Xây dựng những cơ chế, chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc vươn tầm Quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm thành công.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), 79 năm Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương, theo đề nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.
Sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là 160 đại biểu là các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, là sự kiện quan trọng và đặc biệt ý nghĩa thể hiện sự coi trọng, quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với sự nghiệp chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân nước nhà.
Phát biểu tại cuộc gặp, bà Lê Nữ Thùy Dương, Phó Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings cho biết, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc định hướng phát triển kinh tế bền vững trên nền tảng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân nâng cao sức cạnh tranh và năng lực sản xuất.
Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2023 đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân. Qua 1 năm triển khai, cộng đồng doanh nghiệp vui mừng khi 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp của Bộ Chính trị đề ra đã được các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai hiệu quả. Trong đó, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ rất được chú trọng.
Nhiều dự Luật quan trọng được Quốc hội thông qua, nhiều Nghị định được Chính phủ ban hành cùng các chương trình nghị sự, chương trình hành động để tổ chức thực hiện Nghị quyết 41 một cách quyết liệt. Đây là sự động viên, khích lệ để doanh nghiệp tư nhân ý thức và trách nhiệm về vai trò trụ cột của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ và phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.
Tập đoàn KN Holdings là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đến nay đã hơn 45 năm. Trong thập niên 80, công ty đầu tư sản xuất hàng may mặc xuất khẩu và trở thành một trong những doanh nghiệp may mặc lớn nhất Việt Nam thời điểm đó, giải quyết hơn 20.000 việc làm cho người lao động.
“Đầu những năm 90, chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân xây dựng công trình thí điểm BT đầu tiên đạt chất lượng vượt trội như nút giao thông ngã tư Hàng Xanh TP HCM – khi vận hành 25 năm không cần sửa chữa. Từ giai đoạn năm 2.000 đến nay, Tập đoàn luôn tiên phong đầu tư vào những lĩnh vực mới như: đô thị dịch vụ, sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo và đã để lại nhiều dấn ấn với những dự án quy mô lớn, giải quyết hàng ngàn việc làm cho người lao động và đóng góp tích cực cho kinh tế xã hội của địa phương, tiêu biểu như: Khu đô thị và sân golf Long Thành, Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise tại Khánh Hòa – nơi sẽ trở thành điểm đến Quốc tế mới cho du khách trong và ngoài nước; Đặc khu kinh tế Long Thành - Viên Chăn là đặc khu có quy mô lớn nhất do doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tư tại Lào; sân golf Long Thành là sân golf đầu tiên do người Việt Nam tự đầu tư, thiết kế, xây dựng, quản lý đạt tiêu chuẩn quốc tế, đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá; Tổ hợp nhà máy điện mặt trời tại Khánh Hoà đã vận hành từ 2018 là những nhà máy nối lưới đầu tiên của Việt Nam thực hiện theo chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch cho Quốc gia. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang triển khai một số Khu công nghiệp thông minh quy mô lớn với tầm nhìn hướng đến xây dựng các Trung tâm công nghiệp thế hệ mới, thu hút các Tập đoàn đa quốc gia, chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể dần làm chủ công nghệ, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Lê Nữ Thùy Dương chia sẻ.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, bà Lê Nữ Thùy Dương cho biết doanh nghiệp dành phần lớn lợi nhuận để chăm lo đời sống cho cán bộ nhân viên và cho các hoạt động vì cộng đồng. Đến nay, tổng số tiền mà tập đoàn và gia đình đã dành cho các chương trình từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa lên đến gần 2,700 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đề xuất tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo các cấp ngành cụ thể hoá những đường lối, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Trong đó, xây dựng những cơ chế, chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc vươn tầm quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm thành công.
Có chính sách thúc đẩy phát triển các lĩnh vực ưu đãi gồm: khu công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và nông nghiệp tuần hoàn có quy mô lớn để hình thành những dự án động lực phát triển của vùng, hình thành cụm liên kết ngành, để có điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển.
Tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính bằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cho phép thực hiện đồng thời các bước thủ tục xin phép để nhanh chóng triển khai đầu tư và đưa dự án sớm đi vào hoạt động nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật.