Ngày 30/1, (mùng 9 Tết Nguyên đán) tại thôn Trường Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn), tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Lễ phát động thi đua và Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
>> Tuyên Quang phát triển hệ sinh thái bền vững
Phát động thi đua và “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn khẳng định, năm 2023 là năm quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, là năm có những thuận lợi, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng bộ, chính quyền, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hơn lúc nào hết phải tiếp tục nêu cao truyền thống quê hương cách mạng, phát huy lòng tự hào của Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, phát huy tinh thần thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng.
Tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng; thực hiện thi đua trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, tạo nền tảng vững chắc đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp và nhân dân bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn thách thức, huy động và khai thác hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, xây dựng quê hương Tuyên Quang, Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Phát biểu tại Lễ phát động thi đua và Tết trồng cây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khẳng định, thi đua yêu nước là truyền thống tốt đẹp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tự hào và ý nghĩa, chính tại vùng đất ATK Tuyên Quang Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Từ đó tới nay, tinh thần ấy là động lực to lớn, làm cho phong trào thi đua yêu nước phát triển không ngừng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để đất nước ta có được cơ đồ đàng hoàng, to đẹp như ngày hôm nay.
Trong những năm qua, cùng với cả nước, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đổi mới, thiết thực và đạt được nhiều kết quả to lớn, tạo nên những đổi thay mạnh mẽ trên quê hương cách mạng.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, song các cấp, các ngành đã tổ chức phong trào thi đua thích hợp, sâu rộng với hình thức đa dạng, góp phần thực hiện tốt các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế của Tuyên Quang tiếp tục phát triển, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,66%, đứng thứ 6 trong khu vực miền núi phía Bắc và đứng thứ 32 cả nước; tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch được khai thác ngày càng hiệu quả; huy động được nhiều nguồn lực phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đã và đang triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của tỉnh cũng như các vùng lân cận.
Nổi bật là đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; Dự án Làng văn hóa du lịch và phát huy giá trị lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào… Hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, tiếp tục hoàn thiện; đời sống của nhân dân các dân tộc không ngừng nâng lên. Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới; an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến nay chỉ còn 18,9%; quốc phòng tiếp tục được củng cố; trật tự xã hội được giữ vững, là tỉnh điển hình về ổn định an ninh trật tự...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, bước sang năm 2023, cùng với những thuận lợi, thời cơ, dự báo sẽ có không ít khó khăn, thách thức đan xen, để cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sớm hoàn thành mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và những thành quả đã đạt được, Tuyên Quang cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, tạo sức lan tỏa, động lực mạnh mẽ để cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Thực hiện lời kêu gọi toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng và phát động Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, hướng tới xây dựng "nền kinh tế xanh", phát triển hài hòa, bền vững, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cùng tích cực hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023, mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, tổ chức tích cực tham gia Tết trồng cây gây rừng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Tuyên Quang là tỉnh có điều kiện tự nhiên, đi đầu cả nước về bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm 76% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chiếm 37,8%. Tỉnh đã thực hiện tốt quy hoạch phân 3 loại rừng, triển khai rất tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; hàng năm trồng mới trên 11 nghìn ha; hình thành vùng rừng nguyên liệu gần 200 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng trên 65%, duy trì hệ sinh thái đa dạng, bền vững, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn nguồn gen và tạo nguồn sinh thủy, phòng chống hiệu quả lụt bão, hạn hán, sạt lở đất cho vùng trung du Bắc Bộ.
Những năm gần đây, thế mạnh và kinh tế lâm nghiệp của tỉnh được phát huy và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, Tuyên Quang cũng là tỉnh có sản lượng khai thác gỗ lớn với trên 1 triệu m 3/ năm, song vẫn đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng TOP đầu của cả nước với trên 65%. Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ gỗ rừng trồng, được thị trường trong nước và xuất khẩu Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ ưa chuộng. Ngành lâm nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 9%/năm, đóng góp trên 4%/năm giá trị tăng trưởng GRDP của tỉnh, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với phát triển dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống và xây dựng nông thôn mới và người trồng rừng giàu lên được từ rừng.
Đồng thời thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Tuyên Quang là trung tâm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ mà Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã đề ra.
Cũng trong sáng 30/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Lễ khởi công dự án xây dựng Trường trung học phổ thông chuyên Tuyên Quang tại tổ 2, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang. Dự án có tổng mức đầu tư 255,8 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 6ha.
Có thể bạn quan tâm