Khi doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được hoàn thuế sẽ có điều kiện để tăng đầu tư, tái đầu tư cho sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vậy là Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chính thức quy định phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5% từ ngày 1/7/2025.
Chia sẻ với DĐDN, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bày tỏ vui mừng khi “được’ chịu thuế bởi doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế VAT đã nộp ở đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành.
Theo đó, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ có tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần) nhưng sẽ làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%). Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi.
Ngoài ra, phân bón hiện là sản phẩm bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường, thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bình ổn ở mức hợp lý.
Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đánh giá, chính sách áp dụng thuế GTGT đối với phân bón cần dựa trên tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển bền vững ngành sản xuất phân bón trong nước, sự phát triển của ngành nông nghiệp, tạo môi trường thuế bình đẳng giữa nhà sản xuất phân bón trong nước và nhà nhập khẩu phân bón, loại trừ cạnh tranh bất lợi cho sản xuất nội địa. Do đó, yêu cầu chuyển đổi phân bón sang chịu thuế GTGT 5% là thật sự cần thiết để tạo động lực đầu tư cho doanh nghiệp.
Chuyên gia đánh giá, các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam cần có những đầu tư mới để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải, xanh hoá hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu suất của nhà máy, giúp sản phẩm phân bón có chứng chỉ xanh, góp phần nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam xuất khẩu. Đây chính là mong mỏi lớn nhất cho người nông dân từ hiệu quả chính sách thuế GTGT phân bón có thể đạt được.
Do đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhìn nhận, hoàn thuế GTGT 5% thì chi phí sản xuất phân bón giảm vì không phải hạch toán thuế vào chi phí nên doanh nghiệp có dư địa để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh, giảm giá bán cho bà con.
Khi doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được hoàn thuế sẽ có điều kiện để tăng đầu tư, tái đầu tư cho sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó góp công sức kiến tạo các mục tiêu xa hơn cho tương lai ngành nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ khi thực hiện Luật số 71/2014/QH13 (Luật số 71) đến nay, so với những năm còn áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón, giá thành các loại phân bón đã tăng từ 5,2% - 7,8% tuỳ loại.
Do đó, vấn đề áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón đã được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đồng thuận cao. Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, TS Phùng Hà thông tin thêm, theo Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, về phía Nhà nước, nếu thuế áp dụng thuế giá trị gia tăng 5%, sẽ tăng thu ngân sách thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế VAT đầu ra của phân bón lên tới 6.225 tỷ đồng và khấu trừ thuế VAT đầu vào là 4.713 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp hiện là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam khi đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, dự kiến năm 2024 xuất khẩu có thể đạt 60 tỷ USD, vượt xa kế hoạch là 55 tỷ USD và so với năm 2022 và 2023 là 54 tỷ USD, do đó, việc hỗ trợ toàn diện ngành nông nghiệp là cần thiết, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Đưa ra quan điểm về góp ý xây dựng chính sách, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng dù ở góc độ nào cũng cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân, trong đó cần quan tâm nhiều đến người nông dân, bởi lẽ bà con là lực lượng đông đảo, là lao động chủ yếu của quá trình sản xuất nông nghiệp, đối tượng trực tiếp tiêu dùng phân bón”, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.