Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Phát triển bền vững là lẽ sống của doanh nghiệp”

Đỗ Huyền 23/06/2020 15:00

TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, phát triển bền vững là hướng tới những giá trị nền tảng và đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Sáng nay (23/06) – Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã tổ chức thành công Kỳ họp Ban Chấp hành hành VBCSD Nhiệm kỳ 2020 – 2023.

Phát biểu tại Kỳ họp, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD chia sẻ: “Thế giới hậu đại dịch COVID-19 sẽ là thế giới của tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc mỗi doanh nghiệp để hướng đến những giá trị phát triển bền vững. Bài toán cho mỗi doanh nghiệp giờ đây là “tồn tại hay không tồn tại, phát triển bền vững hay bị bỏ lại phía sau?”.

Do đó, Chủ tịch VCCI cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần phát triển bền vững, cân bằng lợi ích kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường trong dài hạn để làm chủ sân nhà, vươn cao hơn trên sân chơi quốc tế và tận dụng được các cơ hội từ các FTA lớn. Nói rộng hơn, mỗi quốc gia cần một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh để có thể tự cường, tự chủ và tự do.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Định hướng phát triển bền vững không chỉ là vấn đề của các tập đoàn lớn mà còn là định hướng phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Trong 5 năm qua VCCI đã đưa ra bộ chỉ số để các doanh nghiệp có thể áp dụng được, chứ không phải là những gì trừu tượng. Bộ CSI do VCCI ban hành bao gồm 127 chỉ số nhằm định hướng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, phát triển bền vững không phải là “phú quý sinh lễ nghĩa” mà đây chính là những giá trị nền tảng nếu chúng ta muốn trở nên phú quý và đóng góp vào sự phát triển cho đất nước”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

127 chỉ số về phát triển bền vững do VCCI đưa ra đều dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế, Xã hội, và Môi trường, là những hướng dẫn, định lượng cụ thể cho việc thực hiện 3 trụ cột đó. Tuy nhiên, 127 chỉ số là bộ chỉ số thích ứng với các doanh nghiệp lớn, nhưng là thứ quá sức đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

“Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể mang vác được 127 chỉ số như vậy. Có những chỉ số không thích hợp và cũng không cần thiết đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Làm sao để quán phở bên đường cũng phải mang tinh thần phát triển bền vững”, Chủ tịch VCCI nói.

 Do vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng cần ít nhất 3 bộ chỉ số cho 3 loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Cũng theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Chính phủ đang nỗ lực để cải cách thể chế, tạo ra một sân chơi bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, do đó, VBCSD-VCCI cùng cần chuyển mình mạnh mẽ hơn. VBCSD cần những ý tưởng đột phá mới, tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh của cánh chim đầu đàn, định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững.

Toàn cảnh Kỳ họp Ban Chấp hành hành VBCSD Nhiệm kỳ 2020 – 2023.

Toàn cảnh Kỳ họp Ban Chấp hành hành VBCSD Nhiệm kỳ 2020 – 2023.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, ban tổ chức đã bầu ra Ban thường trực VBCSD nhiệm kỳ IV (2020-2023). Theo đó, Chủ tịch VBCSD là TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đồng Chủ tịch VBCSD là ông Binu Jacob - Tổng giám đốc, Công ty TNHH Nestle Việt Nam; Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký VBCSD là ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI

Ngoài ra, cuộc họp cũng bầu ra Phó Chủ tịch VBCSD gồm: bà Đoàn Thị Mai Hương - Tổng giám đốc, Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO; bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và PTBV, Coca-Cola Đông Dương; ông Piyapong Jriyasetapong - Tổng giám đốc, SCG Việt Nam; ông Denis Brunetti - Chủ tịch, Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia & Lào; ông Đỗ Thái Vương - Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Đối ngoại, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ); bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; ông Matt Wilson – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao,  Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam; ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch, TBS Group.

Cùng với đó, cuộc họp cũng bầu ra các thành viên Ban Thường trực gồm: ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Đối ngoại, Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam; bà Bùi Thu Hương - Trưởng Bộ phận Đối ngoại và Chế định, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam; bà Nguyễn Thị Đan Phượng - Giám đốc Truyền thông & Marketing, khối Việt Nam & Phillipines, Công ty Schneider Electric; ông Đỗ Quốc Thịnh - Trưởng phòng PTBV,  Công ty CPTĐ PAN; ông David Stone – Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương; bà Trần Thị Phương Thảo - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Chiến lược & Phát triển kinh doanh,  Công ty TNHH BHNT Prudential Việt Nam; bà Lê Thị Hồng Nhi - Quản lý cấp cao phụ trách Phát triển bền vững và Đối ngoại, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam; ông Bùi Hồng Minh - Trưởng phòng Đối ngoại, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; bà Nguyễn Thanh Hoa - Giám đốc Truyền thông Thương hiệu, Tập đoàn Bảo Việt.

Ban Thường trực nhiệm kỳ IV và chụp ảnh lưu niệm.

Ban Thường trực nhiệm kỳ IV và chụp ảnh lưu niệm.

Năm 2020 là năm thứ năm liên tiếp Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2020 (CSI 2020) được triển khai bởi VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD, thuộc VCCI).

Năm 2020, Chương trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực trên toàn quốc. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ khai thông tin theo Bộ chỉ số CSI 2020 với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số quản trị; Chỉ số môi trường; và Chỉ số lao động.

Được thành lập năm 2010 theo sự phê duyệt của Chính phủ, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) là tổ chức định hướng doanh nghiệp, nơi quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu và các tổ chức xã hội uy tín ở Việt Nam tiên phong trong thực hiện phát triển bền vững, là cầu nối giúp tăng cường phối hợp chặt chẽ và đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các đối tác trong xã hội để đẩy mạnh phát triển bền vững.

VBCSD hiện cũng là 01 trong 69 đối tác thuộc Mạng lưới toàn cầu của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD).

Thông qua bốn hoạt động cốt lõi kết nối doanh nghiệp bao gồm truyền thông & nâng cao nhận thức, tập huấn, nghiên cứu và hợp tác quốc tế, VBCSD-VCCI từng bước hỗ trợ đưa phát triển bền vững vào trọng tâm chiến lược hoạt động sản xuất, kinh doanh, trở thành “hơi thở” của mỗi doanh nghiệp.

Các Chương trình, sáng kiến nổi bật hiện đang được VBCSD triển khai, bao gồm: (i) tổ chức thường niên Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam; (ii) thúc đẩy doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững; (iii) tổ chức thường niên Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững; (iv) thành lập và duy trì Mạng lưới báo chí về phát triển bền vững; (v) thúc đẩy quan hệ đối tác công – tư trong lĩnh vực phát triển bền vững, trong đó có Sáng kiến Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Heineken mục tiêu phát triển bền vững đến 2025

    09:10, 18/06/2020

  • Ngành chăn nuôi cần lên phương án để phát triển bền vững

    02:00, 28/04/2020

  • VCCI chung sức cùng doanh nghiệp “vượt bão”: Phát triển bền vững là vấn đề máu, thịt

    15:00, 27/04/2020

  • Doanh nghiệp FDI chung tay cùng ĐBSCL bảo vệ tài nguyên nước phát triển bền vững

    11:03, 23/03/2020

  • Phát triển bền vững: Đã tới lúc nói ít hơn và làm nhiều hơn!

    05:15, 26/01/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Phát triển bền vững là lẽ sống của doanh nghiệp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO