Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thay đổi đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham gia Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quyết định, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Trưởng ban Ban Đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương (Ban II).
Ông Phạm Tấn Công sinh năm 1963, tại Hưng Yên, trình độ thạc sỹ Quản trị kinh doanh.
Ông từng trải qua các chức vụ: Phó trưởng ban Mặt trận thanh niên Trung ương Đoàn; Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Đồng thời, từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ và Tài năng trẻ Trung ương Đoàn; Phó chủ tịch Hội đồng Bảo trợ tài năng trẻ Việt Nam.
Vào tháng 3/2013, ông Phạm Tấn Công từng công tác tại Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Trung ương, giữ các chức vụ Chánh văn phòng Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Phó bí thư thường trực Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Trung ương.
Ngày 8/9/2021, tại Hội nghị Ban Chấp hành VCCI lần thứ 14, khóa VI, ông Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn VCCI đã được bầu làm Chủ tịch VCCI nhiệm kỳ VI thay ông Vũ Tiến Lộc.
Ngày 7/8/2021 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định điều động, chỉ định ông Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối Doanh nghiệp trung ương, làm Bí thư Đảng đoàn VCCI nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 4/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
Năm 1963, VCCI ra đời đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, giới chủ và các Hiệp hội Doanh nghiệp ở Việt Nam, nhằm bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, VCCI cũng đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động ở Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế. VCCI có trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học - công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của các doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài. |
Có thể bạn quan tâm
[Infographic] Tân Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công
11:10, 08/09/2021
VCCI sắp ra mắt Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19
11:30, 08/09/2021
VCCI Đà Nẵng phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp về việc cấp giấy đi đường QR Code
11:34, 13/09/2021
VCCI TP HCM đào tạo online "Kỹ năng quản lý hiệu quả từ xa"
05:00, 12/09/2021
VCCI phải dốc toàn lực hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó COVID-19
08:00, 11/09/2021