Bộ Tư pháp nhận thấy yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW chưa được cụ thể hóa.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề cập trong toạ đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam” nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thể chế mở đường cho phát triển
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Nghị quyết số 41-NQ/TW tạo thêm động lực cho đội ngũ doanh nhân phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại trong nỗ lực đóng góp vào sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế đất nước, trong đó có những khó khăn về thể chế.
"Thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan. Trong đó vấn đề về khuyến khích đổi mới, sáng tạo, huy động, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cần thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
Liên quan đến nội dung này, theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, khung pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân cơ bản đã tương đối đồng bộ. Chính phủ cũng rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách là rào cản cho sự phát triển. Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW chưa được cụ thể hóa.
Vì vậy, việc định hình khái niệm, mô hình, tiêu chí xác định doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam; những đặc trưng, đặc điểm riêng có của doanh nghiệp dân tộc Việt Nam so với các doanh nghiệp dân tộc khác trên thế giới... là cần thiết để trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc; đồng thời là nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp dân tộc đối với quốc gia.
Về nội dung này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, doanh nghiệp dân tộc không phụ thuộc vào quy mô, tính sở hữu. Quan trọng nhất cần đáp ứng các yếu tố như phải là doanh nghiệp do người Việt làm chủ; tổ chức chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất kinh doanh thuần Việt, quy tụ và liên kết các doanh nghiệp trong nước để cung ứng sản phẩm Việt, thương hiệu quốc gia có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thiết thay đổi chính sách thể chế phù hợp để doanh nghiệp lớn phát triển và xây dựng chuỗi. Doanh nghiệp lớn này có thể là doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Trước hết, Nhà nước cần tập trung tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp Nhà nước có có lịch sử phát triển, nguồn lực tài chính, thiết bị máy móc, công nghệ, sản xuất sản phẩm có thương hiệu,… trở thành doanh nghiệp độc lập hơn, tự chủ hơn, chịu trách nhiệm cao hơn, có sức mạnh cạnh tranh và khả năng kết nối doanh nghiệp SME tham gia chuỗi.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Nhà nước cũng quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, rất nhiều DN tư nhân có nhiều sản phẩm riêng, đặc thù, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế như Vinfast, Hoà Phát… Cần có sự hỗ trợ để các thương hiệu Việt phát triển cạnh tranh, bền vững hơn, xây dựng chuỗi sản xuất kinh doanh thuần Việt.
Về mặt tài chính, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp muốn lớn, muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ thì cần có nguồn vốn, cần có hỗ trợ để vay vốn chi phí thấp. Ngoài ra, cần có sự ưu tiên trong chính sách thuế, có Luật công nghiệp trọng điểm để xác định lĩnh vực ưu tiên hay doanh nghiệp SME nằm trong chuỗi thuần Việt có sự hỗ trợ để phát huy hiệu quả tốt.
“Không phát huy được sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân sẽ khó đạt được tốc độ tăng trưởng 2 con số và nền kinh tế khó vươn mình trong kỷ nguyên nên cần có sự thay đổi trong cơ chế, chính sách” - chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.