Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cần khu trú và hỗ trợ được những khu vực trong nền kinh tế bị tổn thương để chống nguy cơ suy thoái nền kinh tế.
Các nhóm dễ bị tổn thương gồm khu vực phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị tác động nghiêm trọng bởi COVID-19... Trước đó, đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái để sớm khôi phục lại nền kinh tế cũng đã được đưa ra.
Mặc dù khẳng định kinh tế Việt Nam sẽ không suy thoái, TS Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhận định, tăng trưởng nền kinh tế sẽ đối diện thêm những yếu tố mới trong đợt bùng phát dịch lần thứ hai này.
Theo đó, vị chuyên gia phân tích, trong quý I, tháng 1, tháng 2 là Tết, mọi người vẫn đi lại, tiêu dùng bình thường, sản xuất bị đình trệ một chút vì nghỉ tết, tăng trưởng vẫn đạt 3,68%, tức là mất khoảng 2 điểm phần trăm khi dịch diễn ra vào tháng 3.
Sang quý II, đặc biệt là tháng 4 và 5 bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19, kinh tế vẫn tăng trưởng 0,36%. Lúc đó chúng ta vẫn sản xuất chứ không đóng cửa hoàn toàn, hoạt động nông nghiệp vẫn được duy trì, xuất khẩu vẫn ổn.
“Điều này có nghĩa là ngay trong trường hợp giãn cách xã hội nghiêm ngặt thì kinh tế cũng chưa đến độ suy thoái”, TS Vũ Thành Tự Anh nhận định.
Tuy nhiên, với đợt bùng phát dịch lần hai, vị chuyên gia nhận định, bên cạnh những vấn đề cũ như xuất nhập khẩu gặp khó, chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư bị gián đoạn...nền kinh tế sẽ đối diện thêm những yếu tố mới.
Đầu tiên đó là sức chống chịu đã giảm. Mỗi lần giãn cách xã hội với doanh nghiệp và người dân giống như một lần phải ngụp đầu xuống nước và nín thở.
“Lần "nín thở" thứ hai, nếu xảy ra, sẽ rất khác vì thể trạng của nền kinh tế, bao gồm cả ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng đều đã mất sức rất nhiều qua đợt "nín thở" đầu tiên”, ông Vũ Thành Tự Anh phân tích.
Thứ hai là sự bất định. Sau khi kiểm soát dịch thành công với hơn 3 tháng không có ca nhiễm mới, Việt Nam đã tính đến mở cửa lại du lịch, tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, khi bệnh nhân đầu tiên ở Đà Nẵng xuất hiện, chúng ta mới thấy một thực tế phũ phàng, không thể chủ quan được khi mức độ bất định của đại dịch này vô cùng khủng khiếp. Đến giờ, thế giới cũng đang có những dấu hiệu rõ rệt về làn sóng thứ hai của COVID-19 và có thể trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa đông này.
“Sự bất định này khiến doanh nghiệp không dám đầu tư, mở rộng sản xuất, người tiêu dùng với tâm lý lo sợ thì cũng khó mở hầu bao. Chẳng hạn việc đi du lịch không còn nữa, giờ ra sân bay chỉ ai có việc mới phải đi thôi”, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhấn mạnh.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất bây giờ, tương tự cách ly địa điểm bị dịch, là phải khu trú được những khu vực trong nền kinh tế bị tổn thương và hỗ trợ những khu vực này thật tốt.
Cụ thể, các nhóm dễ bị tổn thương gồm khu vực phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị tác động nghiêm trọng bởi COVID-19... “Nếu chúng ta bảo vệ được các nhóm này, kinh tế về cơ bản sẽ duy trì được tối thiểu ở mức tương tự năm 2019, tăng trưởng chắc chắn sẽ thấp, nhưng cũng sẽ không đến mức suy thoái”, ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Để làm được điều này một cách hiệu quả, chuyên gia cho rằng cần tiếp cận có trọng điểm và kịp thời. “Chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực thi và triển khai chính sách hỗ trợ, nhờ đó duy trì việc làm và hạn chế tối đa tổn thương cho doanh nghiệp và người dân”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Cho ý kiến về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, từ năm 2015 đến nay, tiêu dùng cuối cùng đóng góp vào tăng trưởng trên 74%, trong đó của hộ dân cư trên 68%, của Chính phủ chiếm trong GDP khoảng 6%. Tích lũy tài sản chiếm trong GDP khoảng 27%, xuất khẩu thuần hàng hóa và dịch vụ trong những năm gần đây chiếm khoảng 2-3% trong tổng GDP. Do đó, tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư rất quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng.
Từ thực tế trên, có thể thấy việc giãn cách xã hội tuy rất cần thiết để chống dịch, nhưng cũng nên cẩn trọng xem xét kỹ lưỡng trước việc phong tỏa hoàn toàn một vùng hoặc nhiều vùng nào đó. Hơn nữa tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể, cho thấy tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư lan tỏa tốt nhất đến giá trị tăng thêm, trong khi đầu tư và xuất khẩu hàng hóa lan tỏa thấp nhất đến giá trị tăng thêm.
Nói một cách dễ hiểu, chuyên gia khuyến nghị, khi dịch bệnh lắng xuống, việc cần nhất là kích thích những ngành du lịch, khách sạn nhà hàng, vận tải và công nghiệp chế biến, kích cầu tiêu dùng nội địa để bù đắp những khó khăn, mất mát trong dịch.
Có thể bạn quan tâm
14:49, 03/08/2020
11:00, 09/08/2020
05:00, 09/08/2020
06:00, 27/07/2020
06:30, 22/07/2020
11:00, 21/07/2020
06:15, 17/07/2020
06:30, 16/07/2020