Trong khi “thẻ vàng” thuỷ sản mà Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa được gỡ bỏ,thì những biện pháp “siết” tiêu chuẩn tiếp tục được gia tăng với Luật Bảo vệ Thú biển của Hoa Kỳ (MMPA).
Theo đó, Luật MMPA của Hoa Kỳ đặt ra yêu cầu các quốc gia xuất khẩu hải sản phải chứng minh được biện pháp quản lý nghề cá tương đương với quy định của nước này trong việc bảo vệ thú biển.
Đáng lưu ý, trong phán quyết sơ bộ, Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ (NOAA) đã không công nhận sự tương đồng của Việt Nam đối với 12 nghề khai thác hải sản quan trọng, như lưới rê, lưới vây, lưới kéo, câu tay… Lý do là NOAA chưa có sự đảm bảo chắc chắn về việc Việt Nam triển khai các biện pháp quản lý, giám sát để hạn chế gây sát thương, đánh bắt không chủ ý đối với thú biển, đồng thời đảm bảo tương thích với quy định của Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam mới chỉ dự kiến một số hoạt động giám sát thú biển bị đánh bắt không chủ ý mà chưa ban hành thành quy định cụ thể.
Điều này đồng nghĩa với nguy cơ các mặt hàng chủ lực, như cá ngừ, cá kiếm, mực, cá thu, cá mú, cá hồng và cua - những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ rất có thể bị “thẻ đỏ” cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 1/1/2026. Và hạn chót để Việt Nam thay đổi hệ thống đánh bắt hải sản, bổ sung bằng chứng và tiến độ thực hiện kế hoạch quản lý các sản phẩm từ những nghề khai thác này, đáp ứng những tiêu chuẩn của Hoa Kỳ là trước ngày 1/4/2025. Kết luận cuối cùng được công bố trước ngày 30/11/2025.
Cùng với đó, Hoa Kỳ cũng có kế hoạch mở rộng Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP). Cụ thể, chương trình yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thêm thông tin chi tiết, làm tăng chi phí tuân thủ.
Với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nói trên chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch thủy sản Việt Nam, quy định của MMPA và SIMP có thể gây ảnh hưởng đến ngành thủy sản, thậm chí đe dọa uy tín và vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Không chỉ vậy, nếu trường hợp xấu, hải sản Việt Nam bị “cấm cửa” vào thị trường lớn như Hoa Kỳ. Các chuyên gia lo ngại các đối tác lớn khác như EU, Nhật Bản hoặc Canada cũng có thể sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát tương tự. Từ đó, có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng uy tín, đẩy ngành thủy sản Việt Nam vào thế bị động.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng nhất của Việt Nam, vì vậy cần ưu tiên giải quyết ngay vấn đề về MMPA. Hiện tại, cả nước có 83.024 tàu khai thác, đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ theo từng vùng và tập trung vào các loài phù hợp với tiêu chuẩn của Mỹ.
Là đơn vị liên quan trực tiếp, ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Cục Thủy sản và Kiểm ngư phối hợp chặt chẽ nhằm giữ vững thành quả này, đồng thời đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía Mỹ.
Đề xuất tháo gỡ những nguy cơ trên từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần thành lập tổ công tác liên ngành, bao gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, để đàm phán với NOAA và đề nghị gia hạn thời gian tuân thủ. VASEP cũng kiến nghị thuê chuyên gia Hoa Kỳ, đặc biệt là những người từng làm việc tại NOAA, để tư vấn các biện pháp đáp ứng yêu cầu của MMPA. Ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống quy định bảo vệ thú biển, đồng thời thu thập và cung cấp đầy đủ bằng chứng về tiến độ thực hiện các biện pháp quản lý trước ngày 1/4 tới để tránh nguy cơ bị cấm nhập khẩu.
Về dài hạn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, sản lượng lĩnh vực khai thác có xu hướng tăng, do đó cần có chiến lược hợp lý để giảm áp lực lên nguồn lợi thủy sản và phải đảm bảo an toàn trên biển và có chiến lược khai thác hợp lý. Đồng thời, cần xem xét cụ thể việc phân bổ tàu theo từng vùng khai thác - vùng lộng, vùng bờ, vùng khơi - cũng như tập trung vào những đối tượng phù hợp.
Bên cạnh đó, ngoài tôm và cá tra ngành thủy sản, cần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các đối tượng nuôi mới như rong biển, tảo, bào ngư, nhuyễn thể hai mảnh vỏ... nhằm giảm phụ thuộc vào một số mặt hàng chủ lực và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Giải pháp căn cơ là ngành thủy sản cần thay đổi căn bản chiến lược phát triển, từ mô hình sản xuất, kiểm soát chất lượng đến phương thức xuất khẩu, đầu tư mạnh vào nuôi biển để giảm khai thác tự nhiên.