Chủ tịch VCCI: "Đạo đức doanh nhân là cốt lõi hình thành văn hoá của mỗi doanh nghiệp"

CẨM ANH 19/05/2022 13:01

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ, nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ, là sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp.

 >>VCCI công bố Sáu Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam

Lễ

Lễ kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động thực hiện Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam

Tại buổi lễ kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động thực hiện Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công đã nhắc tới bức thư gửi giới doanh nhân từ những ngày đầu độc lập, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công Thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của Mặt trận Việt Minh, tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước, kháng chiến kiến quốc.

Theo Chủ tịch VCCI, kể từ khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990 ra đời, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Hiện nay, nước ta có trên 850.000 doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh, tương ứng với đó là số lượng doanh nhân lên đến hàng triệu người. Từ năm 1991 đến năm 2021, GDP Việt Nam tăng từ 9,6 tỷ USD lên 363 tỷ USD; GDP bình quân đầu người tăng từ 188USD lên 3680USD, tăng gần 20 lần.

"Doanh nhân Việt Nam tự tin và có quyền tự hào về những đóng góp của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng", Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ yêu cầu: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi” và đặt ra mục tiêu đưa đất nước ta đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Quán triệt mục tiêu phát triển đất nước của Đại hội Đảng XIII đã đặt ra, Nghị quyết Đại hội VII của VCCI đã xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có việc “Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp”.

>>Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Đất nước phát triển phải có văn hóa kinh doanh quốc gia

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi lễ

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi lễ

Thời gian qua VCCI đã triển khai nghiên cứu, xây dựng các quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn cao cấp, của các đơn vị nghiên cứu khoa học và đại diện các doanh nhân, doanh nghiệp, cũng như tham khảo nhiều tài liệu, mô hình quốc tế và trong nước, qua nhiều hội nghị, cuộc họp và có  xin ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại Hội nghị Ban Chấp hành VCCI lần thứ 3, khoá VII đã chính thức thông qua Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam.

Cụ thể, 6 điều của quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam bao gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Theo Chủ tịch VCCI, nhân ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức, phong cách, VCCI tổ chức công bố Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, điều này thể hiện quyết tâm của cộng đồng doanh nhân học tập và làm theo Bác.

Đây là hoạt động thiết thực của doanh nhân Việt Nam hưởng ứng thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng thời là bước khởi đầu quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII.

Chủ tịch VCCI cũng đề nghị tất cả các hội viên, các hiệp hội doanh nghiệp thành viên VCCI cùng tổ chức thực hiện Quy tắc đạo đức bằng sự đồng tâm, cùng hành động để tạo ra các giá trị mới, các giá trị bền vững, đó là đạo đức, là văn hoá kinh doanh Việt Nam.

"Văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp đều bắt đầu từ con người, do con người và vì con người, do vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ đạo đức doanh nhân, đây là yếu tố nền tảng, là cốt lõi hình thành nên văn hoá của mỗi doanh nghiệp", Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh. Từ đó, hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh, văn minh, sánh ngang cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp các nước phát triển để thực hiện được khát vọng đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI công bố Sáu Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam

    VCCI công bố Sáu Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam

    11:04, 19/05/2022

  • VCCI mong muốn phối hợp AVSE Global xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam

    VCCI mong muốn phối hợp AVSE Global xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam

    15:05, 07/03/2022

  • Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Đất nước phát triển phải có văn hóa kinh doanh quốc gia

    Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Đất nước phát triển phải có văn hóa kinh doanh quốc gia

    03:49, 27/02/2022

  • VCCI tiên phong trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam

    VCCI tiên phong trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam

    15:42, 26/02/2022

  • Cội nguồn văn hoá kinh doanh

    Cội nguồn văn hoá kinh doanh

    03:00, 09/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ tịch VCCI: "Đạo đức doanh nhân là cốt lõi hình thành văn hoá của mỗi doanh nghiệp"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO