Chủ tịch Trung Quốc không tham dự Thượng đỉnh G20 cho thấy điều gì?

CẨM ANH 09/09/2023 04:00

Sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể là một phần trong kế hoạch định hình lại cấu trúc quản trị toàn cầu.

>>"Hé lộ" lý do ông Tập Cận Bình không đến Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ

Không có lời giải thích nào được đưa ra về việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ vắng mặt tại cuộc hội nghị lớn mà Trung Quốc đã đặt ưu tiên cao trong quá khứ. Dự kiến, Thủ tướng Lý Cường sẽ tham dự thay cho ông Tập.

Sự thận trọng của Bắc Kinh đã gây ra hàng loạt suy đoán, từ các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của Chủ tịch Tập Cận Bình và những rắc rối trong nước, cho đến thái độ lạnh nhạt với nước chủ nhà Ấn Độ, quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc tại khu vực biên giới.

Nhưng nhìn từ lăng kính cạnh tranh quyền lực lớn của Trung Quốc với Mỹ, các nhà phân tích cho rằng việc ông Tập Cận Bình vắng mặt tại G20 cũng cho thấy phần nào thái độ của ông đối với hệ thống quản trị toàn cầu hiện tại, và các cấu trúc mà ông cho là bị Mỹ chi phối.

Thay vào đó, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đang ưu tiên các diễn đàn đa phương phù hợp với tầm nhìn của Trung Quốc như hội nghị thượng đỉnh BRICS vừa kết thúc và Diễn đàn Vành đai và Con đường sắp tới.

Ông George Magnus, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford cho biết: “Việc ông Tập không tham dự Thượng đỉnh G20 có thể một phần do những căng thẳng với Ấn Độ, nhưng cũng có thể là một tuyên bố rằng G20 sẽ không phải là một trong những ưu tiên của Trung Quốc trong thời gian tới".

Đối với một số nhà phân tích, sự vắng mặt của ông Tập có thể đánh dấu sự thay đổi trong cách Trung Quốc nhìn nhận về G20, một diễn đàn toàn cầu quy tụ các nền kinh tế mới nổi và tiên tiến hàng đầu thế giới, chiếm 80% GDP toàn cầu.

>>Thượng đỉnh G20 sẽ ra sao khi vắng người đứng đầu Nga, Trung Quốc?

Các nhà lãnh đạo khối G20 (trừ Chủ ttichjTrung Quốc Tập Cận Bình) sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tại New Delhi, Ấn Độ

Các nhà lãnh đạo khối G20, trừ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ

Ông Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy ở Washington DC chỉ ra, Trung Quốc từng coi G20 là một không gian tương đối trung lập để quản trị toàn cầu và đặt ưu tiên cao cho ngoại giao.

Kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm 2008, các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc luôn tham dự cuộc họp, bao gồm các cuộc họp trực tuyến trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Và khi Trung Quốc đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên vào năm 2016, nước này đã nỗ lực hết sức để sự kiện này đạt được thành công lớn và thể hiện tầm ảnh hưởng ngày càng tăng trên trường quốc tế.

"Kể từ khi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên căng thẳng và cạnh tranh ngày càng gia tăng, Trung Quốc coi G20 ngày càng hướng tới Mỹ và chương trình nghị sự của nước này, điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình coi là thù địch với Trung Quốc,” ông Werner nói.

Khoảng một nửa số thành viên của G20 là đồng minh của Mỹ, nằm trong nhóm mà chính quyền Biden đã tập hợp để có lập trường cứng rắn hơn trong việc chống lại Trung Quốc. Bên cạnh đó, dường như Bắc Kinh cũng thấy rằng căng thẳng ngày một gia tăng với các thành viên khác cũng xuất phát từ căng thẳng với Mỹ.

Ông Happymon Jacob, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết: “Trung Quốc coi Ấn Độ ở phe chống Trung Quốc, nên không muốn tăng thêm giá trị cho hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn mà Ấn Độ đang tổ chức”.

Sự chia rẽ về chiến sự Nga - Ukraine cũng đang phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh G20. Cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa thể đưa ra một tuyên bố chung trong bất kỳ cuộc họp quan trọng nào của G20 kể từ khi nước này đảm nhận chức Chủ tịch G20 vào tháng 12 năm ngoái.

Việc Trung Quốc từ chối lên án chiến sự Nga - Ukraine và tiếp tục hỗ trợ ngoại giao cho Moscow đã làm gia tăng xích mích với phương Tây. “Trung Quốc đã nói rằng G20 chỉ nên giới hạn ở các cuộc thảo luận về vấn đề kinh tế", ông Werner cho biết.

Các nhà phân tích Trung Quốc cũng đồng tình rằng Bắc Kinh có thể coi giá trị và hiệu quả của G20 đang ngày một giảm sút. Theo ông Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định: "Ngoại giao giữa Trung Quốc và G20 đang ở trong một giai đoạn phức tạp và thách thức hơn khi số lượng thành viên thân thiện với Trung Quốc ngày càng giảm".

Có thể thấy, BRICS mở rộng là một ví dụ về cấu trúc quản trị thay thế mà Bắc Kinh muốn xây dựng – bao gồm một số quốc gia quan trọng nhất ở Nam bán cầu, trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm.

Trong những năm gần đây, ông Tập Cận Bình đã đặt ra tầm nhìn về một trật tự thế giới mới thông qua việc công bố ba sáng kiến toàn cầu – Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu.

Vào tháng tới, nhà lãnh đạo Trung Quốc dự kiến sẽ chủ trì lễ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường, một yếu tố quan trọng trong cấu trúc quản trị toàn cầu mới của Bắc Kinh. Điều này sẽ tạo ra thông điệp nhất quán gửi tới phần còn lại của thế giới rằng Bắc Kinh sẽ tạo dựng "khu vực" của riêng mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ có

    Mỹ có "tận dụng" được sự vắng mặt của Trung Quốc tại G20?

    15:33, 08/09/2023

  • Thượng đỉnh G20 sẽ ra sao khi vắng người đứng đầu Nga, Trung Quốc?

    Thượng đỉnh G20 sẽ ra sao khi vắng người đứng đầu Nga, Trung Quốc?

    04:30, 08/09/2023

  • Xuất khẩu ô tô Trung Quốc

    Xuất khẩu ô tô Trung Quốc "vụt sáng" giữa bức tranh kinh tế ảm đạm

    04:00, 08/09/2023

  • Trung Quốc

    Trung Quốc "đủ sức" tạo đối trọng với Mỹ?

    03:30, 08/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ tịch Trung Quốc không tham dự Thượng đỉnh G20 cho thấy điều gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO