Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động trở lại thị trường lao động.
>>Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Trong đó, mức hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc là 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).
Bình luận về chính sách này, các chuyên gia đều cho rằng, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là một chính sách thiết thực, không chỉ giảm thiểu khó khăn cho người lao động, mà còn là động lực để thu hút người lao động trở lại làm việc ở doanh nghiệp, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Cùng với đó, thủ tục hỗ trợ cần đơn giản để người lao động tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng.
Theo ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), đây là chính sách kịp thời, nhân văn, thiết thực hỗ trợ người lao động lúc khó khăn. Để thực hiện chính sách một cách hiệu quả, ông Trung cho rằng cần xác định rõ nhóm đối tượng thật chi tiết, cụ thể. Điều này đảm bảo công bằng giữa những người lao động, các nhóm đối tượng.
Ông Trung đánh giá, chính sách nhà ở nếu được hỗ trợ cần thông qua doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt vai trò của chính quyền địa phương trong việc xác định người lao động thuê trọ.
“Thủ tục nhận hỗ trợ phải hết sức đơn giản, cần có ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi hỗ trợ này. Như vậy, người lao động mới tiếp cận được những chính sách nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, chính sách ban hành có sự giám sát của các tổ chức trong quá trình thực thi”, ông Trung nói.
Vẫn theo ông Trung, hỗ trợ bằng tiền trước mắt là hợp lý, nhưng cần tính đến vấn đề lâu dài về nhà ở cho người lao động. Doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho người lao động, như vậy người lao động mới gắn bó với doanh nghiệp một cách tích cực. Về phía nhà nước, các địa phương trong quá trình quy hoạch cũng cần rõ ràng vấn đề nhà ở; bố trí nhà ở gần khu công nghiệp.
“Bên cạnh đó, trong quy hoạch, các địa phương cần tính toán đến việc đưa doanh nghiệp, nhà đầu tư đến “chân” người lao động. Như vậy, sẽ giảm được chi phí cho phía người lao động. Tôi mong muốn Bộ Xây dựng có định mức tối thiểu nhà ở công nhân, đảm bảo mức sống tối thiểu nhất cho người lao động”, ông Trung bày tỏ.
Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nếu quyết định được đưa vào triển khai, thì đây sự hỗ trợ thiết thực cho người lao động.
>>Hỗ trợ người lao động từ quỹ BH thất nghiệp: Kịp thời chính sách an sinh
Hỗ trợ tiền thuê nhà ở, không những giảm thiểu khó khăn cho người lao động, mà còn là động lực để thu hút người lao động trở lại làm việc ở doanh nghiệp, khắc phục tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt lao động, giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động. “Có thể nói, đây là chính sách rất tốt, cho cả người lao động và cho cả doanh nghiệp”, ông Quảng nhận định.
Chia sẻ về thủ tục triển khai gói hỗ trợ, ông Quảng cho biết, cần nắm bắt kinh nghiệm từ việc triển khai rất nhanh, thuận tiện của Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
“Hỗ trợ tiền thuê trọ là từ nguồn ngân sách, nên thủ tục phức tạp hơn, nhưng tinh thần là mong muốn thủ tục rút gọn, đơn giản hơn để người lao động tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng, triển khai tận tay đến người lao động”, ông Quảng đề xuất.
Đồng thời nhấn mạnh, tổ chức Công đoàn đang đóng góp xây dựng Dự thảo Quyết định theo tinh thần đảm bảo thuận lợi nhất cho người lao động, đảm bảo công bằng, minh bạch và mở rộng đối tượng được thụ hưởng.
Các chuyên gia về lĩnh vực lao động cũng cho rằng, mục đích triển khai chính sách là hỗ trợ người lao động trở lại thành phố làm việc, khắc phục khó khăn do dịch COVID-19.
Tuy nhiên, quan trọng nhất trong việc hỗ trợ lao động thuê nhà trọ là tổ chức triển khai thực hiện như thế nào bởi liên quan nhiều đến thủ tục xác nhận hành chính, nhất là từ cấp chính quyền cơ sở liên quan đến khai báo tạm vắng, tạm trú.
Nếu ứng dụng dữ liệu dân cư sẽ rất thuận lợi bởi thực tế việc triển khai Nghị quyết 116 đã chứng minh khi có nguồn dữ liệu chính xác sẽ rất nhanh. Trong khi đó, dữ liệu về thị trường lao động triển khai theo ngành dọc do Cục Việc làm là đầu mối hiện rất hạn chế.
Có thể bạn quan tâm
10:09, 29/01/2022
21:37, 16/12/2021
00:00, 03/12/2021
03:15, 02/10/2021
19:36, 01/10/2021