Cụ thể, giới hạn giờ làm thêm giờ theo tuần, theo tháng và theo năm khiến doanh nghiệp vi phạm quy định về an sinh xã hội, mất hợp đồng cả năm, đồng nghĩa lao động mất việc.
Trao đổi với DĐDN, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú khẳng định, doanh nghiệp không muốn làm thêm giờ. Nhưng thực tế hai nhà máy của Minh Phú cần 20.000 lao động, nhưng dù dùng đủ mọi chính sách thu hút, doanh nghiệp vẫn đang thiếu 7.000 lao động.
Cùng với tình trạng thiếu hụt lao động, nông nghiệp là ngành có tính đặc thù mùa vụ, doanh nghiệp không thể không thu mua nông, thuỷ sản cho người nông dân. Do đó, áp lực khiến doanh nghiệp phải làm thêm giờ.
-Tại sao nói doanh nghiệp không muốn làm thêm giờ nhưng vẫn đề xuất tăng số giờ làm thêm, thưa ông?
Ngành Tôm chỉ nhiều nguyên liệu nhất từ 3-5 tháng thì cần làm thêm giờ. Còn các tháng khác làm không đến 8 giờ thậm chí chỉ làm khoảng 5 giờ đã hết nguyên liệu. Minh Phú hiện có 04 nhà máy chế biến tôm, để chạy hết công suất Minh Phú cần 20.000 lao động. Mặc dù thu nhập cao, và có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng Minh Phú chỉ tuyển được khoảng 13.000 lao động. Thiếu 7.000 lao động, tương đương khoảng 35% năng lực sản xuất.
Nói thật, doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải chi trả ít nhất 150% cho làm thêm giờ bình thường, 200% cho làm thêm giờ vào ban đêm, 300% làm thêm giờ cho những ngày Lễ và 200% làm thêm vào ngày nghỉ. Làm thêm giờ phải trả lương thêm mà doanh nghiệp không thể bán giá cao được.
Ước tính sản xuất các sản phẩm trong giờ làm thêm khiến giá thành sản phẩm của chúng tôi tăng 20%, điều này có nghĩa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giảm.
Thực tế như vậy, nhưng lại không thể giao đơn hàng sai hẹn cho đối tác. Do đó, doanh nghiệp buộc phải để lao động làm thêm giờ chứ không hề mong muốn.
-Vậy việc áp trần giờ làm thêm như quy định tại Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) sẽ tác động như thế nào tới doanh nghiệp của ông?
Ngoài những tháng vào mùa vụ, quá nửa năm là lao động ít việc, tới làm việc 3-5 giờ/ngày, chúng tôi vẫn phải trả lương cho lao động. Trong khi đó, vào tháng mùa vụ nhiều đơn hàng lại không được làm thêm vượt 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm.
Doanh nghiệp chúng tôi là doanh nghiệp xuất khẩu toàn thế giới, nên một năm có khoảng 10 Tổ chức quốc tế vào đánh giá an sinh xã hội. Tháng 5/2017, chúng tôi bị đánh trượt vì làm thêm mức 32 giờ/tháng. Doanh nghiệp chúng tôi cả năm đó không bán được hàng.
Khi tôi khiển trách cấp dưới thì nhận được câu trả lời: “Nông dân mang tôm đến không thể thu mua một mức ít hơn, tôm để trên bàn không thể hết giờ làm việc mà không chế biến nữa để cho tôm hỏng. Không thể cam tâm để bà con mang nông sản về mà bỏ hỏng”.
Như vậy, nếu quy định mức giờ làm thêm như hiện nay, thì doanh nghiệp sẽ vi phạm vào những tháng cao điểm mùa vụ, tức cả năm không được bán hàng. Luật của chúng ta đang đặt ra nguy cơ khiến doanh nghiệp không được bán hàng, đồng nghĩa người lao động không có việc làm.
Vậy tại sao cứ áp đặt cái gồng vào doanh nghiệp quy định giờ làm thêm theo tuần, theo tháng và theo năm?
Có thể bạn quan tâm
14:40, 14/10/2019
05:00, 14/10/2019
11:05, 28/09/2019
-Vậy doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh quy định về giờ làm thêm như thế nào trước khi Dự Luật được trình Quốc hội vào đầu tuầ tới, thưa ông?
Chúng tôi đề nghị bỏ quy định giàng buộc giờ làm thêm theo “tháng”. Chỉ cần quy định bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày và không quá 500 giờ trong 1 năm.
Vì trong thực tế, người lao động làm việc bình quân 10 giờ/ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như năng suất lao động. Do đặc thù phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu trong mùa vụ, không phải ngày nào cũng có nguyên liệu mà làm 10 tiếng/ngày. Hơn nữa chủ doanh nghiệp cũng phải cân đối việc làm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động mới đảm bảo được năng suất, chất lượng.
Từ đó doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Mặt khác, người lao động họ cũng có nhu cầu làm thêm giờ để nhận lương thêm trang trải cuộc sống.
Trong thực tế, công nhân làm tại nhà máy của chúng tôi từ 8-12 giờ/ngày, lại tiếp tục đi làm thêm thời vụ tại các Công ty khác cùng ngành thêm vài giờ nữa để kiếm thêm 3-5 triệu /tháng. Nên tổng thu nhập của họ lên đếnh 12-14 triệu/tháng. Kết quả hôm sau đến doanh nghiệp chúng tôi làm thì buồn ngủ, trốn việc… số này khoảng trên 30%.
Nhu cầu làm thêm giờ để có thêm thu nhập của người lao động là có và là nhu cầu chính đáng Chúng tôi xác định rằng doanh nghiệp là tài sản quý của doanh nghiệp để chúng ta tuyển được lao động, để lao động gắn bó với doanh nghiệp bản thân chúng tôi phải cân nhắc cho họ vừa có thu nhập, vừa có sức khỏe để làm lâu dài. Chúng ta không thể giúp người làm công ăn lương bằng cách tiêu diệt người trả lương!