Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp, chủ đầu tư cần nghiên cứu rõ phương án triển khai, có chiến lược cụ thể và tuân thủ đúng quy định pháp lý.
Theo thống kê từ Batdongsan.com.vn, từ đầu năm 2024 thị trường bất động sản (BĐS) đã có dấu hiệu phục hồi. Trong quý III/2024, các nhà đầu tư đã bắt đầu quay trở lại thăm dò thị trường, với những thanh khoản nhỏ lẻ.
Đến đầu năm 2025, khi nguồn tiền ổn định trở lại cùng với các chính sách pháp lý, tiền tệ được củng cố thì thị trường sẽ trở nên khởi sắc hơn bằng việc khôi phục nguồn cung, tăng trưởng giá,... Tuy nhiên, chuyên gia của Batdongsan.com.vn cũng nhận định để thị trường thật sự ổn định trở lại cần chờ đến năm 2026, khi có nhiều loại hình quay trở lại thị trường, bắt đầu có mức thanh khoản cao.
Ông Hà Nghiệm – Giám đốc Kinh doanh Batdongsan.com.vn cho rằng trong thời gian tới nhà đầu tư sẽ ưu tiên yếu tố “chắc chắn” dự vào nhu cầu ở thực, các dự án có tính pháp lý cao là phù hợp với nguồn lực tài chính vào giai đoạn đảo chiều. Đến giai đoạn thị trường ổn định, người mua sẽ ưu tiên tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những phân khúc “hot” nhất, có tốc độ tăng giá cao, thu hút sự chú ý và có số lượng ít.
“Cụ thể, giai đoạn đảo chiều người mua sẽ ưu tiên chung cư, tiếp đến giai đoạn củng cố sẽ hướng đến các sản phẩm nhà riêng, nhà phố. Đến giai đoạn thị trường khởi sắc, nhà đầu tư sẽ lựa chọn các sản phẩm liên quan đến đất nền, biệt thự dự án. Cuối cùng vào giai đoạn ổn định sẽ là các sản phẩm BĐS khác, khi mà mức thanh khoản đã tăng ở đa dạng loại hình và có tốc độ tăng giá ổn”, ông Hà Nghiệm nói.
Cũng thông tin từ vị này, hiện tại, thị trường BĐS bán đã đảo chiều, cho thấy tăng trưởng tốt nhất ở phân khúc chung cư khi ghi nhận mức tăng trưởng 17% vào quý III/2024. Và 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng ghi nhận loại hình chung cư có mức tăng trưởng tốt nhất. Đồng thời, qua khảo sát của Batdongsan.com.vn thì có 72% môi giới cho rằng biến động của thị trường BĐS đã tích cực hơn.
Nói về thị trường trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng đang có 6 yếu tố tác động đến thị trường BĐS gồm Kinh tế vĩ mô; Pháp lý, quản lý và giám sát; Quy hoạch, đô thị hóa và cơ sở hạ tầng; Tài chính; Cung –cầu, giá cả, niềm tin khách hàng; Thông tin, dữ liệu và tính minh bạch. Đồng thời, TS. Lực cũng nhận định thị trường BĐS cũng sẽ phục hồi khi kinh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế - quy hoạch các cấp được hoàn thiện, vấn đề tiếp cận vốn được duy trì, cung – cầu cân bằng.
Đưa ra lời khuyên cho cộng đồng doanh nghiệp, TS. Lực cho rằng các doanh nghiệp cần kiến nghị đúng, trúng và kiên trì. Đồng thời, nên cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, nợ đáo hạn,... Cùng với đó là chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình, gói hỗ trợ được ban hành (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng, cơ cấu lại nợ, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ)...
“Đặc biệt, cần đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm, đưa giá BĐS về mức hợp lý hơn, chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh doanh tuần hoàn. Ngoài ra, phải thích ứng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, chuẩn hóa qui trình, sản phẩm và nhân sự theo các Luật mới có hiệu lực (Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS,...sửa đổi)”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Lập – Viện trưởng Viện nghiên cứu và Đạo đạo Bất động sản khẳng định trong thời gian tới, các doanh nghiệp, chủ đầu tư buộc phải nghiên cứu kỹ thị trường. Từ đó, đưa ra những tính toán cụ thể về từng giai đoạn phát triển của thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu để kiếm lời.
“Phải nghiên cứu từng nhóm sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng để tối đa hóa lợi nhuận và gia tăng giá trị. Đây là bài toán khoa học, chứ không phải cứ có đất là bán như trước đây”, ông Lập nói.