ.
Kỳ II: Chính quyền Thái Bình nói gì?