Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, do số lượng doanh nghiệp quá lớn, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ một cách đại trà là không khả thi và không hiệu quả.
Trong các đề xuất gây nhiều chú ý vừa được ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gửi tới Thủ tướng Chính phủ có nhiều nội dung đáng chú ý xung quanh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19.
Các kiến nghị của ông Lê Viết Hải được gửi đi ngay sau cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp hôm 9.5 nhằm tiếp tục quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19.
Thứ nhất, Chủ tịch Hoà Bình đề xuất Chính phủ cần có chỉ thị rõ ràng về đối tượng và các nguyên tắc hỗ trợ. Do nguồn tài trợ và nguồn nhân lực của Nhà nước huy động để làm công tác hỗ trợ là có hạn, Chính phủ cần xác định rất rõ đối tượng ưu tiên cần được hỗ trợ, tuyệt đối không làm đại trà.
Công tác triển khai hỗ trợ tối thiểu phải đáp ứng những nguyên tắc Đảm bảo tính hiệu quả; Đảm bảo tính khả thi và kip thời; Đảm bảo sự minh bạch; Đảm bảo sự hợp lí và công bằng.
Ông Hải cho rằng, chỉ thị của Chính phủ cần rõ ràng và chi tiết đến mức những cơ quan, đơn vị (ngân hàng, kho bạc) được giao trách nhiệm có thể giải quyết ngay các khoản tài trợ để kịp thời giải cứu cho doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, chủ tịch Hoà Bình đề xuất nhà nước nên có hình thức giúp đỡ thông qua các hiệp hội ngành nghề. Tài trợ cho các hiệp hội để xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp, bao gồm soạn thảo các hướng dẫn về những giải pháp "biến nguy thành cơ" cho hội viên và doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là hướng dẫn chuyển đổi số và tái cấu trúc cho doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê cuối năm 2019, số lượng doanh nghiệp hiện có trên 700.000 doanh nghiệp. Trong đó, tỷ lệ nhóm doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ chiếm rất cao hơn 98%. Với số lượng rất lớn này, Chính phủ không thể có đủ nguồn lực để xem xét và đánh giá tất cả các trường hợp để xác định mức độ hỗ trợ hợp lí, công bằng; dễ xảy ra tiêu cực gây bất mãn cho nhiều chủ doanh nghiệp.
Ông Lê Viết Hải cho rằng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ một cách đại trà là không khả thi và không hiệu quả. Hơn nữa, việc hỗ trợ này không thực sự quá cần thiết bởi vì hầu hết doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có tính chất gia đình, không thuê mướn nhiều lao động, không nợ hoặc nợ ngân hàng rất ít.
"Bình thường hàng năm cũng đã có hàng ngàn đơn vị thuộc nhóm này bị phá sản nhưng không ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế các địa phương cũng như cả nước", Chủ tịch Hoà Bình nói.
Đối với doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Hoà Bình cho rằng nhà nước nên ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp dẫn đầu ngành, bởi vì đầu tàu mới có khả năng tạo nên động lực kéo cả đoàn xe chuyển động.
Đó nhất định là những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả có nhiều đóng góp vào ngân sách, nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương cũng như quốc gia. Như thế cũng là sự công bằng và phù hợp với đạo lí.
Đó cũng là các doanh nghiệp có lực lượng lao động rất đông, có khả năng cung cấp một lượng hàng hóa lớn cho nhu cầu của thị trường và tạo nhiều công ăn việc làm cho một chuỗi cung ứng liên quan; chuỗi cung ứng đó chính là những công ty vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Đồng thời, đây cũng là những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao, có công nghệ kỹ thuật, có hệ thống quản lí tiên tiến và có năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường trong nước và cả toàn cầu sẽ phục vụ hiệu quả cho việc khôi phục kinh tế các địa phương và cả nước.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 2% và đa số tài chính minh bạch đã có kiểm toán độc lập nên các cơ quan ban ngành trung ương và địa phương dễ dàng xem xét và đánh giá. Từ đó có thể đưa ra phương pháp, công thức hỗ trợ hợp lí, công bằng, đơn giản, minh bạch và phù hợp cho từng lĩnh vực kinh doanh cũng như phù hợp với tình trạng hoạt động của từng doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc một số trường hợp đặc biệt, ông Hải cho rằng nhà nước không nên xét tài trợ doanh nghiệp siêu nhỏ vì có số lượng quá lớn.
Theo đó, bên cạnh nhóm doanh nghiệp qui mô lớn và dẫn đầu ngành, Chủ tịch Hoà Bình cho rằng chỉ có thể xem xét hỗ trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc một số trường hợp đặc biệt như: Có báo cáo tài chính đã kiểm toán; Có quá trình kinh doanh rất tốt, rất hiệu quả; Có quá trình đầu tư chi phí khá lớn cho cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đại; Có thế mạnh về công nghệ cao; Có khả năng cạnh tranh cao và nhiều triển vọng giúp địa phương cũng như Việt Nam bứt phá về kinh tế và phát triển thị trường toàn cầu.
Thứ hai, cần có giải pháp cụ thể khai thác các nguồn lực đang bị lãng phí. Theo ông Lê Viết Hải, tình hình kiểm soát dịch COVID-19 trong nước đã tạm ổn, Chính phủ đã ban hành chính sách khuyến khích "kết nối cung cầu nội địa". Đó là một chính sách rất đúng đắn nhưng cần có giải pháp cụ thể. Những giải pháp đó cần làm hết sức khẩn trương để kịp thời điều tiết các nguồn lực.
Đối với ngành xây dựng, Chính phủ, các địa phương cần nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư công, tạo ngay nhiều việc làm cho lực lượng lao động không chỉ trong ngành xây dựng hiện nay mà cả những lao động đã bỏ công việc nặng nhọc của xây dựng nay bị thất nghiệp quay trở lại làm xây dựng. Mặt khác, giải quyết các vướng mắc về pháp lí trong lĩnh vực đầu tư địa ốc.
Nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để xem xét cấp phép xây dựng cho rất nhiều hồ sơ đang tồn đọng. Những sai lỗi không nghiêm trọng khi cấp phép xây dựng nên có nguyên tắc chung áp dụng, không tùy tiện thực hiện hay dựa vào cảm tính của đơn vị thực thi nhằm đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư và người dân, hạn chế gây lãng phí lớn cho xã hội.
Chủ đầu tư phải cam kết chịu phạt nếu vi phạm hoặc đóng góp tài chính bổ sung nếu có sai sót về việc tính tiền sử dụng đất hoặc các khoản thuế khác khi nhận giấy phép xây dựng. Việc thu bổ sung được Nhà nước đảm bảo dự án vẫn còn có lợi nhuận hợp lí.
"Mọi nguồn lực sản xuất đang bị lãng phí với giải pháp trên sẽ được khai thác hiệu quả hơn; tránh tình trạng "no dồn đói góp", vì trong tương lai có thể thiếu hụt lao động trong ngành xây dựng khi làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ồ ạt sau đại dịch", ông Hải nói.
Thứ ba, cần chính thức phổ biến các nguyên tắc xử lí sự mâu thuẫn của các văn bản do Nhà Nước ban hành cho tất cả các cơ quan ban ngành cũng như doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, Chủ tịch Hoà Bình cho biết tình trạng có nhiều sự mâu thuẫn mà dân gian gọi là "đá nhau" trong những văn bản do các cơ quan quản lí Nhà nước ban hành trở thành một vấn đề nhức nhối không chỉ cho doanh nghiệp mà cho chính các cơ quan quản lí nhà nước.
Việc rà soát các thủ tục hành chính để đảm bảo sự nhất quán, không còn sự chồng chéo, mâu thuẫn sẽ mất rất nhiều thời gian và có thể nói không bao giờ giải quyết triệt để được.
Vì vậy, Chủ tịch Hoà Bình cho rằng cần tăng cường kiểm soát tính phù hợp của các văn bản pháp lí trước khi ban hành.
Xác định những nguyên tắc xử lí sự mâu thuẫn trong các văn bản của Nhà nước và phổ biến chính thức cho tất cả các cơ quan ban ngành cũng như doanh nghiệp và người dân hiểu rõ để thực hiện. Những nguyên tắc đó bao gồm:
Văn bản ban hành sau được ưu tiên áp dụng trong mọi trường hợp: văn bản ban hành sau nếu có điều gì mâu thuẫn với văn bản trước thì nội dung mâu thuẫn của văn bản trước sẽ là vô hiệu, dù là chưa có văn bản thu hồi văn bản trước và dù văn bản đó do cơ quan Nhà nước khác hoặc do cấp cao hơn ban hành.
Văn bản do cấp dưới ban hành không được mâu thuẫn với nội dung văn bản của cấp trên. Nếu có mâu thuẫn cần phải được các cơ quan thẩm quyền chỉnh sửa, không bắt người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại vì sai lỗi của cán bộ, của cơ quan thuộc phạm vi quản lí của Nhà nước. Xử lí nghiêm các cán bộ nhà nước vi phạm.
Những nội dung văn bản cần hết sức rõ ràng, dễ hiểu, nếu có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau cần được giải thích và xử lí theo hướng có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp, bao gồm các giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng... cấp cho người dân và cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, Chủ tịch Hoà Bình cho rằng, Chính phủ cần quan tâm có những cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho TP HCM tăng nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển hiệu quả và hài hòa, cân đối hơn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng… xứng đáng với vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Từ đó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế của cả nước tiến bước và phát triển vượt bậc.
Có thể bạn quan tâm
17:57, 23/03/2020
15:46, 13/10/2019
17:19, 14/12/2015