Chợ nông thôn (Bài 3): “Mở lối” cho phát triển bền vững

Bài: VŨ VINH PHÚ, chuyên gia kinh tế - Ảnh: QUỐC TUẤN 22/08/2021 06:00

Hiện nay chúng ta vẫn còn 39% số xã trên cả nước chưa có chợ hoặc quy mô nhỏ. Việc này dẫn đến chợ nông thôn chưa theo kịp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chợ nông thôn là nơi diễn ra việc trao đổi hàng hóa giữa người bán và người mua, sản phẩm nông sản thực phẩm sản xuất ở các vùng quê được đưa đến chợ để tiêu thụ. Chợ cũng là nơi tập kết những hàng hóa công nghiệp tiêu dùng ở các thành phố đưa về phục vụ bà con nông dân.

Phần lớn chợ nông thôn hiện này đều quy mô nhỏ, chủ yếu là chợ loại 3.

Phần lớn chợ nông thôn hiện này đều quy mô nhỏ. Ảnh: Quốc Tuấn

Chợ đã góp phần kích thích sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp phát triển. Trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã xác định: “Chợ vừa là mục tiêu, vừa là động lực góp phần trong qua trình phát triển nông thôn mới”

Chủ yếu chợ loại 3

Chúng ta hãy đánh giá một cách khách quan về thực trạng của chợ nông thôn ở nước ta hiện nay. Phần lớn chợ đều quy mô nhỏ, chủ yếu là chợ loại 3. Trong 5.478 xã có chợ thì chỉ có 4.330 xã có chợ kiên cố và bán kiên cố chiếm 79% số chợ.

Chợ nông thôn đều phát triển mang tính tự phát, được hình thành trên cơ sở điều kiện giao thông đi lại ở từng khu vực làng xã khác nhau và các vùng miền. Vẫn còn 39% số xã ở Việt Nam chưa có chợ, trong khi đó lại có rất nhiều chợ cóc, chợ tạm vẫn phát sinh một cách không có tổ chức chặt chẽ.

Một số chợ có quyết định đầu tư bằng một số nguồn vốn, song tiến độ còn chậm chạp, một số chợ xây xong chưa có hiệu quả cao hoặc bỏ trống, không có người họp chợ vì nhiều nguyên nhận khác nhau.

Việc duy trì và phát triển các chợ hiện nay chưa gắn liền với việc hàng hóa sản xuất trong nước dồi dào, chất lượng ngày càng được nâng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng tiến bộ. Rõ ràng, chợ nông thôn hiện nay chưa theo kịp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong nhiều năm vừa qua.

Ở góc độ khác, hàng tiêu dùng công nghiệp đưa về địa bàn nông thôn tiêu thụ chưa được đều đặn, năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu chính ngạch và không chính ngạch còn yếu, việc cung ứng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao ở nông thôn.

Điều này đã dẫn đến tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém mất phẩm chất đã xâm nhập mạnh mẽ và thị trường Việt Nam mà chủ yếu đổ về các chợ nông thôn. Về mặt tổ chức bộ máy quản lý chợ còn ở trình độ thấp, quyền chủ động tại chợ và trách nhiệm quản lý chưa được rõ ràng, công tác hạch toán kinh tế chưa đầy đủ dẫn đến hiệu lực quản lý nhà nước về chợ tại địa phương cũng còn nhiều vấn đề.

Hiệu quả của sự hoạt động và chất lượng phục vụ tiêu dùng cũng như thúc đẩy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp còn nhiều hạn chế, việc này dẫn đến hiệu quả kinh doanh tại chợ nông thôn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế thương mại ở các địa phương.

Vai trò của chợ trong việc xây dựng nông thôn mới chưa tương xứng với những yêu cầu đề ra. Việc thực hiện quy hoạch phát triển chợ ở nông thôn còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa thực sự hiệu quả. Do đó, thời gian tới chúng ta cần phải đưa ra được những giải pháp mạnh mẽ và khả thi hơn để chợ nông thôn phát huy thế mạnh của mình.

Giải pháp phát triển chợ

Cần có quy hoạch phát triển chợ nông thôn theo đề án phát triển chợ từ 2021 đến 2025 và tầm nhìn đến 2030 của Bộ Công Thương đã đề ra, đảm bảo phát triển trên cơ sở nguồn lực đầu tư rõ ràng minh bạch, khai thác sau đầu tư chợ có hiệu quả. Chợ phải được hoạt động góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng ở địa phương được phát triển.

Cần có quy hoạch phát triển chợ nông thôn.

Cần có quy hoạch phát triển chợ nông thôn. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhanh chóng chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Ban quản lý sang doanh nghiệp quản lý chợ hay công ty cổ phần chợ. Việc chuyển đổi mô hình cần làm tốt công tác nhân sự trong bộ máy quản lý chợ và các chính sách, quy định cho phù hợp với tình hình mới.

Xây dựng và có kế hoạch đào tạo cán bộ chủ chốt trong Ban quản lý, doanh nghiệp, công ty cổ phần quản lý chợ. Phát triển bổ sung các dịch vụ hoạt động tại các chợ nông thôn, bao gồm kho bãi, bốc xếp, vận chuyển, thông tin, bưu điện, ngân hàng.

Áp dụng từng bước những thành tựu khoa học công nghệ vào trong sản xuất tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng.

Phòng trào OCOP mỗi xã mỗi làng có các sản phẩm đặc trưng đạt tiêu chuẩn các cấp loại sao đang phát triển chính là điều kiện thuận lợi để tăng số lượng sản phẩm và chất lượng hàng hóa phục vụ tại địa phương, trước hết là được tiêu thụ tại các chợ nông thôn.

Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm, chống hàng lậu hàng giả đang là mối quan tâm của cả nước, đặc biệt là ở các chợ nông thôn, nơi dân trí tìm hiểu thông tin hàng hóa còn hạn chế, còn có một bộ phận người tiêu dùng ham rẻ, dễ nhầm lẫn khi mua bán phục vụ cho gia đình.

Việc thực hiện các chuỗi sản xuất phân phối hàng hóa khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng ở các địa phương, thông qua đầu cuối là các chợ nông thôn cần phải được quan tâm cả về mặt chính sách và công tác quản lý, đảm bảo phát triển chuỗi nhanh và bền vững.

Thực hiện được những giải pháp cơ bản trên sẽ góp phần phát triển xây dựng mới và quản lý các chợ ở nông thôn Việt Nam và xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả.

Khi đó, việc phát triển sản xuất tiêu dùng ở nông thôn mới tiến lên một nấc thang mới, tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương trên toàn quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Chợ nông thôn (Bài 1): Sự hình thành và tác động của chợ

    Chợ nông thôn (Bài 1): Sự hình thành và tác động của chợ

    05:00, 17/08/2021

  • Chợ nông thôn (Bài 2): Thái độ của các Nhà nước với mô hình này

    Chợ nông thôn (Bài 2): Thái độ của các Nhà nước với mô hình này

    05:05, 18/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chợ nông thôn (Bài 3): “Mở lối” cho phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO